| Hotline: 0983.970.780

Sacombank đối xử như thế nào với khách hàng của mình?

Thứ Năm 18/07/2024 , 14:57 (GMT+7)

Trích dẫn các điều khoản trong Hợp đồng Sacombank cho biết có quyền ‘từ chối việc gia hạn gói vay vốn’ hay là ‘quyền tự chủ của tổ chức tín dụng’…

Có tiền thì có quyền đơn phương chấm dứt HĐ tín dụng?

Kể từ thời điểm vợ chồng ông Đinh Văn C., bà Phan Thị H. (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) phản ánh việc Ngân hàng Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank – Chi nhánh Nam Định) không giữ cam kết, đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng; ép khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay…, mới đây, sau gần một năm Sacombank mới có văn bản trả lời.

Sacombank trích dẫn điều khoản HĐ để 'trói' khách hàng. (Ảnh chụp văn bản trả lời số 57).

Sacombank trích dẫn điều khoản HĐ để "trói" khách hàng. (Ảnh chụp văn bản trả lời số 57).

Cụ thể, ngày 27/6/2024, Sacombank chi nhánh Nam Định có văn bản số 57 về việc “Phản hồi Đơn đề nghị giải quyết vụ việc” của khách hàng. Sacombank chi nhánh Nam Định cho biết, về nội dung ngân hàng từ chối cấp tín dụng cho bên vay vốn thuộc “Quyền” của Ngân hàng: Được quyền quyết định, xem xét lại việc tiếp tục duy trì hoặc chấm dứt thời hạn sử dụng hạn mức đã cấp cho Bên được cấp tín dụng và thông báo cho bên được cấp tín dụng biết.

Vẫn theo Văn bản trả lời của Giám đốc Sacombank Chi nhánh Nam Định: “Do đó, khi Hợp đồng tín dụng nêu trên đến hạn tái cấp. Trên cơ sở thẩm định và đánh giá lại tình hình hoạt động kinh doanh, mục đích sử dụng vốn và nguồn trả nợ vay của khách hàng, Sacombank nhận thấy tình hình tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, trong quá trình vay vốn có phát sinh việc thanh toán nợ gốc, lãi vay trễ hạn, không đảm bảo khả năng thanh toán nợ để Ngân hàng tiếp tục duy trì hạn mức tín dụng đã cấp”.

Ngoài ra, vẫn theo Sacombank, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng cũng thuộc “Quyền tự chủ của tổ chức tín dụng”.

Những trích dẫn này thực chất là bao biện của Sacombank để rũ bỏ trách nhiệm đối với khách hàng và chỉ nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho mình. 

Ngân hàng Sacombank cũng không vận dụng chủ trương giãn nợ cho khách hàng, dù rằng ngay sau khi thu được 70 triệu tiền bán bảo hiểm của vợ chồng ông C. đích thân bà Nuyễn Đức Thạch Diễm _ Tổng Giám đốc đã gửi thư cảm ơn và khẳng định là sẽ luôn đồng hành cùng họ?

Đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: T.Bình.

Đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: T.Bình.

Câu chuyện gần một năm trước: khi gần đến thời hạn hết hạn hợp đồng gói vay tín dụng trị giá 2,7 tỷ đồng (vay đầu tư nuôi trồng thủy sản trên đầm bãi ven biển), vợ chồng ông Đinh Văn C. được nhân viên ngân hàng tư vấn “bắn” đủ số tiền vay vào Ngân hàng để đáo hạn, sau đó sẽ tiếp tục được cho vay trở lại.

Do vẫn có nhu cầu mở rộng phát triển kinh tế đồng thời tin tưởng vào những lời hứa của nhân viên Ngân hàng, vợ chồng ông C. đi vay lãi ngày để nộp cho ngân hàng đủ số tiền nói trên, bởi theo “tư vấn”, thời gian xong thủ tục đáo hạn, sau đó giải ngân cho vay lại chỉ vài ngày.

Trước đó, nhân viên của Sacombank có tên Đỗ Đức M., một người tên H. (chức vụ Trưởng phòng Kinh doanh); ông M. (chức vụ Phó giám đốc Sacombank chi nhánh Nam Định) đã xuống tận nhà vợ chồng ông C. để “vận động, thuyết phục, hứa hẹn”…

Ông C. không biết rằng, mục đích của Sacombank nhằm thu hồi số tiền 2.7 tỷ đồng từ HĐ tín dụng. Khi đã đạt mục đích, phía ngân hàng này “phủi tay”, bỏ mặc khách giữa đường với những hệ lụy phát sinh từ việc đi vay tín dụng đen, trong khi đầm bãi nuôi trồng thủy sản chưa tới kỳ thu hoạch, vẫn phải đổ tiền mua thức ăn nuôi cá mỗi tháng.

