Rác thải đô thị đang được tích cực triển khai phân loại rác tại nguồn. Rác thải đô thị nếu không được thu gom hợp lý sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy cho đời sống dân cư và môi trường xã hội. Trong tháng 7 này, Hà Nội đã tiên phong giải quyết rác thải đô thị bằng một động thái rất đáng hoan nghênh.
Nếu rác thải hữu cơ dễ dàng xử lý, thì rác thải cồng kềnh lại thành một gánh nặng cho phía vứt bỏ lẫn phía thu gom. Hà Nội vừa tổ chức nhiều điểm thu gom rác thải cồng kềnh tại 5 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm hoàn toàn miễn phí. Người dân có thể chở rác thải cồng kềnh đến các địa điểm tiếp nhận, hoặc nhờ sự hỗ trợ của Công ty môi trường đô thị Hà Nội nếu chủ hộ già yếu hoặc neo đơn.
Phương pháp xử lý rác thải cồng kềnh của Hà Nội có thể xem như một sáng kiến đột phá, cần được nhân rộng ở các địa phương khác. Việc thu gom rác thải cồng kềnh cùng với việc thu gom rác thải điện tử được chương trình Việt Nam Tái Chế thí điểm thực hiện, góp phần không nhỏ vào cuộc chỉnh trang diện mạo văn minh cho Thủ đô.
Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016-2020” do Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình 10-16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm). Chất thải rắn sinh hoạt bao gồm rác thải cồng kềnh lẫn rác thải điện tử.
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang là câu chuyện nhức nhối cộng đồng tại TP. HCM. Liệu đô thị phương Nam có nên hưởng ứng cách làm của Hà Nội chăng? Khi nhu cầu tiện ích tăng lên thì rác thải cồng kềnh ngày càng nhiều.
Một bộ salon, một cái tủ hay một cái giường không sử dụng nữa, thì phải làm sao? Những đơn vị thu gom rác thải luôn khéo léo từ chối dịch vụ, vì rác thải cồng kềnh phải khuân vác và chuyên chở rất phức tạp. Cho nên, tình trạng rác thải cồng kềnh được âm thầm vứt bỏ ở công viên hay ở góc phố, tạo ra sự nhếch nhác cho đô thị.
Nhằm cải thiện hành vi tùy tiện “gửi gắm” rác thải cồng kềnh, vài quận tại TP.HCM đưa ra biểu giá dịch vụ cho các đơn vị thu gom, ví dụ một cái ghế gỗ giá 110 ngàn đồng, một cái nệm lò xo giá 170 ngàn đồng.
Thế nhưng, đây chỉ là biểu giá tượng trưng, còn thực tế đôi khi người dân phải trả gấp nhiều lần. Cho nên, rác thải cồng kềnh vẫn tràn lan ở các khu dân cư, thậm chí còn được ném thẳng xuống kênh Nhiêu Lộc hay rạch Xuyên Tâm.
Đã đến lúc, TP. HCM cần áp dụng mô hình của Hà Nội để xử lý rác thải đô thị. Rác thải cồng kềnh và rác thải điện tử đều phải thu gom miễn phí ngay tại hộ dân hoặc những địa điểm thu gom được sắp xếp thuận tiện.
Cũng nên lưu ý, chương trình Việt Nam Tái Chế khi cử tình nguyện viên đi thu gom rác thải điện tử còn tặng một phần quà (như túi rác hoặc móc khóa) cho người dân. Những hành vi văn minh luôn là điều kiện đầu tiên để xây dựng đô thị văn minh.