| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 15/02/2020 , 06:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:50 - 15/02/2020

Ra phố mùa dịch có không ít ưu tư

Sau hai tuần các trường học đóng cửa, bước chân ra phố là câu chuyện chẳng đặng đừng với nhiều người, và cũng gợi lên không ít ưu tư.

I.

Trước và sau Tết Canh Tý, không khí sinh hoạt của cộng đồng có nhiều biểu hiện thay đổi. Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt hành vi lạm dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông, đã khiến các quán nhậu vắng tanh.

Liên hoan và tiệc tùng, chủ yếu thực khách chọn thức uống là nước ngọt hoặc nước suối. Tai nạn do ma men cầm lái đã giảm hẳn. Thói quen khác đang hình thành, thì bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng nCoV gây ra.

Khi mới công bố đại dịch, người ta chỉ biết săn lùng khẩu trang trong những nỗi sợ hãi mơ hồ. Hai chữ “Vũ Hán” trở thành một nỗi ám ảnh. Các lễ hội tạm hoãn còn các tour du lịch cũng lần lượt hủy kèo.

Tìm ra kháng thể để đẩy lùi nCoV đang thách thức các chuyên gia y tế.

Tìm ra kháng thể để đẩy lùi nCoV đang thách thức các chuyên gia y tế.

Tin tức về các bệnh nhân xuất hiện ở TPHCM, Vĩnh Phúc, Nha Trang, Thanh Hóa khiến ai cũng đề phòng bằng tâm lý trốn trong nhà để tránh dịch. 

Phải thừa nhận, tuần đầu tiên công bố đại dịch, tâm lý hoang mang là có thật. Ngay tại hai đô thị sầm uất như Hà Nội và TPHCM cũng thưa thớt người đi lại ở nơi công cộng. Thế nhưng, sau một tuần thì nhiều người phải tìm cách thích nghi, vì chưa biết khi nào mới chấm dứt đại dịch.

Người giàu có thể đóng cửa vì yên tâm đã có bát ăn bát để, nhưng người nghèo thì phải ra đường mưu sinh. Những nhu cầu thiết yếu được chấp nhận bởi các giao dịch có đeo khẩu trang. Quan sát đời sống tại TPHCM, không khó để nhận ra, nơi chuyển động nhộn nhịp trở lại đầu tiên là các siêu thị. Rất nhiều khẩu trang với rất nhiều kiểu dáng và màu sắc, nhưng quầy thu ngân chỉ có mật độ bằng phân nửa trước đây.

Đáng lưu ý hơn, quầy thực phẩm khô và thức ăn chế biến sẵn, đã đông đúc một cách bất thường. Đó là tâm lý tích trữ lương thực để đối phó dịch bệnh. Hầu hết những siêu thị lớn đều tăng cường diện tích cho khu vực bày bán… mì gói.

Những nhà kinh doanh luôn rất nhạy bén và rất khôn ngoan. Tuy nhiên, sản lượng và giá cả được duy trì như thế nào, lại là câu chuyện cần được những nhà quản lý quan tâm nhiều hơn nữa.

Dù hơi đắng đót, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, Nghị định 100 và đại dịch nCoV giống như cơ hội để quy hoạch lại hệ thống quán nhậu ở các đô thị lớn. Bức tranh thành phố đâu đâu cũng thấy tiếng hô “dzô… dzô…” đã đổi tông và đổi màu. Với mặt bằng đi thuê, thì không có quán nhậu nào có thể tồn tại khi mỗi ngày chưa đến chục khách ghé chân.

Phố nhậu đêm nổi tiếng bậc nhất TPHCM, kéo dài từ quận Thủ Đức đi qua quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp và đến quận Tân Bình, đã không còn cảnh hò reo thịnh vượng. Thậm chí, có không ít quán nhậu rộng thênh thang với hàng trăm dãy bàn ghế, chỉ thấy vài nhân viên đeo khẩu trang đưa mắt nhìn nhau chán nản.

II.

Mùa dịch nCoV, mọi câu chuyện đều trở nên vô nghĩa, khi không đề cập đến diễn biến của virus corona và biện pháp phòng chống hữu hiệu. Câu chuyện từ tâm dịch Vũ Hán - Trung Quốc, vẫn là điều nhiều người quan tâm. Quan tâm như một sự chia sẻ, và quan tâm như một sự ái ngại.

Bác sĩ Lý Văn Lượng - người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về đại dịch qua đời ngày 6/2.

Bác sĩ Lý Văn Lượng - người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về đại dịch qua đời ngày 6/2.

Sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng - người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về đại dịch, không thể nào gượng nổi trước lưỡi hái của thần chết, thì một nhân vật khác qua đời vì nCoV làm dư luận xôn xao là ông Qiu Jun. Không chỉ sinh sống ở Vũ Hán, ông Qiu Jun còn lừng lẫy khắp Trung Quốc vì từng đoạt giải trong cuộc thi thể hình quốc tế khi đã cao tuổi.

