Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) hôm qua cho biết, nhu cầu cao su giảm đang đẩy ngành công nghiệp nuôi sống hàng chục triệu người đối mặt khủng hoảng.
Tình cảnh trớ trêu hiện nay đối ngược hoàn toàn với những dự báo của ANRPC hồi đầu năm nay khi cho rằng cả khu vực sản xuất và tiêu dùng cao su đều sẽ tăng lần lượt là 3,8% và 2,7% trong năm 2020, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là ở quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn số 2 thế giới Indonesia vì “chết theo” ngành công nghiệp xe hơi.
"Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành cao su thế giới vào một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng vài thập kỷ qua và đã khiến các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi giá trị lâm vào tình trạng hỗn loạn", R. B Premadasa, tổng thư ký ANRPC nói.
Mở đầu cuộc khủng hoảng này là nhà sản xuất lốp xe ô tô lớn nhất thế giới Bridgestone tuyên bố cắt giảm sản lượng do đại dịch và sau đó là nhiều công ty Nhật Bản cũng buộc phải đóng cửa các nhà máy vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm.
Theo dự tính của ANRPC, sản lượng cao su của Indonesia sẽ giảm 12,6% xuống còn 2,9 triệu tấn trong năm nay, trong khi nhà sản xuất số 1 thế giới là Thái Lan cũng có thể chứng kiến sản lượng giảm 0,9%.
Tính chung sản lượng cao su toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 4,7% xuống còn 13,13 triệu tấn.
Riêng lượng nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới năm nay có thể giảm tới 5,1% so với năm ngoái, chỉ còn 4,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu ở Ấn Độ xếp thứ hai đồng thời cũng là nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới còn có thể giảm tới 21,3% vì đại dịch.