| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 04/11/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 04/11/2015

Sai, nhưng… không biết ai sai?

Báo cáo về quản lý cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ vừa gửi đến Quốc hội, đã làm “nóng” dư luận.

Theo đó, trong 2 năm qua, đã có 30 cuộc thanh, kiểm tra được tiến hành tại 15 Bộ, ngành và 18 UBND các tỉnh, thành, và đã phát hiện rất nhiều sai sót, tồn tại, như chỉ tiêu biên chế hành chính hằng năm vượt chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao, có tỉnh còn giao chỉ tiêu “biên chế địa phương” cho các cơ quan, đơn vị.

Vẫn có việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và của đơn vị, như chưa đáp ứng trình độ chính trị, trình độ đại học, không kê khai tài sản, đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật, quá tuổi bổ nhiệm lần đầu, thực hiện không đúng quy trình, thủ tục bổ nhiệm.

Sai sót tiếp theo là hồ sơ bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các đơn vị còn chưa đầy đủ thủ tục. Số lượng cấp phó vượt quá quy định…

Toàn là những sai sót nghiêm trọng cả. Thế nhưng, điều làm dư luận “phát sốt” chính là việc báo cáo đã không nêu tên bất cứ một Bộ, ngành hay một UBND tỉnh, thành nào.

Báo cáo của một Bộ trình Quốc hội, nêu hàng loạt sai sót về công tác quản lý cán bộ, công chức, một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu của xã hội (mọi việc thành hay bại đều do yếu tố con người quyết định), nêu hàng loạt sai sót, mà lại không chỉ ra sai sót nào thuộc về Bộ, ngành hay UBND tỉnh, thành nào, thì lạ thật.

Báo cáo như thế sẽ dẫn đến hai hậu quả. Thứ nhất là ngay chính Bộ Nội vụ cũng không biết cơ quan nào, UBND tỉnh, thành nào nào sai sót ở những điểm nào, để mà yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục. Và hai là đặt Quốc hội vào trong một biển sương mù, không biết đằng nào mà giám sát, để sau một thời gian, kiểm tra lại xem cơ quan nào, UBND tỉnh, thành nào đã chấn chỉnh, khắc phục những sai sót của mình được đến đâu.

Bộ máy hành chính của ta hiện đã phình quá to, và có nguy cơ còn phình to hơn nữa, đến mức ngân sách không chịu nổi do phải chi thường xuyên quá lớn, đến mức phải vay của Ngân hàng nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng để bù đắp thiếu hụt do bội chi. Và không còn tiền trả nợ nước ngoài, phải vay nợ mới của nước ngoài để “đảo” nợ cũ.

Một bộ máy hành chính mà có đến 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như lời nhận xét của một vị lãnh đạo. Hàng chục lần hô hào giảm biên chế, nhưng rút cuộc chẳng giảm được ai, bởi chẳng có ai mắc khuyết điểm, và cuối năm ai cũng là “lao động tiên tiến” cả.

Một bộ máy cán bộ, công chức phình quá to, khiến lương của cán bộ, công chức rất thấp, và đã 3 năm nay Chính phủ không có tiền để tăng hệ số lương tối thiểu, trong khi nhu cầu của cuộc sống thì ngày càng cao. Để bù đắp vào những thiếu hụt đó, thì cán bộ, công chức chỉ còn cách duy nhất là “xoay” người dân, “xoay” doanh nghiệp. Hậu quả là tham nhũng, nhận hối lộ tràn lan.

Để xảy ra những điều đó, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Nội vụ, với trách nhiệm được Chính phủ giao là cơ quan quản lý, điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trên cả nước.