Năm nay 72 tuổi, ông Qiu Jun có cơ bắp cuồn cuộn và rắn chắc, rất đáng được ngưỡng mộ. Suốt 30 năm qua, ông Qiu Jun chưa từng đau ốm. Vậy mà người đàn ông khỏe mạnh ấy đã bị lây nhiễm virus corona và qua đời ngày 6/2.

Các con của ông Qiu Jun thông báo về sự ra đi của đấng sinh thành bằng một dòng tin day dứt: “Người cha không bao giờ bị bệnh của chúng tôi, đã không thoát khỏi thảm họa…”.

Cái chết của ông Qiu Jun càng làm nhiều người lo lắng. Bởi lẽ, nCoV gần như đủ sức quật ngã bất kỳ ai. Những người ít vận động thì phải tìm cách phòng bệnh bằng các vật liệu mà họ nghe ngóng được từ kinh nghiệm bá tánh như gừng, tỏi, muối, chanh…

Còn những bậc trí giả thì sao? Trước mối đe dọa của nhân loại, bằng kiến thức chuyên môn, nhiều người đã hiến kế ngăn chặn nCoV.

Giáo sư - Tiến sĩ Đào Văn Lượng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đề xuất xây dựng mô hình buồng điều trị cách ly và dùng nhiệt để diệt virus, giảm nguy cơ lây lan ngay trong quá trình điều trị: “Dựa trên các cứ liệu khoa học mà các nhà dịch tễ học trên thế giới công bố có thể thấy, virus nCoV có 2 đặc tính cơ bản. Một là chỉ gây bệnh cho con người khi có mật độ đủ lớn.

Virus nCoV bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 60 độ C. Vì vậy, tôi tin việc lập các Buồng điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV như hình tôi vẽ sẽ hiệu quả và giảm tình trạng lây lan chéo trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, giải pháp xây dựng buồng đều trị cách ly bệnh nhân nCoV chỉ nhằm chặn sự lây lan chéo giữa các bệnh nhân dương tính và người nghi bị nhiễm virus nCoV, còn việc điều trị khỏi cần phải kết hợp cùng với với các phác đồ điều trị từ đội ngũ y bác sĩ.

Với những gì mà Trung Quốc đang phải đối mặt khi bệnh viện đang thiếu giường bệnh, tỉ lệ lây lan chéo trong cộng đồng và ngay trong chính bệnh viện giữa bác sĩ với người bệnh khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus nCoV, tôi tin mô hình tôi đề xuất sẽ hiệu quả. Nó đáp ứng tiêu chí nhanh, chi phí thấp, dễ triển khai, việc ngăn chặn dịch virus nCoV lây lan trong cộng đồng của chúng ta”.

III.

Ra phố mùa đại dịch, thấy sự bình yên ẩn chứa không ít hoang mang, bất kỳ ai cũng băn khoăn cho tương lai. Chắc chắn kinh tế sẽ sụt giảm nghiêm trọng, canh tác và sản xuất sẽ đình trệ và gặp khó khăn. Thế nhưng, virus corona có phải tự nhiên xuất hiện không?

Đó là câu hỏi mà những người có lương tri phải đặt ra một cách nghiêm túc. Chúng ta đã làm gì với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội trong nhiều thập niên qua? Cây cối bị chặt phá, dòng sông bị nghẽn mạch, ao hồ bị san lấp, muôn thú bị săn đuổi… Rồi trăm loại khí thải từ khu công nghiệp, rồi ngàn loại nước thải từ khu chế biến… Tất cả những hành vi tham lam và ích kỷ của con người đã làm ô nhiễm môi trường sinh thái.

Ai cũng muốn giàu lên đột ngột, ai cũng muốn phát tài vượt bậc, mà không ai nghĩ cho sự bình yên của Trái Đất này. Thiên nhiên bị nghèo đi những cảnh vật trong lành, xã hội bị nghèo đi những quan hệ thương yêu. Và các chủng virus mới đã nảy nở, có thể từ những con dơi chấp chới bị biến đổi gien mà cũng có thể từ phế phẩm của một trung tâm nghiên cứu thiếu trách nhiệm.

Chưa có câu trả lời về nguồn gốc của nCoV, nhưng bài học từ nCoV đã hiển lộ đầy đủ. Không có cái gì tự nhiên sinh ra và cũng không có cái gì tự nhiên biến mất. Đại dịch không ai mong muốn, nhưng nCoV là sự trừng phạt từ thái độ ghẻ lạnh mà con người đã và đang tàn phá môi trường tồn tại của chính mình. Nếu con người không thức tỉnh, thì mai đây sẽ có những đô thị khác lâm vào vấn nạn như Vũ Hán hôm nay.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm