| Hotline: 0983.970.780

Quy trình sản xuất tuần hoàn tại HTX chăn nuôi bò 3B

Thứ Ba 26/11/2024 , 09:33 (GMT+7)

Thái Nguyên HTX chăn nuôi bò Nga My dùng phân từ trại bò để nuôi giun quế. Giun quế thu được làm thức ăn gia cầm, còn phân trùn quế bón cho ngô, cỏ để chăn bò.

Nông dân, các bộ khuyến nông từ các huyện, thành phố tại tỉnh Thái Nguyên tới học hỏi quy trình sản xuất tuần hoàn. Ảnh: Quang Linh.

Nông dân, các bộ khuyến nông từ các huyện, thành phố tại tỉnh Thái Nguyên tới học hỏi quy trình sản xuất tuần hoàn. Ảnh: Quang Linh.

Sản xuất tuần hoàn là hướng đi đột phá

Tháng 8/2022, với hoài bão “thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ”, anh Dương Văn Hồng đã kêu gọi bà con xã Nga My (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) chung sức, thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My, tham gia vào các ngành nghề gồm: chăn nuôi trâu, bò và sản xuất giống trâu, bò; lợn, gà, trùn quế… trong đó, bò 3B thịt là đối tượng nuôi chính.

Anh Dương Văn Hồng (Giám đốc HTX) xác định, tập hợp sức lực, tăng số lượng là không đủ, phải tạo ra sự khác biệt. Để làm được điều này, anh Hồng cùng các thành viên trong HTX đã tham khảo ý kiến chuyên gia và lựa chọn con đường nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu là hướng đi chủ đạo.

Năm 2023, được sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, HTX đã thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình được thực hiện từ khâu chăn nuôi bò thịt, phân bò nuôi trùn quế; sản phẩm trùn quế được dùng để chế biến thức ăn cho trâu, bò, gà; phân trùn quế dùng để trồng cỏ, ngô, rau, màu, cây ăn quả… Số lượng phân còn dư thừa được bán cho các hộ trồng trọt, doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.

Áp dụng quy trình vỗ béo bò thịt do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, bò tăng khối lượng cơ thể 1.383,3g/ngày. Sau khi vỗ béo từ 12-15 tháng bò sẽ đạt tiêu chuẩn từ 600-650kg để xuất bán, sau khi trừ đi các chi phí sẽ thu về lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng mỗi con. Hiện nay, quy mô chăn nuôi của HTX là 200 con bò 3B mỗi lứa. Ngoài ra, HTX còn có 3ha trồng ngô, 6ha trồng cỏ và chuồng nuôi giun quế rộng 1.700m2.

Giun quế từ quy trình sản xuất tuần hoàn của HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My. Ảnh: Quang Linh.

Giun quế từ quy trình sản xuất tuần hoàn của HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My. Ảnh: Quang Linh.

Theo anh Dương Văn Hồng, lãng phí chất thải chăn nuôi là lãng phí tiền. Cứ mỗi chuồng nuôi trùn quế rộng 250m2 có thể thu về từ 10 - 15 tấn phân trùn một tháng, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng.

“Cách làm này giúp tôi vừa tận dụng tối đa phế thải nông nghiệp vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. Qua đó, gìn giữ quê môi trường sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương”, anh Hồng chia sẻ.

Đánh giá cao hiệu quả quy trình nông nghiệp của HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đề nghị HTX tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bò 3B béo, khỏe nhờ thức ăn giàu dinh dưỡng và phòng bệnh tốt. Ảnh: Quang Linh.

Bò 3B béo, khỏe nhờ thức ăn giàu dinh dưỡng và phòng bệnh tốt. Ảnh: Quang Linh.

“Ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, an toàn, theo hướng hữu cơ… quản lý và tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, hạn chế tối đa lượng phế thải, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Qua đó, giảm tác động tiêu cực tới môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người”, ông Thông nhấn mạnh.

Anh Dương Văn Hồng giới thiệu tới khách hàng sản phẩm từ quy trình sản xuất tuần hoàn. Ảnh: Quang Linh.

Anh Dương Văn Hồng giới thiệu tới khách hàng sản phẩm từ quy trình sản xuất tuần hoàn. Ảnh: Quang Linh.

Kiến nghị hỗ trợ xây dựng lò mổ

Nhận thấy, giá bán các sản phẩm thô không cao, bấp bênh, chịu tác động lớn từ thị trường, HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm chế biến gồm thịt bò sấy khô, xúc xích bò, xúc xích lợn, giò bò, giò lợn, dăm bông bò, dăm bông lợn, mộc viên bò, mộc viên lợn, chả nướng.

Đáng chú ý, sản phẩm của HTX đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; có đầy đủ tem nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Nhờ đó, năm 2024, HTX có 3 sản phẩm gồm dăm bông bò, dăm bông lợn và khô bò được UBND huyện Phú Bình công nhận OCOP 3 sao.

Không chỉ đầu tư nhà xưởng, dây chuyền chế biến hiện đại, HTX cũng rất chú trọng tới khâu phân phối và quảng bá sản phẩm. Các sản phẩm được nghiên cứu đáp ứng thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng. Ngoài các sản phẩm như xúc xích, dăm bông, viên mộc… HTX còn nghiên cứu và cho ra dòng sản phẩm khô bò 3B nhằm hướng đến khách hàng là giới trẻ và có thể bán qua các sàn thương mại điện tử

“Nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, rất mong các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ để HTX xây dựng lò mổ đạt tiêu chuẩn. Từ đó, chủ động toàn bộ khâu sản xuất khép kín, cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao”, anh Hồng kiến nghị.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.