| Hotline: 0983.970.780

Rau xanh Hà Nội tăng giá chóng mặt

Thứ Hai 14/01/2013 , 09:38 (GMT+7)

Trong khi giá rau xanh tại các chợ nội thành tăng mạnh trong đợt rét đậm, rét hại này thì giá rau bán tại chân ruộng chỉ tăng ở mức nhỏ giọt và rất thấp.

Tại hầu hết các chợ nội thành Hà Nội, giá rau xanh đều tăng mạnh từng ngày. Su hào được bán với giá từ 7-10.000 đồng/củ, súp lơ từ 15-20.000 đồng/cái. Rau cải các loại tăng lên mức 20.000 đồng/kg, cà chua cũng tăng lên 15-17.000 đồng/kg, bắp cải tăng từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg…

Rau cần hiện được bán với giá từ 7-10.000 đồng/bó tùy chợ, một bó rau cải cúc nhỏ cũng được bán với giá từ 5-6.000 đồng, rau muống từ 10.000-13.000 đồng/bó…Nghịch lý là giá đắt, nhưng mỗi bó rau, củ quả bán ra cũng nhỏ đi. “Chúng tôi nhập cao nên phải bán ra cao, chạy chợ dường như trong tình trạng “đuổi” hàng. Đến chợ Đầu mối phía Nam hay Long Biên nhập hàng, nếu không nhanh thì không có hàng để nhập”, cô Hoài ở chợ Trương Định (quận Hoàng Mai) cho hay.


Trời rét, giá rau tại ruộng tăng nhỏ giọt trong khi tư thương kiếm bộn

Trong khi giá rau xanh tại các chợ nội thành tăng mạnh trong đợt rét đậm, rét hại này thì giá rau bán tại chân ruộng chỉ tăng ở mức nhỏ giọt và rất thấp so với giá bán tại các chợ nội thành. Su hào được xuất bán tại nơi trồng ở các xã Đông Mỹ, Quốc Bảo (huyện Thanh Trì) hay huyện ngoại thành Đông Anh giá chỉ từ 3-4.000 đồng/củ, súp lơ từ 4-5.000 đồng/cái, rau muống từ 1.500-2.000 đồng/bó, rau cần thời điểm trước là 10.000 đồng/3 bó thì nay tăng lên 5.000 đồng/bó.

 Giá nhích được chút thì thời gian thu hoạch lại kéo dài gấp đôi do giá rét. Một nông dân trồng rau ở xã Đông Mỹ cho hay, nếu thời tiết thuận lợi, su hào chỉ cần 35-40 ngày là cho thu hoạch, nhưng “rét thế này thì phải 60-70 ngày mới thu hoạch được”, chị này nhấn mạnh. Bắp cải bình thường khoảng 45 ngày thì nay phải 90 ngày.

Bày tỏ nỗi niềm, một nông dân trồng rau tại huyện Mê Linh (Hà Nội) nói: Trồng rau cũng chỉ mang lại thu nhập vừa đủ, chỉ hơn cây lúa, cây ngô một chút thôi. Chúng tôi cả ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” thì chỉ kiếm được tí chút còn bao nhiêu lãi lời từ cây rau vào túi trung gian cả. “Chẳng phải vất vả chịu nắng, rét nhưng những người mua bán rau thu lời gấp đôi, gấp ba chúng tôi ấy”, nông dân này cám cảnh.

Theo Sở NN- PTNT Hà Nội, vụ đông năm nay, toàn Hà Nội gieo trồng được hơn 13.000 ha rau, do đó, chắc chắn không lo thiếu rau trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên, theo thông báo từ cơ quan Dự báo Khí tượng thủy văn, từ nay đến Tết âm lịch còn khoảng 4-5 đợt rét, nhiều khả năng, giá rau xanh tại các chợ nội thành sẽ tiếp tục tăng, chất thêm nỗi lo cho người nội trợ cũng như tăng thêm khoản tiền lãi của những tư thương mua bán rau.

Trong khi thành phố chú trọng bình ổn giá nhiều mặt hàng thì mạng lưới bán rau an toàn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân. Và người dân nội thành sẽ còn chịu cảnh “chỉ qua vài km, giá rau đã tăng gấp 3-4 lần”. Có rất ít trong số tiền chênh lệch này đến người nông dân trực tiếp chịu lạnh để chăm rau.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.