| Hotline: 0983.970.780

Rừng gỗ quý Trường Sơn bị đốn hạ: [Bài I] Vào nơi rừng 'đổ'

Thứ Ba 12/05/2020 , 08:35 (GMT+7)

Những cánh rừng già của dãy Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình bị lâm tặc khai thác trái phép và hàng chục cây gỗ quý lớn bị đốn hạ.

Gốc cây lim lớn bị cưa hạ tại tiểu khu 300. Ảnh: TP.

Gốc cây lim lớn bị cưa hạ tại tiểu khu 300. Ảnh: TP.

Khi chủ rừng gần như “bất lực” trước tình trạng này thì Quảng Bình vẫn chưa tìm ra được giải pháp để bảo vệ nguồn gỗ quý…

Trong rừng, còn nhiều phách gỗ được xẻ vuông thành sắc cạnh dài ngoằng mà lâm rặc chưa kịp lấy đi nằm ngang dọc. Nhiều cây gỗ lớn bị đón hạ còn mới tươi, mùn cưa còn bốc lên mùi thơm ngai ngái của gỗ rừng…

Còn đâu gỗ quý?

Sáng sớm. Chúng tôi đã có mặt ở đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) và rẽ vào rừng theo con đường khai thác (đường phục vụ cho việc khai thác rừng trồng và trồng rừng keo mới) gần Trạm bảo vệ rừng (BVR) số 8 của Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại (Công ty Long Đại).

Con đường ngoằn ngoèo hết lên dốc lại đổ dốc rồi băng qua ngầm nước xiết của con suối lớn. Dưới ngầm nước, đá đẫy bằng hai chiếc mũ cối úp lại nằm như xếp trận đồ.

Cứ như vậy, vượt qua bốn ngầm bê tông và tám ngầm đá thì chúng tôi đến được vùng rừng thuộc tiểu khu 300 (nằm trên địa bàn xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh). Hai bên mái núi, rừng đã bị phát trắng và cây keo lai đã được trồng lên.

Nếu tính từ Trạm BVR số 8 vào đến đây khoảng 15km đường chim bay. Đứng trên một đỉnh đồi, mắt thường thấy rõ dãy núi Năm Giàn và nơi đó là biên giới Việt - Lào. Tiểu khu này, có sự “giao thoa” giữa rừng già, rừng trồng đang được khai thác và rừng đang được trồng. Nghĩa là, bước ra khỏi bìa rừng trồng là vào đến ngõ rừng tự nhiên.

“Chính vì vậy mà việc giữ được rừng không bị phá là điều vô cùng khó khăn”,  anh Minh, một cán bộ BVR của Lâm trường Trường Sơn khó nhọc thốt lên.

Một cây gỗ hạ xuống còn nguyên trong rừng. Ảnh: TP.

Một cây gỗ hạ xuống còn nguyên trong rừng. Ảnh: TP.

Từ con đường khai thác, theo lối mòn nhỏ đi chừng hơn chục phút là đến được nơi rừng bị lâm tặc đốn hạ. Những cây gỗ lim, gõ, ráu, sến… bị lam tặc đốn hạ.

Nếu như quay một vòng tròn thì khu vực rừng bị khai thác nhiều nhất ở các địa danh rừng Phạ Thả, Xà Biên trong, Xà Biên ngoài… (thuộc lâm phần của Lâm trường Trường Sơn). Rừng ở đây được xác định trữ lượng giàu với nhiều loại gỗ quý có giá trị như lim, gõ, táu, sến… Rừng cổ thụ với cây gỗ có đường kính từ 0,5 đến 1m, cao trên chục mét.

Trước đây, xen giữa các khoảng rừng già là rừng kinh tế được trồng keo tràm. Đến nay, rừng kinh tế được khai thác theo chu kỳ. Việc kiểm soát lỏng lẻo đã để lâm tặc lợi dụng khai thác rừng trồng vào đốn hạ rừng tự nhiên. Từ những con đường phục vụ khai thác rừng trồng sẽ “đấu nối” với điểm khai thác bằng con đường nhỏ do lâm tặc đi lại nhiều lần mà thành lối. Ở bìa rừng, nếu để ý mới thấy được “rào chắn” bằng cành cây khô, nhưng phải thật để ý thì mới phát hiện ra.

