| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch 'khu tập thể' cho gia súc

Thứ Ba 26/01/2021 , 16:28 (GMT+7)

Nhiều nơi ở Quảng Bình, gia súc được ưu tiên 'quy hoạch' nơi ở tập trung rất khang trang, sạch sẽ. Nhờ đó đã giảm được thiệt hại do mưa lũ, đói rét.

“Quy hoạch” nơi ở cho trâu bò

Huyện Minh Hóa (Quảng Bình) không chỉ nổi tiếng với việc áp dụng mô hình nhà nổi vượt lũ giành cho con người để "sống chung" an toàn qua mùa lũ, mà còn khá độc đáo với sáng kiến "quy hoạch" nơi ở cho gia súc vượt qua thiên tai.

Địa phương sáng tạo cho việc "quy hoạch" vùng nuôi nhốt trâu bò chính là xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa). Địa phương này cũng được mệnh danh là vùng “rốn lũ” của Quảng Bình. Gần như năm nào lũ cũng “viếng thăm” vùng này với  mực nước vượt quá mái nhà, ngập ngọn cây cau cao 4-5m.

Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cho hay: Qua các đợt lũ lớn năm 2020 cũng như đợt rét đậm, rét hại vừa qua, toàn xã chỉ có 45 con trâu, bò bị chết (chủ yếu là bê con, bò yếu do bệnh sau lũ chưa bình phục).

Khu nuôi nhốt trâu, bò tập trung được ưu tiên quỹ đất, 'quy hoạch' rất khang trang ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Ảnh: N.Phùng

Khu nuôi nhốt trâu, bò tập trung được ưu tiên quỹ đất, “quy hoạch” rất khang trang ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Ảnh: N.Phùng

Việc hạn chế được thiệt hại do lũ lụt và rét một phần nhờ chủ trương quy hoạch vùng chăn thả, vùng nuôi nhốt cho đàn gia súc của xã nên phát huy được hiệu quả.

Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã cho hay, những năm trước đây, bà con có thói quen chăn thả gia súc tự do. Sau này, khi lũ lụt hay mưa lạnh thì không biết trâu bò ở đâu mà lùa về. Vì vậy, đàn gia súc bị chết do lũ cuốn, do giá rét rất nhiều, thiệt hại lớn cho bà con, khiến việc phát triển đàn gia súc có phần chững lại.

Để tận dụng thế mạnh vùng núi, Tân Hóa chú trọng đến việc tăng đàn gia súc, nhất là trâu, bò. Vì vậy, xã đã lên kế hoạch “quy hoạch” vùng nuôi nhốt cho gia súc ở vùng thuận tiện, gần đồng cỏ tự nhiên và khi có lũ lụt có thể thuận tiện cho việc đưa đàn gia súc lên vùng núi cao.

Việc chọn vùng đất cho bà con làm chuồng trại nhanh chóng được triển khai ở các thôn trong xã. Bà con phấn khởi và đầu tư làm chuồng rất chắc chắn. Qua đó, việc kiểm soát trâu, bò được dễ dàng hơn. Bà con cũng yên tâm không sợ bị mất trộm hay bị thất lạc, bị trôi suối khi mưa lũ...

Chúng tôi về thôn 3 (xã Tân Hóa), nơi có  đàn trâu, bò nhiều của địa phương. Khu nuôi nhốt tập trung cách khá xa khu dân cư nhưng được bố trí ngay bên cạnh con đường bê tông rất khang trang sạch sẽ, rất thuận tiện cho việc kiểm tra, mang thức ăn đến cho trâu bò. Các khu chuồng được làm bằng gỗ, mái lợp ngói, lá hoặc vật liệu khác khá kiên cố. Có khu chuồng được làm rộng, đóng ván cả bốn bề nên kín gió khi mùa lạnh đến.

Các khu chuồng trại được làm chắc chắn, sạch sẽ, tránh được mưa, gió lạnh. Ảnh: N.Phùng

Các khu chuồng trại được làm chắc chắn, sạch sẽ, tránh được mưa, gió lạnh. Ảnh: N.Phùng

Ông Trương Minh Chí, trưởng thôn 3 cho hay: Sau khi xây dựng khu chuồng trại tập trung này, số lượng trâu, bò của thôn đã tăng lên đáng kể. Cả thôn hiện đã có trên 500 con. Trong đợt lũ lớn và đợt rét đậm, rét hại vừa qua, cũng chỉ thiệt hại khoảng 10 con (chủ yếu là bò bê, bò yếu do bệnh sau lũ chưa bình phục).

Dọc đường đi, nhiều gia đình lùa trâu, bò về để cho ăn thêm thức ăn có dinh dưỡng cao để phục hồi sức sau đợt rét hại. Ông Trương Thanh Đức có đàn bò 6 con đang cho ăn trong máng. Ông bảo mấy bữa nay, thức ăn khá khan hiếm nên ông phải chạy lên trên đèo Đá Đẽo chặt chuối rừng mang về. Chuối rừng băm ra, trộn với bột ngô, cám gạo cho chúng ăn thêm. Có vậy mới nhanh lại sức để qua nhanh mùa đông năm nay. 

