| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi ngao bất ngờ khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Thứ Năm 05/12/2019 , 10:57 (GMT+7)

Những người nuôi ngao ở vùng bãi bồi Tiền Hải, Thái Bình tỏ ra ngạc nhiên khi nghe thông tin Trung Quốc đồng ý nhập khẩu con ngao của Việt Nam.

Một cơ sở thu mua ngao ở xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình đang phân loại ngao tía, ngao trắng. Ảnh: Tùng Đinh.

Đến nay, đã gần 2 tháng kể từ khi Trung Quốc đồng ý mở cửa thị trường cho 3 sản phẩm thủy sản gồm ngao hoa, ngao trắng và nghêu lụa vào danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người nuôi ngao ở khu vực các xã Nam Thịnh, Đông Minh của huyện Tiền Hải, Thái Bình thì gần như tất cả bà con đều chưa nắm được thông tin trên.

Một số chủ cơ sở thu mua ở xã Nam Thịnh cho biết, sau khi Trung Quốc không chấp nhận xuất khẩu tiểu ngạch nữa, ngao được đẩy đi nhiều địa phương trong nước và một phần tiếp tục được đưa sang Trung Quốc nhưng bằng cách nhập lậu, phập phù.

Trong cuộc nói chuyện với một dân buôn ngao ở địa phương, anh cho biết trước đây, khi chưa bị cấm, mỗi ngày có hàng trăm tấn ngao được chở ra khu vực Móng Cái, Quảng Ninh để xuất sang Trung Quốc. Hiện nay, số lượng này giảm đi rất nhiều nhưng vẫn còn, tuy nhiên do đi lậu nên có ngày được ngày mất.

Theo dân buôn này, việc xảy ra sự số, ngao không đi được rồi chết phải đổ cả tàu xuống biển thường xuyên xảy ra. "Trong trường hợp thuận lợi, chủ hàng phía Trung Quốc sẽ thanh toán rất nhanh nhưng nếu khó khăn, phải đổ ngao đi thì những chủ hàng tiềm lực, làm ăn lâu rồi mới hỗ trợ cho tiền bao bì, nhân công, còn không thì coi như mất trắng", anh kể qua điện thoại.

Qua quá trình tìm hiểu của phóng viên, sau khi bị cấm xuất khẩu tiểu ngạch, các thương lái vẫn đang tiếp tục mua ngao rồi bán cho bạn hàng Trung Quốc nhưng giao dịch thành công chỉ vào khoảng 30%, số còn lại đều không đi được, lênh đênh trên biển rồi chết và đổ đi.

"Lần anh bị thiệt hại nhiều nhất là 25 tấn ngao bán cho thương lái nhưng không đưa qua được nên phải đổ hết xuống biển. Giờ chỉ mong thông thương trở lại để làm ăn cho dễ", người buôn ngao than thở thêm.

Băng tải vận chuyển ngao và những bao tải ngao trắng vừa được đưa lên bờ chờ thương lái đến mua ở Nam Thịnh, Tiền Hải. Ảnh: Tùng Đinh.

Vui mừng khi được xuất chính ngạch

Mặc dù bất ngờ trước thông tin Trung Quốc đồng ý nhập khẩu ngao từ Việt Nam nhưng đa số người nuôi và chủ cơ sở thu mua, sơ chế ngao cũng tỏ ra vui mừng và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn để thị trường khởi sắc trở lại.

Anh Đặng Huy Thiêm, Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Tiến Thành có trụ sở tại xã Đông Minh, Tiền Hải khẳng định: "Đây là mong muốn chung của bà con nông dân trong vùng nuôi ngao vì đem lại sự ổn định do Trung Quốc là thị trường có nhu cầu rất lớn về sản phẩm này".

Đề cập đến các yêu cầu mà phía Trung Quốc có thể đưa ra với con ngao, anh Thiêm cho biết, về giấy tờ, chứng nhận chất lượng hiện nay bà con đang được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 1 hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục.

"Với sự giúp đỡ của Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 1, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của phía bạn", chủ công ty Tiến Thành khẳng định. Theo anh Thiêm, trong nuôi ngao thì quan trọng nhất là thị trường, là đầu ra, một khi vấn đề này được đảm bảo bà con sẽ yên tâm canh tác.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh, ông Bùi Kiên Quyết cho biết, diện tích nuôi ngao của xã vào khoảng 1.000 ha, trong đó 60% nuôi ngao thịt và phần còn lại nuôi ngao giống. Trong đó, sản lượng ngao thịt toàn xã vào khoảng 10.000-12.000 tấn, cao điểm có năm đạt đến 18.000 tấn.

Theo ông Quyết, nếu không có thị trường ổn định thì nông dân gặp nuôi ngao nhiều rủi ro hơn, ví dụ như có hộ nuôi đến tỉ lệ 50 con/kg nhưng vẫn không có đầu ra rồi gặp dịch bệnh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên mất trắng.

Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh nhận định, khi Trung Quốc mở cửa, đây là một thị trường lớn nhiều tiềm năng và cả người dân lẫn chính quyền địa phương đều mong muốn phía bạn đưa ra những quy định để người sản xuất cùng cơ quan quản lý dựa vào đó thực hiện.

"Nếu có được thị trường lớn, quy củ, người dân sẽ sẵn sàng đầu tư cải tạo bãi nuôi để tạo điều kiện cho ngao nhanh lớn và đạt chất lượng cao. Ngoài ra, người thu mua cũng tìm được hàng chất lượng cao để đưa đến người tiêu dùng", ông Bùi Kiên Quyết chia sẻ.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Vinacoco nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt

Sau khi nhận giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2022, Công ty Thực phẩm Vinacoco, thành viên của GC Food Group, lại tiếp tục được trao giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.