| Hotline: 0983.970.780

Săn chuột đồng

Thứ Năm 03/11/2011 , 09:52 (GMT+7)

Mới đây, chúng tôi đã về xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) để tham gia săn chuột cùng nông dân.

Lâu nay, nhắc đến chuột đồng người ta nghĩ ngay đến miền Tây, vựa lúa ĐBSCL. Nhưng không hẳn thế, vào mùa nước nổi, những cánh đồng lúa ở miền Đông cũng lúc nhúc chuột đồng béo múp. Mới đây, chúng tôi về xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) để tham gia săn chuột cùng nông dân.

NHỘN NHỊP ĐÊM SĂN

Phước Chỉ là một trong 3 xã biên giới phía tây của huyện Trảng Bàng, nằm ven sông Vàm Cỏ Đông. Vào mùa nước nổi (khoảng giữa tháng 8 đến giữa tháng 11 âm lịch hằng năm), hơn 3/4 đồng ruộng ở Phước Chỉ lênh láng nước. Anh Nguyễn Thành Nhân, Trưởng ấp Phước Giang, cho biết: “Phước Chỉ mùa này chỉ trồng được một diện tích lúa nhỏ, phần lớn bị ngập nước. Các anh tính, diện tích thu hẹp, trong khi lũ chuột từ khắp nơi dồn. Nếu không diệt chuột thì đến lúc thu hoạch chẳng còn được bao nhiêu".

Theo chỉ dẫn của anh Nhân, buổi chiều chúng tôi sang ấp Phước Dân, tìm gặp “đội trưởng” đội săn chuột khét tiếng là lão nông Phạm Văn Cống. Chúng tôi đến nhà đúng lúc ông Cống đang cùng các chiến hữu trong đội săn ngồi lai rai với đặc sản chuột. Mọi người ríu rít mời chúng tôi cùng tham gia. Những ly rượu đế thơm lừng, còn mồi nhậu là chuột đồng nướng mọi, tẩm gia vị nướng than, xào lăn, xào cà ri, xáo măng. Mùi thịt nướng thơm phức.

 Anh Hồ Văn Thanh, chủ một quán ăn trong ấp, ra góp vui bằng một chú chuột “khủng”. Anh Thanh cho biết: “Đây là chuột cống nhung, một “sát thủ” của lúa và hoa màu. Mấy anh ăn thử đi, thịt ngon hơn cả thịt gà”. Chúng tôi rón rén nếm thử, quả đúng như lời anh Thanh, thịt chuột cống ở ruộng vừa dai, vừa ngọt lại rất thơm. Sau một tuần rượu, ông Cống bảo chúng tôi: “Các anh muốn đi săn chuột thì chiều nay 6 giờ đi cùng chúng tôi”.

Đúng 6 giờ chiều, đội săn chuột lên đường. Đồ nghề đi săn là 100 mét lưới mành mành (loại lưới nhỏ dùng để quây vịt), 100 mét dây thừng buộc đầy vỏ lon bia, bên trong nhét những viên đá nhỏ để tạo âm thanh, một đoạn ống nhựa dài 5m, đường kính 10cm và một chiếc rọ lưới sắt. Ra tới ruộng lúa, ông Cống bảo những thanh niên căng lưới khép góc hai bờ thửa ruộng tạo thành góc vuông. Đoạn ống nhựa được đặt tại góc vuông này. Đây sẽ là đường chạy của chuột khi bị dồn vào góc ruộng. Đoạn cuối của ống nhựa là chiếc rọ.

Sau khi giăng lưới, đóng cọc cố định, đã gần 6 giờ rưỡi tối, ông Cống phát lệnh dồn chuột. Đèn pin ở các góc ruộng bật sáng. Gần chục người cầm dây thừng có gắn vỏ lon bia kêu xủng xoảng, tiếng la hét vang trời. Đàn chuột ăn đêm ngơ ngác, hoảng loạn, những đám lúa rung bần bật bởi đàn chuột quáng quàng rẽ lối chạy.

Khi đội quân săn chuột tiến sát đến góc ruộng, trong ánh sáng loang loáng của đèn pin, chúng tôi nhìn rõ đàn chuột chạy lào xào như lũ vịt bị lùa xuống nước, chuột chạy đâm vào chân người, chạy xô vào vách lưới. Vòng vây khép góc, đàn chuột hàng trăm con nháo nhào chạy vào đường ống nhựa rồi chui thẳng vào rọ. Chiếc rọ lúc nhúc những chuột đồng vàng rươm, béo mượt.

