Tuy nhiên, đây lại là lõi rừng đặc dụng, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa. Hiện tuyến đường vẫn chưa thể làm xong vì vướng nhiều thứ…
Rối như canh hẹ
Từ bao đời nay, người Mông đã cư trú ở xã Háng Đồng, trước rất lâu khi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa được thành lập (2002). Tổng diện tích khu bảo tồn trên 17.000ha, nằm trải dài trên 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên.
Điểm bắt đầu tuyến đường vào bản Háng Đồng C - Làng Sáng. |
Trở lại Háng Đồng, cho tới ngày nay, hai bản là Háng Đồng C và Làng Sáng vẫn chưa có điện hay sóng điện thoại. 100% người dân sinh sống tại hai bản là người dân tộc Mông. Do địa hình dốc cao dựng đứng, nhiều thế hệ người Mông ở đây phải sống trong cảnh biệt lập khi không có đường giao thông.
Cách đây tròn 10 năm, huyện Bắc Yên phê duyệt dự án mở đường tới hai bản này, nhưng sau đó phải dừng lại một thời gian dài. Lý do là hai bản nằm trong lõi của rừng đặc dụng, rất khó để xây dựng.
Theo tính toán, nếu mở đường toàn tuyến với chiều dài 21km, chiều rộng 2,5m, rất nhiều cây rừng sẽ bị chặt hạ. Theo đó, có khoảng 22ha rừng với hơn 1.000m3 gỗ tròn quý hiếm như pơ mu, sến, táu… bị đốn hạ. Trong khi, địa phương không đưa ra được phương án thi công nào khác, chỉ dựa trên nền đất cũ của đường mòn.
Nhiều cuộc họp giữa UBND huyện Bắc Yên, xã Háng Đồng và người dân bản địa, phương án thi công tuyến đường kể trên vẫn rối như canh hẹ. Tới tháng 3/2013, UBND huyện Bắc Yên đã gửi báo cáo về những khó khăn, vướng mắc này lên cấp cao hơn là UBND tỉnh Sơn La.
Trầy trật thi công
Sau nhiều năm chìm lắng, tới năm 2017, tỉnh Sơn La mới có văn bản đồng ý cho UBND huyện Bắc Yên mở lại tuyến đường kể trên nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc BQLDA huyện Bắc Yên cho biết, ngày 24/1/2018, địa phương chính thức quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế xây dựng công trình đường giao thông từ bản Háng Đồng B - Háng Đồng C đi bản Làng Sáng. Tổng chiều dài tuyến đường là 11km, bề mặt rộng 1,5m, bê tông dày 16cm.
Tuyến đường cũ làm từ 2016 rộng 1,5m. |
Tuyến đường được xếp vào công trình giao thông nông thôn loại C, tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Theo ông Hiếu, nguồn vốn chính được lấy từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, công trình cũng được lồng ghép vốn từ các dự án 30A hay 135, nhân dân đóng góp khoảng hơn 600 triệu đồng.
Cho tới nay, tuyến đường đã thi công được 7km thì dừng lại do đợi bản Làng Sáng đang xây dựng điểm trường mầm non. Ông Hiếu cho biết, huyện đang đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành tuyến đường trước 31/12/2019. Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai, việc xây dựng đã gặp vô vàn khó khăn.
Do chỉ được mở đường 1,5m, việc vận chuyển nguyên vật liệu để thi công vô cùng khó khăn. Vật liệu được chở bằng xe tải vào gần tới, sau đó san tải sang xe lôi đưa vào công trường.
“Tỉnh chỉ phê duyệt cho làm không quá 1,5m, huyện không thể làm sai dù người dân đều có ý kiến mở rộng hơn để đi lại thuận tiện. Chúng tôi không dám đụng chạm tới rừng đặc dụng mà chỉ làm trên nền con đường mòn cũ. Tại đó kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra nên không có chuyện phá rừng làm đường”, ông Hiếu khẳng định.
Nợ dân một lời hứa
Sau rất nhiều cuộc điện thoại cũng như tới trụ sở UBND huyện Bắc Yên, chúng tôi vẫn không thể đặt lịch làm việc được với ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn gặp ông Vương Hồng Hải, Chánh văn phòng Huyện ủy Bắc Yên, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng.
Đời sống của người dân 2 bản này còn nhiều khó khăn, với gần 90% là hộ nghèo. |
Ông Hải cho biết, dù đã chuyển công tác nhưng vẫn nắm rõ tình hình ở Háng Đồng như trong lòng bàn tay. Theo ông Hải, hai bản Háng Đồng C và Làng Sáng có 170 hộ với 997 hộ dân nhưng tỷ lệ hộ nghèo tới nay giảm còn… 88,7%. Trong khi, đây luôn là điểm nóng an ninh trật tự với vấn nạn nghiện ma túy.
Nhiều năm trời, người dân hai bản kiến nghị được Nhà nước làm đường to, rộng ít nhất 2,5m, ô tô vào tận nơi. Nhưng tới nay, tỉnh Sơn La chỉ phê duyệt làm 1,5m, vừa là đường dân sinh, đồng thời là đường tuần tra, bảo vệ rừng.
Nói về lý do vì sao huyện, tỉnh nhất quyết làm con đường này dù biết vướng nhiều quy định về rừng đặc dụng, ông Hải bảo: “Cũng chỉ vì một lời hứa”. Năm 2015, 9 người dân của hai bản này sang Lào làm thổ phỉ. Sau đó, Bộ Công an phải vào cuộc, vận động người dân trở về hòa nhập cuộc sống. Tới năm 2016, 100% người dân hai bản không chịu đi bầu cử vì không có đường đi. Để an lòng dân, huyện Bắc Yên “hứa” sẽ mở đường giao thông cho người dân.
Cuối năm 2016, 6km đường từ trung tâm, rộng 2,5m đã được mở từ trung tâm xã tới thôn Háng Đồng C. Tuy nhiên, do chạm lõi rừng đặc dụng nên tiếp tục chờ đợi việc xây dựng cho tới cuối năm 2018. Ông Hải khẳng định, nếu làm toàn tuyến rộng 2,5m thì sẽ phải chặt hạ hơn 1.000 cây gỗ. Vị này cũng khẳng định, huyện đã và đang làm đúng chỉ đạo của tỉnh là mở đường 1,5m, không hề chặt hạ một cây rừng.
Một góc rừng đặc dụng Tà Xùa. |
Trong thời gian 3 ngày công tác tại huyện Bắc Yên, rất nhiều lần chúng tôi liên hệ làm việc với ông Phùng Đức Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tà Xùa về câu chuyện mở đường tại Háng Đồng. Tuy nhiên, với lý do “bận” dù hẹn đã hôm sau làm việc, ông Tuyên hẹn dịp khác cung cấp thông tin.
Qua điện thoại, ông Tuyên cho biết, công trình đường giao thông kể trên không ảnh hưởng tới diện tích rừng. Cụ thể thế nào, các nhà báo phải liên hệ với huyện vì là đơn vị chủ đầu tư mới nắm rõ được!?