| Hotline: 0983.970.780

Quyết liệt dập dịch chổi rồng

Thứ Năm 15/01/2015 , 09:26 (GMT+7)

Chiến dịch phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn được triển khai trong 6 tháng (từ 15/1 đến 15/7/2015). 

Bệnh chổi rồng hại nhãn tiêu da bò và chôm chôm đang là vấn đề nóng, ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm.

Để ngăn chặn sự lây lan và phòng chống bệnh có hiệu quả cao, ngày 14/1, tại Vĩnh Long, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh chổi rồng trên nhãn tại Nam bộ.

Thống kê của Cục BVTV, tổng diện tích trồng nhãn của 7 tỉnh, thành: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và TP Cần Thơ có khoảng 33.000 ha, trong đó diện tích nhiễm bệnh gần 13.400 ha. Đáng chú ý, diện tích nhiễm nặng tới hơn 5.342 ha.

Trên cây chôm chôm cũng đã có 79 ha của 14 tỉnh, thành khu vực phía Nam bị nhiễm bệnh.

ThS Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long, cho biết: "Sau khi thực hiện các biện pháp dập dịch, đến đầu năm 2013 có khoảng 70% diện tích trồng nhãn đã hồi phục trở lại, nhiều vườn cho năng suất từ 8-10 tấn/ha.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2013 đến nay, phần lớn nông dân cho nhãn ra hoa rải vụ đã bị tái nhiễm bệnh trở lại. Bệnh chổi rồng đã xảy ra trên cây nhãn nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp phòng trừ hữu hiệu. Từ năm 2010 đến nay bệnh chổi rồng lây lan nhanh và gây hại làm cho diện tích nhãn trên toàn tỉnh giảm mạnh.

Sau 4 năm dịch bệnh chổi rồng tấn công đã làm giảm gần 2.000 ha nhãn, năng suất giảm 3,4 tấn/ha. Số liệu khảo sát mới nhất cho thấy diện tích nhiễm trung bình và nặng có chiều hướng gia tăng.

Hiện tại, toàn tỉnh Vĩnh Long có đến 7.446/7.843 ha nhãn bị nhiễm bệnh, trong đó có 2.186 ha nhiễm nặng, 2.535 ha nhiễm trung bình, còn lại là nhiễm nhẹ.

choi-rong181327684
Đốn bỏ những cây nhãn bị bệnh chổi rồng ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn

Việc phòng chống dịch bệnh chổi rồng trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn như: Giá nhãn ở mức thấp là nguyên nhân chính khiến cho diện tích cũng như tỷ lệ nhiễm chổi rồng chưa được khắc phục. Giá nhãn bình quân 7.000 - 9.000 đ/kg thì mới chỉ bằng giá thành SX nên không khuyến khích được nhà vườn chăm sóc, phòng chống dịch bệnh.

Nhiều nhà vườn tuyên bố nếu giá nhãn tiêu da bò đứng trên mức giá 15.000 đ/kg thì dịch bệnh chổi rồng sẽ được phòng, chống không phải trông chờ vào nhà nước. Đối với công tác khoa học, vẫn chưa tìm ra được tác nhân gây bệnh nên chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh chổi rồng hại nhãn.

Theo khuyến cáo, nhện lông nhung được xem là đối tượng phòng trừ chính nhưng chúng có kích thước rất nhỏ không thể nhìn thấy được bằng mắt thường nên rất khó cho bà con trồng nhãn trong việc quản lý.

Mặt khác, những vườn nhãn đã già cỗi trên 20 năm tuổi phần lớn cây cao lớn nên nông dân phải tốn nhiều công lao động để cắt tỉa cành bệnh và rất khó xử lý thuốc trừ nhện.

Việc xử lý thuốc trừ nhện lông nhung của nông dân trong một vùng thường không đồng loạt, dẫn đến hiệu quả phòng trị chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, tâm lý chán nản sợ không có thu nhập từ nhãn nên đầu tư chưa cao và sợ thu về không có lãi... Những khó khăn của Vĩnh Long cũng là khó khăn chung của tất cả các tỉnh.

TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kết luận: "Sau hội nghị này các địa phương có trồng nhãn kiện toàn ngay ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh chổi rồng các cấp để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.

Bộ NN-PTNT đã định ngày giờ phát động chiến dịch phòng, chống dịch rồi, vì vậy tôi đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông và hoàn thiện lại sổ tay phòng, chống dịch chổi rồng trên nhãn và chôm chôm. Mỗi tỉnh nên thành lập một đường dây nóng để tư vấn phòng, chống dịch chổi rồng.

Các tỉnh dành kinh phí tập huấn biện pháp phòng, chống dịch ngay tại nhà vườn và tập trung xây dựng mô hình làm cơ sở khoa học để bổ sung hoàn thiện cho các biện pháp tạm thời giúp nhà vườn chống chịu được bệnh chổi rồng hại nhãn, chôm chôm trong thời gian tới".

CHỈ ĐẠO CỦA BỘ NN- PTNT

Trước thực trạng cấp thiết phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm, ngày 7/1/2015 Bộ NN-PTNT đã thông báo kết luận và ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh:

Để ngăn chặn sự lây lan và phòng chống bệnh có hiệu quả cao, Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương khẩn trương triển khai các công việc sau:

- Cục BVTV thường xuyên cập nhật kết quả nghiên cứu mới và hiệu quả để bổ sung vào quy trình tạm thời phòng chống dịch chổi rồng trên nhãn, chôm chôm và cần cụ thể cho từng đối tượng mới, nhãn kinh doanh và nhãn ghép cải tạo...

- Triển khai cấp chứng nhận mã vùng trồng nhãn để tạo điều kiện cho việc xuất khẩu. Khuyến khích cấp vùng SX cho các cơ sở SX đạt tiêu chuẩn cho phép. Thúc đẩy chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng trên nhãn và chôm chôm được thực hiện trong 6 tháng tính từ 15/1-15/7/2015 và có tổng kết các kết quả đạt được.

- Cục Trồng trọt sớm tổ chức công nhận và phổ biến giống mới có khả năng chống chịu cao với bệnh chổi rồng, quy trình kỹ thuật ghép cải tạo nhãn để cải tạo một số giống nhiễm bệnh bằng các giống chống chịu theo cơ cấu giống của từng địa phương. Thúc đẩy công tác chứng nhận vùng trồng nhãn đáp ứng các tiêu chuẩn như VietGAP thông qua việc đơn giản hóa thủ tục.

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lựa chọn mô hình phòng, trừ có hiệu quả, dễ áp dụng để khuyến cáo cho nông dân. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người nông dân dưới dạng trao đổi, tọa đàm thông qua thông tin đại chúng.

- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tổ công tác điều phối phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm chỉ đạo các thành viên nhanh chóng triển khai các nghiên cứu để làm rõ tác nhân gây bệnh. Tổng kết các kết quả đạt được và kịp thời đưa ra các hướng nghiên cứu tiếp theo.

Huy động và phân công cụ thể lực lượng cán bộ khoa học có chuyên môn, kinh nghiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng chống bệnh.

- Sở NN-PTNT các tỉnh trồng nhãn và chôm chôm tập trung cao độ theo dõi diễn biến phát sinh và phòng chống bệnh kịp thời. Tổ chức thành lập ban chỉ đạo tổ chức phối hợp với các cán bộ của các cơ quan nghiên cứu phòng chống dịch để xác định cơ cấu giống phù hợp để tránh bị dịch hại xâm nhiễm tập trung.

 

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.