| Hotline: 0983.970.780

Quỳnh Lưu dẫn đầu xứ Nghệ ngành nghề thủy sản

Thứ Bảy 07/12/2019 , 16:36 (GMT+7)

Theo thống kê, sản lượng thủy hải sản hàng năm của địa phương đạt từ 70-75 ngàn tấn, năm 2019 ước đạt 74.294 tấn/KH 70.664 tấn, vượt KH và tăng 1,74% so với 2018.

Ngành nghề thủy sản là thế mạnh của huyện Quỳnh Lưu.

Với hàng chục km bờ biển trải dài, 2 cửa lạch chính, lại được kế nối bởi hệ thống sông Mai Giang và kênh Nhà Lê đã tạo nên vùng triều rộng lớn giúp huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phát triển mạnh nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản.

Trung tâm sản xuất giống

Thừa hưởng nhiều chính sách thiết thực của Trung ương, của tỉnh (Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, Quyết định 87/2014/QĐ-UBND…), những năm qua huyện Quỳnh Lưu đã biết nắm bắt thời cơ, từng bước biến kinh tế biển thành ngành mũi nhọn.

Theo số liệu thống kê, sản lượng thủy hải sản hàng năm của địa phương đạt từ 70-75 ngàn tấn, năm 2019 ước đạt 74.294 tấn/KH 70.664 tấn, vượt KH và tăng 1,74% so với năm 2018.

Từ lâu Quỳnh Lưu được xem là trung tâm sản xuất giống thủy sản toàn tỉnh. Hiện trên địa bàn có 8 cơ sở sản xuất tôm sú kết hợp với cua giống, ương gièo tôm thẻ chân trắng, 1 cơ sở sản xuất ngao giống và 1 cơ sở sản xuất cá giống. Ngoài ra còn có Công ty TNHH Việt Úc, địa chỉ tại xã Quỳnh Minh chuyên sản xuất giống tôm thẻ chân trắng.

Thực hiện chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất giống thủy sản sạch bệnh. Chỉ trong thời gian ngắn nhiều ứng dụng, kỹ thuật mới được áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất (hệ thống lọc và khử trùng nước bằng tia cực tím, hệ thống nâng nhiệt...) đã tạo ra lượng giống chất lượng cao, đảm bảo cho người nuôi trên địa bàn và nhiều vùng khác.

Nuôi tôm thẻ chân trắng giúp nhiều hộ đổi đời.

Đi sâu vào chi tiết, năm 2019 huyện Quỳnh Lưu sản xuất được 2.629 triệu con giống thủy sản các loại/KH 2.400 triệu con, tổng giá trị sản xuất đạt trên 96.134 triệu đồng. Trong số này tôm giống đóng vai trò chủ đạo với 1.815 triệu con, tiếp đến là ngao giống 750 triệu con, cá giống 45 triệu con và cua giống 19 triệu con.

Quá trình thực hiện, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất giống ngày càng được tăng cường, giám sát chặt chẽ. Trong năm 2019, huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy sản thực hiện kiểm tra, đánh giá điều kiện sản xuất và chất lượng con giống tại 9 cơ sở sản xuất, kết quả 6 đơn vị đạt điều kiện, 3 đơn vị không đảm bảo do tạm ngừng sản xuất.

Xác định rõ tiềm năng lợi thế, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng phương án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn, trong đó ưu tiên phát triển nghề nuôi tôm. Giá trị kinh tế mô hình mang lại cho thấy mọi việc đang đi đúng hướng.

Nếu như những năm đầu nông dân cơ bản chỉ nuôi tôm sú rải rác theo hình thức quảng canh thì đến nay toàn huyện đã chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích lên đến 465ha, quy mô lớn nhất tỉnh Nghệ An. Đáng mừng hơn cả là trình độ, nhận thức của người nuôi chuyển biến rõ rệt, họ không ngần ngại đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng diện tích nuôi theo hướng thâm canh, siêu thâm canh (nuôi tôm trong bể xi măng, nuôi tôm Semi-Biofloc, nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm trong nhà màng...) nhằm giảm thiểu tối đa dịch bệnh và nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Khánh - "vua tôm" đất biển bên cơ ngơi hoành tráng.

“Vua tôm” đất biển Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Văn Khánh quả quyết, việc áp dụng theo quy trình của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam nhằm thay thế cách làm truyền thống là bước ngoặt mang tính then chốt. Tuân thủ nghiêm ngặt các bước giảm thiểu rõ rệt dịch đốm trắng, hoại tử gan và tụy cấp. Nhờ thế trong 3 năm đổ lại hoạt động kinh doanh diễn tiến hết sức thuận lợi, hàng năm gia đình ông đều đặn xuất ra thị trường từ 40 - 50 tấn hàng, doanh thu đạt ngất ngưởng trên dưới 8 tỷ đồng/năm, trừ khoảng 60% chi phí còn lãi ròng khoảng 3 tỷ.

Tính rộng ra, năm 2017 huyện Quỳnh Lưu có 3 vùng nuôi với quy mô hơn 106 ha thuộc các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương được công nhận đủ điều kiện VietGAP (toàn tỉnh chỉ có 5 vùng). Hai năm qua, tình hình vẫn duy trì ổn định.

Đầu tư, nâng cấp thuyền to máy lớn

Định hướng phát triển đội tàu khai thác xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, những năm qua Quỳnh Lưu đã tập trung nâng cấp, hoàn thiện hệ thống phương tiện theo đòi hỏi của xu thế.

Bình quân, hàng năm địa phương tiến hành đóng mới từ 38-40 tàu cá công suất từ 400CV trở lên. Từ những tàu công suất nhỏ, chủ yếu hoạt động khu vực gần bờ, đến nay toàn huyện có tổng cộng 1.170 chiếc, đáng chú ý là 628 tàu đảm bảo chiều dài từ 12m trở lên, chiếm 34,11% của tỉnh (riêng tàu có chiều dài từ 24m trở lên có 175 chiếc, chiếm 75% toàn tỉnh). Nghề khai thác chính gồm câu, vây, chụp.

Đội ngũ phương tiện nghề cá của huyện Quỳnh Lưu ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện.

Đi kèm với thuyền to máy lớn là việc trang bị những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại bậc nhất để phục vụ cho quá trình khai thác, lúc này hệ thống phương tiện xa bờ hiện đều đã được đầu tư, lắp đặt máy dò cá và thông tin tầm xa (ICOM).

Số đông chủ tàu thừa nhận, việc lắp đặt các trang thiết bị hàng hải không những giúp tăng nhanh sản lượng khai thác mà còn rút ngắn đáng kể thời gian của từng chuyến vươn khơi, qua đó cắt giảm chi phí phát sinh và mang lại hiệu quả kinh tế vững bền hơn.

Với ưu thế nguồn nguyên liệu sẵn có từ khai thác và nuôi trồng, ngành chế biến thủy sản của huyện Quỳnh Lưu đang phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Sản phẩm làm ra đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là xuất khẩu sang một số nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.