Kết thúc một đợt truy quét, mọi người khiêng rọ chuột lên, ước chừng hơn 40 ký. “Lồng chuột này cả triệu bạc đấy”, ông Cống nói. Một người được phân công chuyển chiến lợi phẩm về nhà. Còn lại tranh thủ ngồi nghỉ, chuẩn bị đợt truy quét tiếp theo.

MỘT CÔNG ĐÔI VIỆC

Nhờ các đội săn chuột hoạt động rầm rộ mà diện tích lúa thu - đông trên gò cao đã được giải. Ban ngày, nhịp sống trở lại bình thường. Bà con có ruộng ngập thì đi đăng cá, kiếm việc làm thêm. Nhà ai ruộng không ngập thì đi thăm lúa, đặt bẫy chuột.

Anh Huỳnh Văn Thao, ấp Phước Thuận, trở thành thợ săn chuột từ một nguyên cớ rất tình cờ. Anh dẫn chúng tôi ra thửa ruộng rộng 3 công của anh. Nhờ ruộng ở trên gò cao nên mùa nước nổi không bị ngập, lúa đã chuẩn bị thu hoạch thì đàn chuột “tránh lụt” kéo lên phá nát. Lúa bị chuột phá, thiệt hại ước hơn một nửa. Đứng trên bờ ruộng nhìn xuống, đường chuột chạy rẽ ngang rẽ dọc như mắc cửi, lúa bị cắn nham nhở.

+ Ông Trần Văn Rơ, Bí thư ấp Phước Giang, xã Phước Chỉ, cho biết: “Năng suất lúa của Phước Chỉ tương đối khá, bình quân 5 tấn/ha. Nhưng chủ yếu làm 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Vào mùa này (vụ Thu Đông), nước nổi nên chỉ những nơi cao mới làm được, mà bị chuột “chạy lụt” ở các nơi dồn về phá dữ quá. Nhờ phong trào săn chuột rầm rộ của bà con mới phần nào “cứu vãn” được những đám lúa trên gò cao”.

+ “Ban đầu bà con đi săn chuột chủ yếu để bảo vệ lúa, hoa màu. Nhưng sau này, chuột đồng không chỉ được dân nhậu ưa thích mà còn là thức ăn nhiều dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình. Chính vì thế, chuột đồng đã trở thành đặc sản.

Bây giờ, bà con nông dân ở Phước Chỉ, bất kể đàn ông hay đàn bà, ai đi ra ruộng cũng không quên xách theo chiếc bẫy lồng. Lúc rảnh, tôi cũng đi đặt bẫy, trung bình một đêm cũng gom được 4- 5 ký chuột. Thương lái đến tận nơi mua với giá 25.000 đồng/ký, kiếm trăm ngàn khỏe re”, anh Nhân nói.

Anh Thao đã cùng những người có kinh nghiệm săn chuột mở chiến dịch truy quét. Nhờ vậy đám ruộng còn lại đã được giải cứu. Mỗi lần ra quân như thế, anh bắt đến vài chục ký chuột, bán tại chỗ với giá rẻ cũng được từ vài trăm đến cả triệu. Anh Thao cười nói: “Chuột đồng đang hút hàng lắm, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Anh em đi săn, có chuột bán lấy tiền mà nhiều khi còn được bà con “bồi dưỡng” thêm vài trăm vì cứu lúa của họ khỏi bị chuột phá”.

Anh Tô Đức Thuận, ấp Phước Dân, có 1 mẫu ruộng trên gò. Ruộng nhà anh không bị ngập nên trở thành điểm “chạy lụt” của chuột. Chúng cắn phá khủng khiếp. Anh không phải dân đi săn chuột chuyên nghiệp nên chỉ điểm cho đội săn chuột đến bắt, anh Thuận cùng nhiều bà con tham gia bằng cách hò hét, cổ vũ. Khí thế tưng bừng như ngày hội khiến mọi người quên phéng cái gió lạnh trên cánh đồng đêm. Một thôn nữ vừa cười nghiêng ngả vừa cất giọng hồn nhiên: “Bữa nay cho chuột chạy rối giò luôn”.

Đợt truy quét kết thúc, chủ quán Thanh đã chuẩn bị vài món nhắm sẵn để khao quân. Kết thúc một đêm săn, đội của ông Cống thu gom được hơn 60 ký chuột. Sau khi bán cho thương lái, anh em trong đội chia nhau mỗi người được hơn trăm ngàn.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.