Theo trang worldstopexports.com, doanh số giá trị thị trường cao su toàn cầu trong năm ngoái cho thấy, mức giảm trung bình là âm 1,2% kể từ năm 2015 khi mặt hàng cao su tự nhiên vào thời điểm đó đạt trị giá 13,2 tỷ USD. Tiếp đó trong giai đoạn từ 2018 đến 2019 lại giảm tiếp 0,5%.
Xét về vị trí địa lý, các nước châu Á đã xuất khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tương đương 82,3% nguồn cung thế giới tiếp đến là các nước châu Phi chiếm 11%, trong khi châu Âu chiếm 5% và còn lại là khu vực Mỹ Latinh chiếm 1,2% …
Dưới đây là 15 quốc gia xuất khẩu cao su tự nhiên đạt giá trị cao nhất trong năm ngoái: Thái Lan: 4,1 tỷ USD (31,5%); Indonesia: 3,9 tỷ USD (29,8%); Bờ Biển Ngà: 1,1 tỷ USD (8.4%); Việt Nam: 998,1 triệu USD (7,6%); Malaysia: 910,9 triệu USD (6,9%); Myanmar: 276,3 triệu USD (2,1%); Lào: 259,7 triệu USD (2%); Bỉ: 215,9 triệu USD (1,6%); Liberia: 146,1 triệu USD (1,1%); Guatemala: 144,8 triệu USD (1,1%); Singapore: 99,2 triệu USD (0,8%); Hà Lan: 96,2 triệu USD (0,7%); Pháp: 92,5 triệu USD (0,7%); Đức: 88 triệu USD (0,7%); Luxembourg: 79,4 triệu USD (0,6%)
Các quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao su tự nhiên nhanh nhất kể từ năm 2015 đến nay gồm: Lào (tăng 327,9%), Myanmar (tăng 136,8%), Bờ Biển Ngà (tăng 121,1%) và Bỉ (tăng 62,4%).
Ở chiều ngược lại, năm quốc gia bị giảm doanh số xuất khẩu là: Đức (giảm 63,6%), Thái Lan (giảm 16,9%), Singapore (giảm 12,6%), Malaysia (giảm 12,2%) và Việt Nam (giảm 6,4%).
Giới phân tích thị trường dự báo, giá mủ cao su sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên kể từ đầu năm đến nay lượng xuất khẩu cao su của Campuchia đã bất ngờ tăng trưởng 10% trong quý I, bất chấp khó khăn từ đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Bộ Nông lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, năm 2019 Campuchia đã xuất khẩu 282.071 tấn cao su khô, đạt trị giá 377 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018. Mặc dù giá cao su năm nay giảm nhưng quý I năm nay, ngành cao su Campuchia đã xuất khẩu đạt 53.057 tấn với mức giá trung bình là 1.394 USD/tấn (giảm 1,2%), tổng giá trị đạt khoảng 74 triệu USD. Giới chuyên gia nước này cho biết, giá cao su có thể sẽ giảm từ 1.300 USD xuống còn 1.100 USD mỗi tấn trong năm nay do các tác động của đại dịch Covid-19 gây gián đoạn thương mại xuyên biên giới.
Hiện Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu cao su lớn nhất của Campuchia, đồng thời cũng là nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, chiếm 41% tổng sản lượng toàn cầu. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu cao su quan trọng khác của Campuchia là Malaysia, Việt Nam và Singapore.
Hiện Campuchia có 405.485 ha đồn điền cao su, trong đó có tới 250.750 ha đang trong chu kỳ khai thác.