| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch vùng nguyên liệu hỗ trợ chế biến sâu

Thứ Hai 14/11/2022 , 11:07 (GMT+7)

Những năm trở lại đây, nông nghiệp Tuyên Quang ngày càng có chỗ đứng và thương hiệu trên thị trường. Một trong những dấu ấn quan trọng tạo nên đó là cơ chế thông thoáng.

DSC_7064

Nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn đã chọn Tuyên Quang là điểm đến để đầu tư phát triển. Ảnh: Đào Thanh.

Sức bật cho nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã có tạo một số cơ chế thuận lợi để thu hút một số các doanh nghiệp đầu tư vào trong lĩnh vực sản xuất và chế biến trong nông nghiệp.

Tỉnh đã tạo điều kiện rất tốt, đặc biệt là chính sách quy hoạch các khu vực làm vùng nguyên liệu cho các nhà máy, để các nhà máy, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Hai nữa là hỗ trợ cùng với doanh nghiệp đồng hành về cái xây dựng cấp chứng chỉ FSC cho gỗ rừng trồng để đảm bảo các điều kiện cho các nhà máy chế biến gỗ để xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Về chăn nuôi đã thu hút được những nhà đầu tư lớn như tập đoàn Dabaco rồi một số doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa như Hồ Toản, Vinamilk, ở đây thì tỉnh tạo điều tốt về đất đai để xây dựng các trang trại cũng như là nguồn nguyên liệu.

Còn đối với các HTX, hộ cá thể đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu cho tỉnh rất nhiều cơ chế, chính sách. Đặc biệt gần đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 về khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 11 về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh cho biết, trong quá trình HTX xây dựng và phát triển luôn được các cơ quan chính quyền nhà nước và các sở ngành liên quan tạo điều kiện cho đơn vị có những thuận lợi để phát triển. Đặc biệt trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, các sở ngành thường xuyên tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội tiếp cận các thị trường hội chợ, các thị trường trong nước ở các tỉnh và một số khách quốc tế để chúng tôi có cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng.

Nhờ những chuyển biến về các hoạt động xúc tiến đầu tư, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư chọn Tuyên Quang làm điểm đến đầu tư sản xuất. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 9 nhà máy sản xuất chế biến gỗ rừng trồng. Nổi bật như Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, công suất 1,3 triệu m3 gỗ/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang công suất 680.000m3 gỗ/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang công suất 25.000m3 gỗ/năm... Ngoài ra, còn 300 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng quy mô vừa và nhỏ…

Những sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được đón nhận tại nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp của tỉnh.

Tạo nên những giá trị lớn

rùng (1)

Kinh tế rừng đang là lợi thế lớn của nông nghiệp Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Tuyên Quang đạt trên 9.700 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2020, đứng thứ 4/11 tỉnh miền núi phía Bắc. 10 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 22,9 triệu USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2021.

Phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, tỉnh Tỉnh thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ thông qua các hội chợ nông nghiệp và thương mại. Các sản phẩm của Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa Tuyên Quang, Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Ha Hang... đã xuất khẩu sang những thị trường lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan...

Việc liên kết giữa các công ty lâm nghiệp, 9 nhà máy chế biến gỗ và các HTX, nhóm hộ đã xây dựng được liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho người trồng rừng. Điển hình có Công ty Cổ phần giấy An Hoà có chính sách liên kết với hộ trồng rừng phát triển vùng nguyên liệu giấy; Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cấp chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững (FSC) 18.017ha rừng cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, để tạo nên những khu rừng có chất lượng cao, năng suất vượt trội, từng bước tạo được vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung có chất lượng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ- HĐND ngày 25/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018 - 2021. Kết quả sau 4 năm thực hiện chính sách, có 3.160 hộ gia đình được nhận hỗ trợ 7.077.955 cây giống, tương đương diện tích 4.560,78 ha.

Tập đoàn An Việt Phát đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ nhất Đông Nam Á về sản xuất gỗ viên nén đã xin chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng tại Khu công nghiệp Long Bình An của tỉnh Tuyên Quang; khảo sát địa điểm xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô từ 500 - 600ha.

z3864284502008_7e4794e56aa09f8bfc75f90d0ae16f37

Trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Tuyên Quang tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Trần Hoàng Ân, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn An Việt Phát cho biết, tập đoàn quyết định đầu tư tại tỉnh Tuyên Quang vì tỉnh có diện tích rừng trồng lớn, môi trường đầu tư thông thoáng. Ông bảo, hiếm có tỉnh nào lãnh đạo tỉnh gần gũi, quan tâm, giúp đỡ doanh nghiệp như Tuyên Quang. Hiện tập đoàn đang tập trung khảo sát Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 600ha với 3 phân khu gồm sản xuất phôi, cây giống, rừng trồng thử nghiệm; Trung tâm giới thiệu sản phẩm (lớn nhất miền Bắc); trường đào tạo nghề.

Tập đoàn cũng đã và đang chuẩn bị các phương án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ rừng trồng với quy mô 14ha, dự kiến đầu tư 1.300 tỷ đồng; chuẩn bị nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy An Việt Phát đang liên kết với người dân trong tỉnh Tuyên Quang cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC dự kiến đạt 90.000ha vào năm 2025.

Thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang tập trung vào thực hiện các dự án vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên các dự án chăn nuôi phát triển theo chuỗi giá trị, dự án ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống xử lý chất thải, nước thải khép kín, thân thiện với môi trường; tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản…

Tỉnh cũng đã và đang tập trung rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính gắn với tăng cường công khai, minh bạch, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm cải thiện và nâng thứ hạng về Chỉ số PCI của tỉnh.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.