| Hotline: 0983.970.780

Quyết liệt phòng chống bệnh đốm nâu thanh long

Thứ Hai 06/04/2015 , 06:12 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị “Sơ kết tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long” vừa tổ chức cuối tuần qua tại TP Phan Thiết (Bình Thuận).

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, ngày 22/11/2014, Bộ NN-PTNT đã chính thức phát động “Tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long” trên địa bàn 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An bắt đầu từ 25/11 - 31/12/2014.

Hưởng ứng tháng hành động, UBND các tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai. Các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT kịp thời hỗ trợ và phối hợp các địa phương triển khai tháng hành động.

Cụ thể, Vụ KH-CN&MT trình Bộ phê duyệt đề tài “Nghiên cứu phòng chống bệnh đốm nâu và một số bệnh chính khác trên cây thanh long” thực hiện từ 2015-2016 do Viện Khoa học nông nghiệp VN (VAAS) chủ trì. Cục BVTV đã ban hành quy trình phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long để các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện. 

VAAS đã cung cấp 500 kg chế phẩm phân hủy cành thanh long cho các địa phương. Trung tâm Khuyến nông QG xây dựng mô hình "Thâm canh thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh” tại 3 tỉnh với quy mô 130 ha; tổ chức 7 hội nghị đầu bờ tham quan mô hình với 374 đại biểu tham gia.

“Qua tháng hành động, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, chính quyền địa phương và nhân dân các tỉnh đã triển khai đạt nhiều kết quả rõ rệt. Không những giảm mạnh tỷ lệ bệnh, diện tích bị nhiễm bệnh trên đồng ruộng mà còn nâng cao ý thức, hiểu biết cho người trồng thanh long và chính quyền địa phương về việc phòng chống bệnh hiệu quả.

Trong tháng hành động, nông dân đã cắt tỉa cành bệnh, vệ sinh đồng ruộng khoảng 15.866 ha, chiếm 50% tổng diện tích ở 3 tỉnh. Sau khi cắt tỉa, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu giảm khoảng 2.292 ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ - trung bình giảm 1.842 ha (giảm gần 20%), diện tích nhiễm nặng giảm 450 ha (giảm gần 60%).

Ông Nguyễn Văn Sinh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Tiền Giang cho biết, hưởng ứng tháng hành động, Tiền Giang thực hiện công tác vệ sinh và tiêu hủy cành bệnh khoảng 2.940 ha, đạt khoảng 70% diện tích thanh long.

Có đến 90% vườn thanh long không để cành non trong mùa mưa, ngoại trừ các vườn mới trồng chưa ra trái. Nông dân đã biết được tác nhân gây bệnh và các biện pháp phòng trừ. Nhờ vậy diện tích thanh long bị bệnh đốm nâu giảm dần theo từng tháng và cho đến nay chỉ còn 80 ha, giảm khoảng 120 ha so với tháng 12 năm ngoái.

Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT đã công bố khen thưởng 9 tổ chức và 14 cá nhân là cán bộ và nông dân ở 3 tỉnh có thành tích xuất sắc trong việc hưởng ứng tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long.

Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Bình Thuận) cho biết: “Từ khi phát động tháng cao điểm đến nay chúng tôi đã tổ chức vệ sinh 8.863 ha thanh long; mở 192 lớp tập huấn với 10.678 cán bộ, nông dân tham gia; cấp phát 38.904 tờ rơi; cung ứng 878 gói chế phẩm BIO-ADB để tiêu hủy hàng ngàn tấn cành thanh long bị bệnh. Nhờ đó diện tích thanh long bị bệnh đốm nâu tại Bình Thuận trong tháng 3/2015 chỉ còn 1.527 ha, giảm 5.051 ha so với tháng 12/2014”.

Còn ông Lê Phước Sanh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Long An cho hay, việc dùng chế phẩm sinh học BiO-ADB để ủ cành bệnh nhằm tiêu diệt bào tử nấm còn hạn chế, bởi nông dân có tâm lý chờ đợi thuốc BVTV đặc trị và ngại tốn công cắt tỉa cành bệnh quá lớn, trong khi giá thanh long chính vụ tương đối thấp. Vì vậy, ông Sanh đề nghị Bộ NN-PTNT cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu hủy cành, nhánh cây bị bệnh.

Trả lời về biện pháp quản lý bệnh đốm nâu bằng cách vệ sinh đồng ruộng, thu gom xử lý, tiêu hủy cành quả bị bệnh bằng chế phẩm BIO-ADB, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó GĐ VAAS khẳng định: Hiện nay phương pháp này là sử dụng tương đối hợp lý so với các phương pháp khác như dùng vôi hay phun thuốc BVTV vì bào tử nấm vẫn còn. Do vậy các địa phương nên khuyến cáo bà con.

Đánh giá hiệu quả về mô hình xử lý cành, ông Lê Hoàng Anh, xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) cho biết, gia đình ông sau khi cắt tỉa cành thanh long bị bệnh, thu gom và đem ủ, phun bổ sung chế phẩm sinh học BIO-ADB vào đống ủ, thì khoảng 30 - 45 ngày cành, quả thanh long bị phân hủy hầu hết và sử dụng làm phân bón. Nhờ cách làm này mà vườn thanh long 2.500 trụ nhà ông đã sạch bệnh, không làm ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, mặc dù tình hình bệnh đốm nâu thanh long có chiều hướng giảm dần, tuy nhiên đây chỉ là kết quả bước đầu. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, phân công nhiệm vụ cụ thể, nhất là các cán bộ ở cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh.

Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục cập nhập quy trình; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, ra quân đồng loạt, quyết liệt, triệt để hơn nữa cho đến đầu mùa mưa năm 2015.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.