Không chỉ ở Tân Hóa, phong trào “quy hoạch” khu nuôi nhốt tập trung gần đây đã được triển khai ở nhiều địa phương khác trong huyện Minh Hóa, rồi lan đến các địa phương khác như Hương Hóa, Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh)…

"Tăng cường thể lực" cho trâu bò

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, ngay sau khi đợt lũ lớn năm 2020 rút, Chi cục đã kiểm tra tại một số địa phương để chỉ đạo việc phát triển chăn nuôi.

Ngoài ra, Chi cục tăng cường cán bộ về cơ sở giúp các địa phương có nguy cơ vật nuôi chết do đói, rét cao để có phương án phòng chống. “Chúng tôi chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn nắm bắt tình hình chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời đã cử 8 cán bộ địa bàn phụ trách tại các huyện để trực tiếp hỗ trợ người dân công tác phòng chống đói, rét trên đàn vật nuôi”, ông Tám cho hay.

Đàn bò được cho ăn thêm thức ăn dinh dưỡng để có sức chống chọi với giá rét. Ảnh: N.Phùng

Đàn bò được cho ăn thêm thức ăn dinh dưỡng để có sức chống chọi với giá rét. Ảnh: N.Phùng

Huyện miền núi Minh Hóa được xem là địa bàn có số lượng đàn gia súc bị thiệt hại lớn của tỉnh trong đợ rét đậm, rét hại mới đây. Theo đó, Minh Hóa có gần 150 con trâu, bò bị chết. Các địa phương có số lượng gia súc chết nhiều như xã Tân Hóa (45 con), Thượng Hóa (40 con), Trung Hóa (35 con)...

Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa, hiện nay, qua công tác đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là bố trí quy hoạch, xây dựng các khu nuôi nhốt gia súc tập trung, các địa phương trong huyện đã ngày càng hạn chế được hình thức chăn thả rông khiến gia súc bị chết do đói rét.

Các xã có số lượng đàn gia súc lớn hiện nay đều đã được quy hoạch vùng nuôi nhốt. Vì vậy, khi có mưa lũ, rét đậm rét hại, bà con đã đưa trâu, bò về chuồng trại nuôi nhốt và che chắn, đốt lửa sởi ấm ban đêm nên đã hạn chế thiệt hại.

Hiện toàn huyện Minh Hóa có trên 33.000 con trâu, bò. Huyện cũng xác định đây là một mũi nhọn trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở vùng miền núi. Vì vậy, hạn chế được thiệt hại trong mưa lũ và giá rét là mục tiêu hàng đầu của ngành nông nghiệp huyện nhằm tránh thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Người dân kiếm thêm thức ăn, bổ sung tinh bột để tăng cường sức khỏe cho trâu sau đận rét đậm. Ảnh: N. Phùng

Người dân kiếm thêm thức ăn, bổ sung tinh bột để tăng cường sức khỏe cho trâu sau đận rét đậm. Ảnh: N. Phùng

Tại xã Tân Hóa, hiện có tổng đàn trâu bò trên 2.500 con. Theo bà con ở xã Tân Hóa, sau đợt mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2020, rơm rạ khô dự trữ cho trâu bò cũng bị trôi, hư hỏng khá lớn. Lũ lớn, phù sa dày nên cỏ tự nhiên mọc lại chậm.

Ông Cao Văn Tùng (xã Tân Hóa) có đàn gia súc hơn 10 con cho biết gia đình luôn duy trì diện tích trồng cỏ cho trâu bò ăn, nhưng đợt lũ cuối năm 2020 đã làm chết hết cỏ. Sau lũ, gia đình ông tiến hành trồng lại cỏ thì gặp rét đậm, rét hại nên cỏ không phát triển được.

Mấy ngày rét, ông phải vào rừng chặt chuối để có thêm thức ăn cho trâu bò. Ngoài ra, ông còn phải cho trâu bò ăn thêm bột sắn, ngô, cám, thêm chút muối nữa để trâu, bò có sức chống chọi giá lạnh.

Bà con đốt lữa để sưởi ấm cho trâu, bò trong những ngày giá rét. Ảnh: N. Phùng

Bà con đốt lữa để sưởi ấm cho trâu, bò trong những ngày giá rét. Ảnh: N. Phùng

Ghi nhận tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), thời gian này, cán bộ thú y đã thường xuyên đến từng thôn, bản để kiểm tra và hướng dẫn bà con phòng, chống rét cho trâu bò.

Ông Hồ Văn Xa (bản Khe Ngang), một hộ nuôi bò tại xã Trường Sơn đã dùng các loại chăn, chiếu đã cũ che chắn xung quanh chuồng bò. Cuối buổi chiều, ông nhen bếp củi trước cửa chuồng để đàn bò được ấm. “Trong bản, nhà nào cũng được chỉ dẫn làm như vậy. Mấy ngày rét lắm, nhưng đàn trâu bò của bản không có con nào bị chết", ông Xa cho biết. 

    Tags:
Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm