"Trạm Quy Nhơn (trạm khí tượng thủy văn - PV) mấy ngày gần đây nhiệt độ chưa ngày nào vượt quá 32 độ, trong khi ở khu vực xung quanh cao hơn 7-8 độ. Cần phân tích sâu hơn, ngoài do tác động của hướng gió thì mật độ cây xanh, quy hoạch đô thị hợp lý, trả lại mặt thoáng hứng gió biển chắc chắn cũng góp một phần. Khoa học khí hậu đô thị rất quan trọng và cần được quan tâm!”, Giáo sư Trần Hồng Thái chia sẻ trên trang cá nhân.
Đó là thời điểm, nền nhiệt ở nhiều tỉnh thành ở ngưỡng trên 40 độ C, chênh lệch nhau tới gần 10 độ!
Khái niệm “khoa học khí hậu đô thị” mà GS. Trần Hồng Thái đề cập đến, là một nhánh của bộ môn khí hậu học liên quan đến sự tương tác giữa các khu vực đô thị với bầu khí quyển, các tác động của chúng đối với nhau và các quy mô không gian, thời gian khác nhau mà các quá trình này tạo ra những phản ứng môi trường.
Luke Howard (nhà hóa học và khí tượng học người Anh) được coi là người đã thiết lập bộ môn khí hậu đô thị học với công trình mang tên Climate of London. Ông đã quan sát hàng ngày hướng gió, áp suất khí quyển, nhiệt độ tối đa và lượng mưa… liên tục trong 40 năm (từ 1801 đến 1841) để tìm mối liên hệ giữa công nghiệp hóa - đô thị hóa đối với khí hậu đô thị, từ đó hình thành mối liên hệ giữa việc xây dựng thành phố với những thay đổi môi trường vật lý; thay đổi chế độ năng lượng, độ ẩm và chuyển động gần bề mặt...
Hầu hết những thay đổi này có thể bắt nguồn từ các yếu tố, nguyên nhân như ô nhiễm không khí, nguồn nhiệt của con người, chống thấm bề mặt, tính chất nhiệt của vật liệu bề mặt; các hình thái của bề mặt và hình học ba chiều cụ thể của nó, khoảng cách xây dựng, chiều cao, định hướng, lớp thực vật, và kích thước tổng thể và địa lý... của các yếu tố này.
Từ những điều trên có thể thấy, quá trình lập quy hoạch đô thị; phê duyệt các dự án khu đô thị… có tác động tới môi trường tự nhiên, làm biến đổi cục bộ tự nhiên tại khu vực đó. Do đó, việc lập dự án, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất… không thuần túy chỉ là công tác chuyên môn của nhà quản lý, mà hơn bao giờ hết cần phải tính toán đến tác động của nó tới môi trường, khí hậu về mặt lâu dài.
Chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt về nhiệt độ, chất lượng không khí… tại các khu vực có mật độ xây dựng thấp bao giờ cũng thấp hơn, trong lành hơn so với các khu vực có mật độ xây dựng cap hơn, tỷ lệ bê-tông hóa với những khối nhà cao tầng xếp cạnh nhau, nhìn từ xa lừng lững như những khối rubic xếp tầng.
Vài năm trước, khi hàng loạt các vụ sạt lở đất ở Quảng Nam (Rào Trăng, Trà Leng - Bắc Trà My…) và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra, cứ sau những trận mưa lớn là lũ ống, sau lũ ống là lũ quét; nối tiếp là sạt lở đất… gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tôi đã được GS. Trần Hồng Thái (khi đó ông là Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn) giải đáp nguyên nhân.
Theo đó, nguyên nhân trực tiếp đó là lượng mưa trong các trận lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực thường ở mức cao hơn; ngoài ra nó được cộng sinh bởi những nhân tố khác như địa chất, địa hình… Ngoài ra, một nguyên nhân khác của sạt lở, lũ quét… đó là tác động từ các hoạt động như xẻ núi làm đường giao thông, xây dựng các khu dân cư, khu đô thị… làm biến đổi sự ổn định của cấu tạo địa chất.
Bộ TN-MT hiện đang giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện Đề án Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện mới chủ yếu dựa vào việc kết hợp, lồng ghép các bản đồ địa hình, độ dốc, thảm phủ trên bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với dự báo mưa từ các mô hình số, ước lượng mưa từ ảnh vệ tinh, rada, đo mưa tự động. Khi xuất hiện các hình thế thời tiết có thể gây mưa lớn, điều kiện số liệu và công nghệ hiện nay cho phép dự báo sớm được mưa lớn diện rộng ở vùng núi trước 1 - 2 ngày.
Nhưng thực tế, lũ quét, sạt lở đất thường chỉ xuất hiện ở một vài điểm; thời gian xuất hiện không đồng thời và việc cảnh báo chi tiết chỉ có thể thực hiện trước được khoảng 3 - 6 giờ với độ chắc chắn không cao. Do đó, giải pháp di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng sạt lở thường thực hiện khi sạt lở, lũ quét đã xảy ra.
GS. Trần Hồng Thái đề xuất cần có phương án “đặt hàng” với các nhà địa chất để những thông tin cảnh bão lũ quét, nguy cơ sạt lở… trở thành căn cứ để các địa phương xem xét khi phê duyệt quy hoạch của địa phương mình.
Những ngày qua, nắng nóng trên khắp cả nước thực sự khiếp đảm. Nền nhiệt trung bình trên 40 độ C, và các đợt siêu nắng nóng tiếp tục kéo dài, chưa có dấu hiệu dừng lại. Song hành với nền nhiệt cao là những hệ lụy: cháy rừng xảy ra ở nhiều tỉnh thành; nhiều người tử vong vì cháy rừng; cây cối, hoa màu ở Tây Nguyên chết vì khô hạn; thiếu nước ngọt ở vùng ĐBSCL…
Đó không phải là những diễn biến đơn thuần của khí hậu, thời tiết…, thứ mà con người không kiểm soát được. Cần phải hiểu, đó là phản ứng trở lại của của tự nhiên, là những vết thương do con người gây ra cho môi trường sống trong quá trình phát triển của con người.
Khi đặt bút ký phê duyệt một bản quy hoạch, những nhà quản lý có lẽ cần lường trước, thứ mà sẽ được xây dựng rất có thể sẽ trở thành một “bức tường” chắn gió, chắn nước…, từ đó gây tác động tiêu cực cục bộ về tự nhiên.
Thời tiết rất khó thay đổi. Nó bị biến đổi khi chịu sự tác động được tích tụ trong cả một quá trình. Câu nói: “Thay đổi như thời tiết” có lẽ dành để nói về tư duy, hành động của con người mà thôi!
Và, khi con người không đối xử tốt với thiên nhiên thì khó lòng đối xử tốt với nhau!