Hiện nay, nguồn lợi thủy sản biển có xu hướng ngày càng suy giảm, vì vậy, cần thiết phải đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản để bù đắp sản lượng khai thác bị giảm xuống, phát triển nuôi trồng thủy sản song song với bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, trong đó nuôi biển ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung.
Để làm được điều đó, cần có sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp tâm huyết và có nguồn lực dồi dào. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực trạng doanh nghiệp đầu tư gặp khó trong quá trình cấp phép, phê duyệt hồ sơ.
Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết, hiện công ty đang gặp khó khăn trong việc cấp phép quyền sử dụng mặt nước để hoạt động, do địa điểm đơn vị đầu tư là vùng ngoài 6 hải lý, tại vùng biển đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn). Đây là khu vực mà Bộ NN-PTNT mới có thẩm quyền cấp phép.
“Đối với doanh nghiệp chúng tôi thì phải được cấp phép rõ ràng mới dám đầu tư. Hiện chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến nuôi biển tại khu vực đó và sẵn sàng đầu tư. Chúng tôi mong muốn thủ tục nhanh chóng hoàn thiện để có thể đi vào hoạt động xây dựng, sản xuất”, ông Dũng chia sẻ.
Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát là một trong những đơn vị đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nuôi biển. Hiện đơn vị này đang triển khai các hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản từ vật liệu xanh bền vững là HDPE và composite tại các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Ninh Thuận và đặc biệt là ở Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát chia sẻ về những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Cụ thể, doanh nghiệp đã đi cùng với các Sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh nhiều lần để khảo sát khu vực đầu tư nhưng đến nay hồ sơ đã bị trả về và có thông báo hồ sơ chưa phù hợp.
“Quảng Ninh là tỉnh tiên phong cho việc xúc tiến đầu tư vào phát triển nuôi biển nên cần nhanh chóng tìm ra công thức, giải pháp tháo gỡ khó khăn, sát cánh cùng doanh nghiệp”, bà Bình nhấn mạnh.
Ngoài Quảng Ninh, các địa phương sát biển trên cả nước cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nuôi biển công nghiệp hiện nay. Đơn cử như Phú Yên là tỉnh nằm trong vùng có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới khá cao, do đó việc phát triển nuôi biển xa bờ đòi hỏi phải đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, lồng bè, công trình nuôi có khả năng chịu đựng sóng gió lớn.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh vẫn đang thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức phát triển nuôi biển xa bờ, chính sách chuyển đổi vùng nuôi từ đầm vịnh kín ra các vùng biển hở.
Để gỡ nút thắt này cần sự bàn bạc, trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng, làm sao níu chân được doanh nghiệp chứ không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp chán nản mà từ bỏ, không đầu tư vào ngành, nghề đang có tiềm năng to lớn để phát triển như nghề nuôi biển.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mới khỏe. Doanh nghiệp mà có vốn, có điều kiện kinh tế nhưng lại vướng thủ tục hành chính hay các yếu tố đầu tư là dễ từ bỏ, trôi trượt đi. Chính vì vậy, phải tạo môi trường thuận lợi, phải đi song hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp, chứ không phải ngồi đấy mà xoay doanh nghiệp, vặn doanh nghiệp như đối tượng là không được, doanh nghiệp phải là đối tác trên tất cả các lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực thủy sản. Doanh nghiệp có khó khăn gì thì cần bàn bạc, trao đổi, tháo gỡ, xúc tiến đầu tư".
Ngay từ khi thành lập năm 2016, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã đề nghị Bộ NN-PTNT xây dựng trình Chính phủ một Nghị định mới thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển. Cụ thể, mức hỗ trợ 1 triệu đồng cho 1m3 lồng bè nuôi cá biển ở vùng biển ngoài 6 hải lý, ven đảo theo quy định; 0,5 triệu đồng cho 1m3 lồng bè nuôi cá biển ở vùng biển từ 3 đến 6 hải lý theo quy định. Hỗ trợ không quá 30% giá trị cơ sở nuôi nhuyễn thể, rong biển, tôm hùm, nhưng không quá 1 tỷ đồng/cơ sở.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ chức, các nhân đầu tư mới cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển, có công suất sản xuất tối thiểu 5 triệu giống/năm với định mức không quá 30% giá trị cơ sở hoặc không quá 10 tỷ đồng/cơ sở và hỗ trợ doanh nghiệp mua bảo hiểm.
Việc Chính phủ sớm ban hành Nghị định này trong năm nay sẽ tạo cú hích thúc đẩy lĩnh vực nuôi biển phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá cho ngành thủy sản Việt Nam.