Cành ngọn và bìa bắp của một cây gỗ gõ mới  bị khai thác. Ảnh: TP.

Cành ngọn và bìa bắp của một cây gỗ gõ mới  bị khai thác. Ảnh: TP.

Hồ Tâng (người dẫn đường, đã thay đổi họ tên) trèo lên con dốc nhỏ ngó nghiêng rồi bảo: Vô đây này, kiểu chi cũng có cây lớn bị đốn hạ”.

Theo con đường nhỏ phủ đầy lá khô, chúng tôi đi chưa đầy chục phút đã bắt gặp một gốc cây lớn bị đốn hạ bằng cưa xăng. Phần gốc còn lại chỉ cách mặt đất chừng hơn gang tay. Vết cắt mới, màu gỗ ở mặt cắt đỏ ối. Hồ Tâng nhìn gốc cây rồi bảo: “Đây chắc chắn là cây gỗ gõ rồi”.

Cả vạt rừng xung quanh toang hoác, nắng như xối trên đỉnh đầu. Do cây lớn, tán rậm nên khi bị đốn hạ xuống đã kéo theo hàng chục cây khác kiến cả vạt rừng loãng đi. Quanh trong khu vực cũng có ba cây gỗ lớn nữa bị đốn hạ.

“Mấy cây ni là gỗ lim”, Hồ Tâng nói. Tất cả gỗ đã được lấy đi chỉ còn lại cành ngọn và bìa bắp (phần vỏ bên ngoài).

Một điểm khai thác trái phép tại tiểu khu 300. Ảnh: TP.

Một điểm khai thác trái phép tại tiểu khu 300. Ảnh: TP.

Cắt chéo sườn núi, băng qua con khe nhỏ, chúng tôi tiếp cận một khoảnh rừng khác. Như theo một quy luật, cứ phát hiện thấy đường nhỏ, lá khô xếp ép sát do người đi lại nhiều lần là ở đó có cây gỗ bị đốn hạ. Có những cây gỗ được xẻ ra thành hộp có mặt gỗ khoảng 0,4m còn nằm dưới tán cây rừng.

Hồ Tâng bảo chỉ vài hôm nữa là người ta vào gùi đi hết. Hỏi, họ gùi (mang gỗ lên vai như bà con đeo gùi) đi miết vậy sao? Hồ Tâng lắc lắc đầu: "Không mô, họ chỉ gùi ra đến sườn dốc là lao xuống khe nước. Rồi họ nhờ nước để kéo ra. Hết khe lại gùi. Như rứa là họ đưa gỗ ra khỏi rừng”.

Theo Hồ Tâng, vùng này đồi núi bát úp có nhiều khe suối nên lâm tặc tận dụng để đưa gỗ ra mà không cần phải kêu đến trâu lĩa (trâu kéo gỗ).

Khai thác kiểu “cuốn chiếu”

Hò Tâng cho chúng tôi hay, bây giờ lâm tặc khôn hơn nhiều. Để tránh lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, họ thường khai thác ở vùng nào thì sau đó “dọn sạch” luôn dấu vết.

“Sau khi lấy gỗ ra, họ sẽ cắt bìa bắp thành đoạn ngắn, gom lại với mạt cưa, chất quanh gốc cây và đốt. Khi cán bộ đi kiểm tra thì khó phát hiện và chỉ quan sát thì xem đó là gốc cây đã khai thác trước đây nhiều năm chứ không phải dấu vết mới”, Hồ Tâng bảo vậy, đầy kinh nghiệm.

Điều này cũng đã giải thích được vì sao nhiều gốc cây đã bị đốt cháy. Thậm chí, đoạn ngọn bỏ lại cũng bị đốt cháy ở phần cưa để không còn thấy dấu vết cưa tác động vào mà chỉ là vết cháy nham nhở...

Bìa bắp cây gỗ gõ bị cắt ngắn để đốt. Ảnh: TP.

Bìa bắp cây gỗ gõ bị cắt ngắn để đốt. Ảnh: TP.

Thậm chí, khi khai thác xong một điểm nào đó, lâm tặc xới xáo lá khô trên đường để tạo dấu hiệu bình thường.

Nhiều khi, con đường đang đi thì bị mất dấu bởi có mấy cành cây khô “vô tình” chắn ngang. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải “xẻ” rừng đi tìm quanh một hồi lâu mới phát hiện ra gốc cây bị đốn hạ.

Điều lạ là dù chúng tôi đã băng qua nhiều khoảng rừng rộng nhưng chưa hề bắt gặp lán trại của lâm tặc để trú qua đêm. Hồ Tâng cho biết, bây giờ, các “đầu nậu” khôn lắm, họ kêu “thợ rừng” là những người có kinh nghiệm trong việc hạ, xẻ gỗ ở vùng Bố Trạch đi làm.

Khi hạ cây gỗ xuống, lập tức có người cắt thành khúc, có người xẻ khúc gỗ lớn ra thành phiến và nhanh chóng đưa gỗ đi. Vì vậy, lâm tặc không ngủ lại đêm trong rừng. “Lán tạm chỉ của những người khai thác gỗ rừng trồng thôi”, Hồ Tâng nói chắc nịch.

Một gốc cây lim bị lâm tặc khai thác trái phép và đốt cháy để xóa dấu vết. Ảnh: TP.

Một gốc cây lim bị lâm tặc khai thác trái phép và đốt cháy để xóa dấu vết. Ảnh: TP.

Ở một khoảnh rừng khác, cách gốc cây bị cưa hạ không xa là mấy, tấm gỗ phách còn mới. Hồ Tâng cúi xuống dùng hai tay nâng đầu một phách gỗ rồi lắc đầ: “Nặng lắm”. Rồi Hồ Tâng cứ như bần thần người: “Thấy gỗ rừng bị hạ nhiều xót bụng lắm, mà rừng thì rộng, cán bộ bảo vệ không làm sao đi hết được đâu”.

Điểm cuối của chuyến đi là nơi một khoảng rừng quang. Một cây gỗ lim có đường kính gốc gần một mét đã bị đốn ngang. Phần thân cây tròn đều, thẳng tắp nằm vắt ngược lên đỉnh dốc. Cây này bị lâm tặc cắt hạ nhưng chưa xẻ ra thành gỗ hộp. Cây gỗ lim này cũng thuộc hạng cổ thụ ở vùng rừng này.

Gỗ đã được xẻ thành phách lớn còn lại trong rừng. Ảnh: TP.

Gỗ đã được xẻ thành phách lớn còn lại trong rừng. Ảnh: TP.

Tại một số điểm cây rừng bị khai thác, chúng tôi cũng bắt gặp một số gốc, ngọn cây được đánh số ký hiệu. Những cây này đã được cán bộ bảo vệ của lâm trường kiểm tra rừng phát hiện ra và lập biên bản...

Dù có kiểm tra, có đánh dấu, rừng cổ thụ ở Trường Sơn vẫn đang bị khai thác trái phép ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau. Nghe chúng tôi bàn luận về chuyện này, Hồ Tâng cất giọng buồn buồn: “Rừng cả vùng rộng lớn ri, đi chỗ mô e cũng thấy cây gỗ quý bị đốn hạ thôi. Xót lắm thôi”.

  • Tags:
Xem thêm
Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng

Sơn La Ngày 19/11, Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng được khai trương tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, kết nối giao thương Việt Nam và Lào.

Quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi chồng chất khó khăn

Theo ông Lương Văn Anh, hồ chứa thủy lợi có vai trò quan trọng cấp nước sản xuất nông nghiệp, khai thác đa mục tiêu... Tuy nhiên, việc vận hành vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Triều cường cao nhất năm gây ngập lụt một số khu vực cửa sông

Kiên Giang Đợt triều cường giữa tháng 11 được dự báo là cao nhất trong năm 2024, đã gây ra ngập úng một số khu vực cửa sông tại Kiên Giang.