Rau an toàn bị đánh đồng giá trị
Cũng như 39 hộ sản xuất rau theo hướng VietGAP khác tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, gia đình bà Phạm Thị Phương tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất ra an toàn. Thế nhưng, khi sản xuất đúng quy trình, mẫu mã sản phẩm không bắt mắt, đem ra chợ bán, người mua chê ỏng chê eo, giá bán không cao bằng rau ở những vùng sản xuất khác.
Đến bao giờ người sản xuất rau an toàn xứ Thanh mới hết khó khăn? |
Điều đó khiến bà băn khoăn: “Năm nay rau rẻ lắm! Nếu không phun thuốc thì rau xấu, phun và không cách ly đúng quy trình HTX đề ra thì không được, sợ ảnh hưởng đến uy tín. Bữa nào không tìm được mối bỏ hàng giá cao thì coi như làm công cốc. Giờ chẳng lẽ lại quay về thời kỳ làm ra rau đẹp, năng suất cao mà không cần quan tâm đến an toàn của sản phẩm?”.
Thị trấn Vạn Hà có 40 hộ sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 9,6ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2013. Thế nhưng, mỗi ngày vùng rau VietGAP này cũng chỉ đưa vào các siêu thị được khoảng 200kg. Số còn lại đem bán ở các chợ đầu mối không có sự chênh lệch so với rau sản xuất ở những vùng khác, nếu không muốn nói là còn thấp thua. Trong khi đó, để giữ thương hiệu, bà con buộc phải trồng và chăm đúng quy trình.
“Chúng tôi thành lập 9 tổ giám sát chéo nhau về quy trình sản xuất. Các tiêu chí yêu cầu bắt buộc như chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, thuốc BVTV sinh học; thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly phân bón, thuốc BVTV… 30 hộ đã đầu tư nhà lưới để trồng rau; khoan giếng, xây hố ủ phân chuồng…
Thế nhưng, sản phẩm chúng tôi làm ra vẫn bị đánh đồng giá trị với những vùng rau khác. Như vậy là không công bằng với người trồng rau Vạn Hà. Chúng tôi đã sản xuất được rau an toàn rồi, chỉ mong được liên kết bao tiêu sản phẩm, cả hai bên cùng có lợi”, ông Lê Văn Dung, Phó Giám đốc HTXNN Thiệu Hưng – thị trấn Vạn Hà cho biết.
Rau an toàn bị đánh đồng giá trị |
Cũng theo ông Dung, trước và sau khi sản xuất rau an toàn, được chứng nhận VietGAP, lợi nhuận mang lại cho người trồng rau tăng không đáng kể. Tính ra, mỗi ha bà con cũng chỉ lãi ròng 100 triệu đồng.
Cần một “cú hích”
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị "Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn năm 2018", toàn tỉnh xây dựng được 70 vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tập trung với diện tích 388,3 ha đủ điều kiện ATVSTP. Trong đó có 174,7ha được chứng nhận VietGAP. Phần lớn lượng rau trên địa bàn không qua chế biến mà được đưa trực tiếp ra thị trường tiêu thụ dưới nhiều hình thức nhưng chủ yếu bán chợ nội địa (60 - 70%); bán buôn và bán theo hợp đồng thỏa thuận trước giữa người sản xuất và đơn vị thu mua (30 - 40%). Tỷ lệ sản phẩm đưa vào các nhà hàng, siêu thị hết sức khiêm tốn nếu không muốn nói là không có.
Trong khi đó, việc xây dựng các chuỗi sản xuất rau an toàn tại Thanh Hóa được thực hiện từ năm 2016 và đang diễn ra với tốc độ chậm. Theo thống kê, toàn tỉnh đang xây dựng 32 chuỗi liên kết nông sản an toàn, trong đó có rau; 98 cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn. Từ việc sản xuất rau an toàn đến xây dựng chuỗi, cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn đều được hỗ trợ theo quy định nhưng thực tế, cả người sản xuất và người tiêu dùng vẫn chưa thực sự được hưởng lợi nhiều từ cơ chế chính sách này.
Hố ủ phân rau an toàn tại thị trấn Vạn Hà |
Thực tế hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tại Thanh Hóa cho thấy, nhiều vùng dù không nằm trong vùng quy hoạch nhưng vẫn sản xuất theo hướng VietGAP. Về điều này, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã “nới rộng” chính sách, cho phép hỗ trợ cả những vùng ngoài quy hoạch. Nhưng liệu khi sản phẩm an toàn được sản xuất với quy mô lớn, người sản xuất có còn phải thiệt đơn, thiệt kép?
Bà Lê Thị Huyền Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa cho rằng, người tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng: “Chúng tôi thực hiện mảng chính sách và kiểm định chất lượng các sản phẩm có nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Phải nói rằng, chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong những năm qua đã thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, để sản phẩm an toàn tiêu thụ được và mang lại nguồn lợi nhuận cao cho người nông dân đến đâu thì vai trò người tiêu dùng rất quan trọng. Khi người tiêu dùng nhận thức sâu sắc vấn đề ATTP thì câu chuyện sản xuất nông sản an toàn mới thực sự bước sang trang mới. Vì vậy, công tác tuyên truyền hết sức quan trọng”.
Năm 2016, Thanh Hóa đầu tư 10,965 tỷ đồng, sản xuất tập trung chuyên canh 26,5ha, sản xuất trong nhà lưới 76.500m2, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm 2 cửa hàng kinh doanh rau an toàn. Năm 2017 hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh 41ha, sản xuất trong nhà lưới 50.500ha, hỗ trợ tiêu thụ sản phâm cho 17 cửa hàng kinh doanh rau an toàn… tổng kinh phí hỗ trợ 11,151 tỷ đồng. Đầu năm 2018 đến nay có 16/20 huyện, thị xã, thành phố đã phân bổ kinh phí và triển khai thực hiện, tổng kinh phí thực hiện giải ngân ước 14,852 tỷ đồng. Thế nhưng, người sản xuất rau an toàn vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. |