| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/12/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 21/12/2015

Quyền của người tiêu dùng

Cùng với phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ thảm án giết 6 người tại Bình Phước, một vụ án khác, có tên được gọi nôm na là “vụ án con ruồi” cũng được TAND tỉnh Tiền Giang đưa ra xét xử vào ngày 17/12/2015.../ Xét xử vụ 'con ruồi' giá 500 triệu đồng

Bị cáo trong “vụ án con ruồi” là anh Võ Văn Minh, 30 tuổi, ngụ tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, bị VKSND tỉnh này truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản”. 

Nội dung vụ án như sau: Khi phát hiện chai nước Number One 350 ml do công ty Tân Hiệp Phát sản xuất có một con ruồi bên trong, Võ Văn Minh đã điện cho công ty này, yêu cầu phải chi cho Minh 1 tỷ đồng để đổi lấy sự im lặng.

Qua nhiều lần thương lượng, phía Tân Hiệp Phát đồng ý chi cho ông Minh 500 triệu đồng, nhưng lại báo công an. Và cơ quan công an đã bắt quả tang khi anh Minh nhận tiền của Tân Hiệp Phát.

Kết quả phiên tòa: Võ Văn Minh nhận 7 năm tù. Điều đáng chú ý là, Võ Văn Minh không phải là người đầu tiên bị Tân Hiệp Phát cho vào tù vì lý do tương tự.

Dư luận đã nóng lên ngay sau khi anh Minh bị bắt cho đến tận hôm nay, sau khi phiên tòa đã kết thúc. Rất nhiều luật sư đã cho rằng công ty Tân Hiệp Phát đã cố tình “gài bẫy” ông Minh, việc làm đó là không đẹp, không trong sáng, không sòng phẳng, là thiếu đạo đức, thiếu văn hóa kinh doanh, và cơ quan điều tra tỉnh Tiền Giang đã hình sự hóa một thỏa thuận dân sự, Võ Văn Minh không có tội. Nhưng kết tội ông Minh 7 năm tù là quyền của HĐXX.

Còn người tiêu dùng thì lại có cái quyền khác. Vụ “gài bẫy” trên đã khiến họ bất bình, và quay lưng với những sản phẩm của công ty này. Theo báo cáo của Tân Hiệp Phát, thì vụ việc trên đã khiến công ty sụt giảm doanh số đến 2.000 tỷ đồng vì bị người tiêu dùng quay lưng.

1 ngày sau phiên tòa, trả lời một tờ báo mạng, Tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát đã nói rằng nếu không được báo chí và truyền thông ủng hộ, thì Tân Hiệp Phát chỉ còn cầm cự được vài năm nữa.

Lời “trần tình” của ông Tổng giám đốc thật lạ lùng. Ủng hộ làm sao được, khi trách nhiệm và sứ mệnh của báo chí, truyền thông là phản ánh trung thực, khách quan mọi sự việc trong xã hội. Trước diễn biến của “vụ án con ruồi”, báo chí và truyền thông đã phản ánh một cách trung thực, khách quan, và đã đăng tải những ý kiến nhiều chiều của các chuyên gia và người tiêu dùng, cũng như ý kiến của Tân Hiệp Phát, không thiên vị một ai, cũng không thể định hướng cho người tiêu dùng. Dùng hàng của ai, không dùng hàng của ai, hoàn toàn là quyền của họ.

Sự thiệt hại về doanh số nói trên của Tân Hiệp Phát cho thấy điều gì? Thứ nhất, là đối với một doanh nghiệp, thì đạo đức và văn hóa kinh doanh là điều phải được đặt lên hàng đầu. Dù tại tòa, đại diện của Tân Hiệp Phát có chối bay rằng chỉ cho người mang 500 triệu đến giao cho anh Minh mà không biết người báo công an là ai, thì dư luận vẫn nhận ra “cái bẫy” của công ty này. Chính Tân Hiệp Phát đã cho người báo với công an chứ không phải ai khác.

Và thứ hai, là người tiêu dùng bây giờ không còn như trước nữa. Người tiêu dùng bây giờ đã có sự liên kết rất cao nhờ mạng xã hội. Trước một sự việc khiến người tiêu dùng bất bình, chỉ cần một người lên tiếng là sẽ có hàng triệu người hưởng ứng.