| Hotline: 0983.970.780

“Quy hoạch” cho…bò

Thứ Năm 24/03/2011 , 11:05 (GMT+7)

Cách làm này đã giúp người dân giữ được vệ sinh môi trường thôn xóm, đồng thời tránh được dịch bệnh phát sinh mỗi khi mùa lũ về.

Có lẽ xã vùng cao Tân Hóa (huyện Minh Hóa-Quảng Bình) là một trong những địa phương ít ỏi của cả nước đã đưa vào chương trình phát triển KT-XH của xã đề án quy hoạch đất đai làm khu nuôi nhốt tập trung trâu bò.

Nhờ có quy hoạch cụ thể nên khu nuôi nhốt gia súc được tách biệt với khu dân cư. Cách làm này đã giúp người dân giữ được vệ sinh môi trường thôn xóm, đồng thời tránh được dịch bệnh phát sinh mỗi khi mùa lũ về. Trước đây, chuồng trại gia súc luôn được làm ngay bên cạnh nhà ở của dân. Vào mùa mưa, nước lũ dâng lên chia cắt xã thành 7 vùng, dòng nước lũ luồn lách khắp các thôn xóm cuốn theo rác thải và phân trâu bò, gây ô nhiễm môi trường và phát sinh nhiều bệnh tật. 

Trước thực tế này, chính quyền xã Tân Hoá đã có chủ trương quy hoạch khu chuồng trại chăn nuôi gia súc ở những chỗ có nền đất cao giữa đồng và ven chân núi, tách biệt hẳn với khu dân cư. Ông Cao Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: "Khi đề xuất, chúng tôi không nhận được sự đồng tình của nhân dân, bởi tập quán của người dân chủ yếu là thả rông trâu bò, việc xây dựng chuồng trại sẽ làm tốn một khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên, sau khi hiểu rõ mục đích của việc quy hoạch, bà con lại ủng hộ một cách nhiệt tình, vì vậy, việc xây dựng khu chuồng trại đều do người dân tự giác thực hiện”. 

Để thuận tiện trong việc quy hoạch, cán bộ xã đã khảo sát các vùng đất xấu, canh tác không có hiệu quả để đo đạc và “chấm” vị trí. Sau đó, công khai lấy ý kiến và giải đáp các thắc mắc của người dân. Khu chuồng trại được phân bố rải rác trên địa bàn 7 thôn, mỗi thôn có từ 2 - 3 khu chuồng trại tập trung. Mỗi khu chuồng thường có trên 10 “nhà” được sắp xếp thành từng dãy liền kề thẳng tắp và có đường đi. Mỗi "nhà" rộng chừng 3m2, có mái lợp 2 chái bằng ngói hoặc tôn, diện tích đủ cho 1-2 con trâu, bò cùng chung sống.

Ngoài ra, các hộ dân còn lát nền chuồng bằng xi-măng để vừa đối phó với mưa lũ, vừa dọn dẹp vệ sinh dễ dàng. Ban đầu, lùa trâu bò vào "nhà" cũng chẳng dễ. Quen thả rông nên chúng chẳng chịu vào mà cứ hếch sừng nghênh nghênh để tìm chỗ trống rồi phóng lên đồi. Vậy là nhiều nhà giúp sức nhau lần lượt “ráp” từng con trâu bò vào “nhà”. Sau này thành thói quen, chiều chiều, trâu bò cứ thế đi vào “nhà” của mình, đám con nít đi theo rút thanh chốt cài ngang cửa chuồng là an tâm. Quy hoạch”được khu chuồng trại, vệ sinh thôn xóm sạch sẽ lên hẳn vì không còn cảnh phân trâu bò vãi ra khắp đường thôn.

Nhưng có lẽ vui nhất là lực lượng thú ý xã. Ông Cao Xuân Cửu, cán bộ thú y cho hay: “Trước đây, mỗi lần tiêm phòng dịch cho trâu bò là tốn công lắm. Nhà nhà lên rừng đuổi trâu bò về mà cũng chẳng được mấy con. Tỷ lệ tiêm phòng cứ lẹt đẹt, nay thì khỏe. Chỉ cần thông báo là bà con chưa thả trâu bò ra, cán bộ thú y đến từng khu vừa nhanh vừa thuận tiện. Cứ định kỳ, Ban thú y xã lại cử người tiêm vắcxin phòng chống dịch bệnh cho trâu bò ngay tại khu chuồng trại”.

Ông Cao Văn Lực - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: "Rất nhiều địa phương đến đây để học cách làm của chúng tôi. Làm như thế này, một là người dân bảo vệ được tài sản của nhau, hai là vừa bảo vệ môi trường vừa thuận lợi cho việc tiêm phòng vắcxin, vì vậy tất cả dịch bệnh đều được kiểm soát rất tốt". 

Trong đợt rét đậm, rét hại cuối năm ngoái, trâu bò ở Tân Hóa chết nhiều so với các địa phương khác. Nguyên nhân do lũ lớn làm kiệt nguồn thức ăn cho trâu bò. Bà Cao Thị Bảy (thôn 1 - Yên Thọ) kể lại với chúng tôi: “Nhà tôi có 5 con bò. Đợt rét chết mất 2 con vì nó không có cái ăn mà kiệt sức. May có hệ thống chuồng trại liền nhau nên việc che chắn cũng dễ. Chỉ cần che đầu dãy chuồng là chắn gió luôn cho tất cả”. Còn ông Cao Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã thì khẳng định: “Nếu không có hệ thống chuồng trại được quy hoạch bảo đảm che chắn rét cho đàn thì có lẽ trâu bò ở Tân Hóa đã chết sạch rồi”.

Qua đợt lũ lịch sử và đợt rét hại kéo dài, người dân Tân Hóa vẫn giữ được đàn trâu bò gần 1.500 con. Nhờ chăn nuôi trâu bò, nhiều người đã có điều kiện cho con cái học hành. Nhiều gia đình sau hai đận thiên tai lũ lụt và rét đậm vẫn giữ được đàn bò để sau đó bán vài con lấy tiền trang trải khó khăn, sửa sang lại nhà cửa bị hư hại, lấy vốn phát triên sản xuất, ổn định cuộc sống. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi xã Tân Hóa chỉ có 7 thôn, nhưng có 4 thôn được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, 2 thôn còn lại là làng văn hoá cấp huyện. Điều 10 trong hương ước làng văn hoá thôn 2 - Yên Thọ có ghi rõ: "Bảo vệ môi sinh, môi trường là trách nhiệm của mọi gia đình, mọi người, mọi tổ chức. Chuồng trại trâu, bò hoặc gia súc khác được xây dựng nơi quy định tập trung".

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm