Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của nước này đạt 7,4 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả chế biến lớn thứ 11 cho Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch đạt 171,9 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng nhập khẩu rau quả chế biến từ Việt Nam chiếm 2,3% tổng trị giá nhập khẩu, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu chủng loại quả, quả hạch và các phần khác ăn được của cây, đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác… (mã HS 2008) và các loại nước ép trái cây (kể cả hèm nho) và nước rau ép, chưa lên men và chưa pha thêm rượu, đã hoặc chưa pha thêm đường chất làm ngọt khác (mã HS 2009) với trị giá chiếm tỷ trọng cao nhất.
Đây cũng là 2 chủng loại chính trong hàng rau quả chế biến mà Việt Nam cung cấp cho thị trường Mỹ. Trong đó, trị giá nhập khẩu chủng loại HS 2008 từ Việt Nam đạt 10,9 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020; trị giá nhập khẩu chủng loại HS 2009 đạt 7,6 triệu USD, tăng 111,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng ở mức cao của rau quả chế biến nhập khẩu từ Việt Nam, cho thấy các sản phẩm này của Việt Nam đang dần đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, rau quả chế biến từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ vẫn còn chiếm tỷ trọng rất thấp. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tăng xuất khẩu hàng rau quả chế biến tới thị trường Mỹ.
Để mở rộng thị phần tại Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại để sản xuất các chủng loại hàng rau quả chế biến đúng yêu cầu của người tiêu dùng nước này.