| Hotline: 0983.970.780

Rau VietGAP ở Bình Định

Thứ Ba 25/03/2014 , 18:48 (GMT+7)

Những năm gần đây, chuyện làm rau ở Thuận Nghĩa (Bình Định) đã đi theo hướng mới, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

Rau VietGAP được SX thí điểm tại Bình Định vào năm 2011. Dự án này được tài trợ từ phía New Zealand, do BQL Dự án Sinh kế nông thôn bền vững (Sở NN-PTNT Bình Định) thực hiện. Khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) và thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) là 2 làng rau lâu đời được chọn triển khai mô hình.

Làng rau Thuận Nghĩa lâu nay được nhiều nhà nội trợ tin dùng nhờ rau SX ở đây rất ngon, giòn và ngọt nhờ được tưới mạch nước sông Kôn. Rau chính là cây trồng mũi nhọn của người dân xứ này. Những năm gần đây, chuyện làm rau ở Thuận Nghĩa đã đi theo hướng mới, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Đối với dân làng rau thì ai cũng biết cách trồng rau. Thế nhưng, trước đây chọn giống gì, trồng đất nào, tưới nước, bón phân… đều làm theo thói quen. Từ khi tiếp xúc với cách trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tụi tui mới học được nhiều điều mới, từ chọn giống đến gieo trồng, tưới tiêu, đều theo quy trình hẳn hoi. Trước đây trồng rau phải vài ba tháng mới thu hoạch, bây giờ chỉ trồng từ 25 - 30 ngày là có thể cắt bán. Chi phí ít hơn, ít tốn công lao động mà thu nhập khá hơn”, bà Trần Thị Tùng, người đang làm 3 sào rau ở Thuận Nghĩa, nói.

Nông dân Đào Văn Tri cho biết thêm: “Làm rau VietGAP không khó như mình nghĩ, làm đúng theo hướng dẫn là đạt chuẩn rau an toàn. Bà con tui trước đây vẫn làm theo thói quen. Ví như tưới nước phải ngập lênh láng. Giờ tưới nước chỉ cần vừa đủ, tưới ít rau khô mà tưới quá thì rau cũng không hấp thụ hết, lại làm mất chất đất.

Trước đây cứ nghĩ muốn tốt rau phải bón nhiều loại phân, nhưng thực tế không phải, bón phân vừa phải rau hút chất dinh dưỡng, bón nhiều phân ngấm vào đất ứ lại, rau bị nhiễm phân, người ăn không tốt cho sức khỏe”.

Chuyện làm rau theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ được thực hiện ở những hộ đăng ký trong mô hình, nhiều hộ nông dân tự học nhau làm theo. Ông Nguyễn Xin ở thôn Luật Chánh bộc bạch: “Gia đình tui SX hơn 5 sào rau các loại, như đậu cô ve, khổ qua, đậu bắp… tuy không nằm trong nhóm SX theo mô hình, thế nhưng tui cũng học tập và làm theo quy trình rau VietGAP.

Không phải mình tui, nông dân làng Luật Chánh bây giờ đều đua nhau làm rau VietGAP. Nhờ cách làm này mà bà con nơi đây còn học thêm được cách bảo vệ môi trường, làm hố rác để thu gom bao bì, thuốc BVTV trên đồng cho sạch”.

Thế mạnh của làng rau Thuận Nghĩa (Tây Sơn) là các loại rau ăn lá, còn ở làng rau Luật Chánh (Tuy Phước) là các loại củ, quả. Mỗi ngày, HTX rau Thuận Nghĩa cung cấp ra thị trường gần 300 kg rau, còn ở Luật Chánh cũng cung ứng 350 kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của rau VietGAP Bình Định là siêu thị Coopmart Quy Nhơn.

15-06-58_rau_3
Sơ chế và đóng gói rau sạch ra thị trường

“Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định còn hỗ trợ mở thêm 10 điểm cung cấp rau VietGAP tại TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Tây Sơn. Mỗi ngày, số lượng rau sạch tiêu thụ trên thị trường trên 1 tấn”, ông Ngô Tùng Thu cho biết thêm.

Ông Thái Lương Hùng, GĐ Siêu thị Coopmart Quy Nhơn, cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi thu mua của 2 làng rau Thuận Nghĩa và Luật Chánh từ 300 - 400 kg, dịp cao điểm thu mua gấp đôi. Ngoài việc cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng, chúng tôi còn muốn giới thiệu và quảng bá hình ảnh rau sạch của nông dân Bình Định đến rộng khắp với người tiêu dùng”.

Không cam lòng đầu ra của sản phẩm chỉ có 1 mối, người trồng rau sạch ở Bình Định còn tự tìm thị trường tiêu thụ. Ông Quách Văn Cầu, Chủ nhiệm HTX rau sạch Thuận Nghĩa, nói: “Trước khi rau ở Thuận Nghĩa được tiêu thụ ở Quy Nhơn, chúng tôi đã có mối bán tại thị trường Gia Lai. Bây giờ ngoài, ngoài 2 nơi tiêu thụ số lượng lớn như đã nói trên, rau sạch Thuận Nghĩa còn có mặt khắp các chợ trong tỉnh”.

Để đảm bảo thương hiệu rau của mình, thời gian qua, các hộ dân tham gia trong nhóm SX rau sạch đều tuân thủ nghiêm cẩn quy trình đầu tư, canh tác và sơ chế rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Rau của HTX Thuận Nghĩa được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng II cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn rau VietGAP.

“Rau sạch có giá bán cao hơn nên hiện còn bị rau canh tác bình thường “lấn”, sức mua còn chậm. Ngoài một số nơi đặt hàng, chúng tôi còn tự mang rau đến các nhà hàng, quán ăn giới thiệu. Hy vọng một ngày gần đây rau sạch sẽ không còn xa lạ với những nhà nội trợ”, bà Nguyễn Thị Thu, nhân viên HTX rau sạch Thuận Nghĩa, nói.

Theo nhận định của ông Phạm Long Thăng, Chủ nhiệm HTX rau Luật Chánh, để rau VietGAP phát triển, cốt yếu là phải đẩy mạnh tiêu thụ. Ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc Dự án, cho hay: “Tại 2 làng SX rau sạch nói trên đã thành lập được 6 nhóm nông dân cùng sở thích SX rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 130 hộ nông dân tham gia trên diện tích 10 ha.

Dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 nhà sơ chế có công suất 1.000 kg rau/nhà sơ chế/ngày; hỗ trợ vốn  lưu động để thu mua, sơ chế và tiêu thụ rau cho nông dân; xúc tiến quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân giải quyết đầu ra với lợi nhuận cao hơn”.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.