| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 29/10/2022 , 08:01 (GMT+7)
Andrea Hoa Pham

Andrea Hoa Pham

08:01 - 29/10/2022

Quyền hạn và trách nhiệm của một hiệu trưởng ở Hoa Kỳ

Hãy thử google search về quyền hạn một hiệu trưởng ở Hoa Kỳ, bạn sẽ rất kinh ngạc vì không thể tìm được nội dung của chữ 'quyền hạn' như được hiểu ở Việt Nam.

Thay vào đó, những thứ thuộc về “trách nhiệm” và “vai trò” của hiệu trưởng thì hiện lên vô số kể. “Hiệu trưởng” là một vị trí mà ở đấy một người có thể thi thố tài nghệ lãnh đạo của mình. Đó không hề là chỗ để bòn rút cho riêng mình hoặc để thị uy.

Tài nghệ lãnh đạo không bao gồm việc hét ra lửa để mọi người dưới quyền phải bợ đỡ, hoặc tự do quyết định các khoản tiền thu chi của nhà trường, hoặc trù dập giáo viên, hoặc tự do bổ nhiệm giáo viên hay cá nhân nào đó vào các chức vụ làm việc ở các bộ phận khác nhau của nhà trường mà không qua phỏng vấn hoặc bàn bạc với hội đồng nhà trường.

Tài nghệ lãnh đạo (leadership) của một hiệu trưởng thể hiện cao nhất ở chỗ học sinh đã đạt được những gì trong học hành. Việc này chỉ đứng sau phương pháp giảng dạy trong lớp học khi nói về “đầu ra” của một học sinh.

Sự đóng góp to lớn của hiệu trưởng là ở khả năng lãnh đạo có tính dẫn dắt, mà theo luật lệ quy định là gồm việc giữ vững các mục tiêu của nhà trường, chia sẻ sự lãnh đạo với cộng sự, dùng dữ liệu có được để quyết định về việc dạy dỗ và theo dõi chương trình giảng dạy cũng như thực tế giảng dạy của giáo viên.

Hiệu trưởng các trường ở một vài quận hạt còn được khuyến khích đi dự giờ ở trường bạn và chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy và học tập có hiệu quả.

Hiệu trưởng, vì thế, được gọi là những chủ nhân ông của “lãnh địa”, nhưng là lãnh địa của những thay đổi có tính cấp thiết. Ở các trường tiểu học, trung học công cộng của quận Columbia (D.C.) các hiệu trưởng dễ mất thời gian cuốn vào các hoạt động trong ngày như các sinh hoạt thể thao, việc thực thi luật lệ, việc sửa chữa và bảo trì cơ sở nhà trường và những việc khác đòi hỏi hiệu trưởng phải có ý kiến và quyết định kịp thời.

Hiệu trưởng cũng được bồi bổ nghiệp vụ thường xuyên để cung cấp những nhận xét giúp giáo viên giảng dạy hoặc lãnh đạo lớp tốt hơn, thậm chí những chiến lược như làm sao giúp học sinh nâng cao kỹ năng đọc.

Hiệu trưởng thường cũng đồng thời là giáo viên hoặc từng là giáo viên nhiều năm. Việc chia sẻ sự lãnh đạo (hiểu theo nghĩa nhiệm vụ và vai trò như trên) với thầy cô giáo và các nhân viên khác trong trường rất quan trọng.

Nó giúp hiệu trưởng vừa điều hành được công việc, vừa có thể dành thì giờ cho việc đứng lớp (nhờ kinh nghiệm này mới hiểu sát sườn những vấn đề của giáo viên và học sinh), và vừa có thời gian dành cho gia đình của họ.

Họ luôn luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa việc điều hành với tư cách là một hiệu trưởng, và việc lãnh đạo có tính chất hướng dẫn (instructional leadership). Nói cách khác, cùng một lúc họ vừa là người lãnh đạo, vừa là đồng nghiệp.

Về việc chia sẻ vai trò lãnh đạo, một hiệu trưởng khác ở bang Georgia tổ chức giáo viên thành 4 nhóm, phụ trách các việc khác nhau. Ví dụ như nhóm phụ trách chương trình học (curriculum) có nhiệm vụ đề xướng và hoàn thiện chương trình để thích ứng với các thay đổi nhanh chóng hoặc để sửa chữa chỗ nào đó trong chương trình cho phù hợp tình thế mới.

Nhóm phụ trách về logistics và hoạt động của trường thì lo về quản lý an ninh và các quy trình hoạt động khác. Nhóm phụ trách về thành tựu của học sinh thì theo dõi các kế hoạch cải tiến chương trình, giúp đỡ giáo viên trong các sinh hoạt chuyên đề và theo dõi tiến bộ của học sinh.

Nhóm cuối cùng tổ chức các buổi đánh giá nội bộ, góp ý cho nhau về nghề nghiệp và bảo đảm việc giữ gìn đạo đức làm việc trong các nhóm. Họ có thể dự giờ của nhau, cùng dạy chung một môn, và cùng xây dựng các tiết học kiểu mẫu.

Ở góc độ này, thậm chí một cựu hiệu trưởng của một trường tiểu học ở Illinois cho biết trên tờ Education Week rằng ông tình cờ đọc trên Twitter một bài báo tiêu đề “Liệu hiệu trưởng có cần thiết không?”.

Lúc đầu ông nghĩ chắc do một giáo viên bất mãn nào đó không thích những người lãnh đạo trường. Nhưng ở cương vị hiệu trưởng lâu năm, ông cho rằng hiệu trưởng cũng như các lãnh đạo nhà trường, là đại diện của “authority” (quyền hạn + trách nhiệm) và của “kỷ luật”.

Các hiệu trưởng phải cất tiếng nói thay cho học sinh, xứng là người lãnh đạo, chỉ ra hướng đi cho trường, nhưng cùng lúc cũng tham gia, lắng nghe, và hợp tác.

Hiệu trưởng phải có khả năng nói chuyện kiên quyết với phụ huynh, thầy cô hoặc học sinh về những vấn đề không dễ chịu.

Vậy ai thực sự có “quyền”? Đó chính là các giáo viên đứng lớp. Quyền hạn ở đây được gọi là “authority”, không phải “power”. Cũng như để cho một bộ máy chạy trơn tru thì phải có người đứng ra chịu trách nhiệm điều hành, đó là authority. Nhưng thầy cô cũng phải điều hành lớp học theo các quy định của nhà trường và pháp luật.

Ở Hoa Kỳ, quyền được giáo dục của con người cho phép học sinh từ lớp một đến lớp 12 học miễn phí, không phải đóng một đồng nào cho giáo dục cơ bản. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ quy định bậc tiểu học và trung học được cung cấp các quỹ hoạt động (bằng tiền thuế của dân), đặc biệt là những nơi có tỉ lệ cao học sinh thuộc các gia đình nghèo.

Có một số nơi thu một vài khoản phí. Ví dụ như các trường học ở tiểu bang Louisiana. Phí này trả cho các vật dụng để học, sách làm bài tập, mực máy in, các học cụ dùng cho lớp nghệ thuật, hoặc bảng tên. Thường là hiệu trưởng quyết định phí này. Năm 2017 mỗi học sinh của các trường ở Lafayette Parish đóng từ 20 đến 25 Mỹ kim một năm, trường trung học đóng khoảng từ 40 đến 60 Mỹ kim.

Ngoài ra còn khoảng 20 Mỹ kim trả cho đồng phục, phí sinh hoạt thể thao, hoặc các lớp học kỹ năng đặc biệt tự chọn như lớp nhạc, nhảy hoặc sân khấu. Những lớp này thu khoảng 40 đến 75 Mỹ kim để mua học cụ, nhạc cụ, hóa trang và những thứ khác liên quan.

Những phí thu này phục vụ trực tiếp học sinh của các lớp ấy. Không học thì không phải đóng. Giáo viên lớp văn chương có thể thu phí để mua truyện cho học sinh chỉ với điều kiện học sinh sẽ được giữ các cuốn truyện ấy khi học xong.

Những khoản phí này, do đó, không được dùng để mua các thứ dùng lâu dài, như máy tính hay điện thoại. Học sinh nhà nghèo không đóng được tiền không bị phạt và vẫn được tham gia những lớp hay các hoạt động ấy. Đôi khi nhà trường đóng giúp tiền cho một số học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Ở tiểu bang California, hiến pháp quy định không được yêu cầu các học sinh và phụ huynh phải đóng phí để tham gia các sinh hoạt học đường. Họ cũng không phải đóng phí để mua vật liệu và học cụ cần thiết. Tuy nhiên có 20 điều khoản nhà trường có thể thu phí của học sinh, trong đó bao gồm các điều khoản như:

1. Thức ăn phục vụ học sinh ngoài khoản thức ăn cung cấp miễn phí hoặc giá rẻ.

2. Sách vở cho học sinh mượn nhưng không trả lại hoặc cố ý làm hư hỏng.

3. Các chuyến điền dã, nhưng không học sinh nào bị loại ra dù không đóng phí.

4. Bảo hiểm y tế hoặc bệnh viện khi đi điền dã, du lịch.

5. Quần áo thể dục thể thao mua màu sắc và kiểu cọ theo ý thích cá nhân nhưng không nhất thiết phải mua ở trường. Nếu học sinh không mặc đồng phục theo quy định do các điều kiện ngoài tầm kiểm soát của học sinh, không được hạ điểm thể dục của học sinh.

Tóm lại, nhà trường không được tự ý thu thêm phí của học sinh cho bất kỳ điều khoản nào họ tự đặt ra. Tất cả các khoản thu chi này đều được ghi chép minh bạch và sổ sách phải sẵn sàng để bất kỳ khi cần thì người ta tìm ngay được số liệu.

Những gì dính đến một chút tiền nong hay quyền lợi, người ta vô cùng cẩn thận vì đó là con đường dễ dàng dẫn đến mất việc, hoặc bị kỷ luật, bị mang vết nhơ trong lý lịch nhiều năm. Trong quan hệ thầy trò, người ta càng tránh xa tất cả những gì ở “phía sau hậu trường”, những gì có thể gây nghi ngờ, những gì có thể ảnh hưởng đến công tâm của người thầy. Họ gọi chung những thứ này là “conflict of interest”. Điều này được áp dụng ở mọi lĩnh vực, thậm chí ở việc bổ nhiệm những người phản biện cho một công trình khoa học.

Và hiệu trưởng thì cũng như mọi người khác, vẫn là một công dân. Ngoài việc giữ an toàn cho học sinh, lắng nghe những vấn đề của phụ huynh, giúp đỡ giáo viên, họ vẫn có trách nhiệm tuân thủ các quy định chung của nhà trường và của pháp luật.