“Nếu họ gửi thông báo thanh lý HĐ và khẳng định chúng tôi không đủ điều kiện gia hạn vay vốn, chúng tôi sẽ có phương án tài chính chứ không phải đi vay lãi ngày bên ngoài. Trong khi đó, họ (Ngân hàng Sacombank) vẫn giữa bìa đỏ, giấy tờ thổ đất rộng trên dưới 600m2 của gia đình tôi, giá trị lô đất được chính ngân hàng này định giá 3,9 tỷ đồng - cao hơn số tiền đi vay, nên không có cớ gì mà họ lại lo lắng chúng tôi “trướt nợ” cả”. – ông C. bức xúc.

Sacombank “thay ngựa giữa đường” khi phát sinh vụ việc?

Ngày 1/11/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải bài viết: “Tổng Giám đốc Sacombank 'bỏ rơi' khách hàng mua bảo hiểm” liên quan tới vụ việc của vợ chồng ông Đinh Văn C., bà Phan Thị H. như đã nói ở trên.

Đến nay, ông C. khẳng định vẫn tiếp tục yêu cầu lãnh đạo Sacombank có lời giải thích việc, vì sao những khách hàng thiếu vốn để đầu tư sản xuất, những nông dân làm ăn chân chính, lương thiện như vợ chồng ông, vay vốn để sản xuất nuôi trồng thủy sản tự xóa đói giảm nghèo, giảm áp lực cho xã hội, giảm gánh nặng cho nhà nước và chính quyền địa phương…, nhưng bị chính đối tác là Ngân hàng Sacombank "lừa" nộp tiền đáo hạn hợp đồng, để rồi sau đó lại quay lưng với khách hàng của mình.

Sacombank chi nhánh Nam Định trong lễ khai trương ngày 23/10/2019. Ảnh: Sacombank.com.vn.

Sacombank chi nhánh Nam Định trong lễ khai trương ngày 23/10/2019. Ảnh: Sacombank.com.vn.

Như báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, trước đó, để được vay vốn,  ông Đinh Văn C. phải “tự nguyện” mua gói bảo hiểm nhân thọ là 70 triệu đồng/năm.

Mặc dù không có nhu cầu mua bảo hiểm. Bản thân vì thiếu vốn làm ăn nên ông C. mới phải thế chấp đất đai, nhà cửa vay vốn ngân hàng…  Cần tiền vốn như thế thì ông mua bảo hiểm làm gì?

“Tiền vốn vay là 2,7 tỷ đồng nhưng thực nhận về là 2,63 tỷ, vì 70 triệu đã bị khấu trừ vào HĐ bảo hiểm nhân thọ nói trên” – bà H., vợ ông C. cho hay.

Thế nhưng, ngân hàng lại cho rằng ông C. kí Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life mà Sacombank đang độc quyền phân phối là hoàn toàn "tự nguyện". Thật hài hước!

Khi tìm hiểu về gói HĐ này, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi thời hạn đáo hạn gói bảo hiểm nhân thọ này tới tận năm… 2072, khi đó khách hàng Đinh Văn C. đã 99 tuổi (ông C. sinh năm 1973); số tiền khách hàng phải tham gia (vào gói bảo hiểm) lên tới 800 triệu đồng. Với người nông dân, nhất là những người phải mang bìa đỏ nhà đất để thế chấp vay vốn sản xuất - đó là một món tiền khổng lồ, không ai thừa tiền để đầu tư vào một thứ mà họ không hiểu biết!  

Tuy nhiên, vẫn tại văn bản phản hồi trả lời khách hàng vào ngày 27/6/2024 mới đây, Sacombank chi nhánh Nam Định tiếp tục cho rằng, đó là do khách hàng… tự nguyện. Điều này hoàn toàn trái ngược với những thông tin mà vợ chồng ông C. khẳng định.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cuối năm 2023, nhân sự cấp cao tại Sacombank chi nhánh Nam Định đã có sự thay đổi. Ông Nguyễn Xuân Cường – GĐ chi nhánh (tại vị từ năm 2019 đến nay) đã được điều chuyển công tác. Thay thế ông Cường là ông Nguyễn Thế Huy (SN 1977) đảm nhiệm thay, đồng thời tiếp nhận lại những sự vụ “lùm xùm” từ người tiền nhiệm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất