Nông dân Nguyễn Xuân Cân ở xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) bán ốc bươu vàng tại điểm thu mua lưu động. |
Nông dân Nguyễn Xuân Cân (60 tuổi) ở thôn Quang Quang, xã Nhơn Khánh (TX An, Bình Định), mấy tháng nay ngày nào cũng bám trụ ngoài những cánh đồng trơ gốc rạ chờ gieo sạ vụ ĐX 2019 – 2020 để bắt ốc bươu vàng. Công việc nghe có vẻ “chơi chơi” nhưng đã cho ông Cân nguồn thu nhập đáng kể.
“Tôi bắt ốc bươu vàng suốt 2 năm nay, ngày nào tôi cũng rong ruổi ngoài đồng. Thời điểm ruộng chưa gieo sạ thì bắt được nhiều hơn, mỗi ngày 50kg. Khi ruộng đã gieo sạ thì bắt được ít hơn, 30kg/ngày.
Năm ngoái ốc bươu vàng bán được đến 8.000đ/kg, năm nay 6.000đ/kg, thế nhưng mỗi ngày bắt được 50kg tôi cũng kiếm được 300.000đ. Do có thu nhập nên mấy năm nay dân cả xóm 5 thôn Quang Quang quê tôi đều kéo nhau đi bắt ốc bươu vàng, nhiều người mỗi ngày kiếm cả triệu đồng”, ông Cân bộc bạch.
Phong trào bắt ốc bươu vàng lan rộng khắp nơi. Từ nhiều năm qua, ban ngày vợ chồng ông Ngô Hữu Chính ở thôn Vạn Phước Đông, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) làm chuyện nhà, tối tới, từ 18 - 23 giờ vợ chồng ông dắt nhau đi bắt ốc bươu vàng. Bình quân mỗi đêm bắt được 150 - 170kg ốc, với giá bán bình quân hiện nay là 6.000đ/kg, vợ chồng ông kiếm ít nhất cũng được 900.000đ.
Thương lái thu gom ốc bươu vàng. |
“Cao tay” hơn, ông Phạm Thanh cũng ở thôn Vạn Phước Đông nhờ bắt ốc bươu vàng mà nuôi được con cái ăn học, nên ông được dân làng gắn cho cái tên là anh “Ba Ốc”. Theo ông Thanh, “đồ nghề” bắt ốc bươu vàng không có gì nhiều, chỉ cần chiếc đèn đội trên đầu sử đụng điện bình ắc quy cùng bao và vợt.
Vợ chồng ông Thanh không chỉ bắt ốc ở những cánh đồng huyện nhà, mà còn “cơm ăn cơm dỡ” đi bắt khắp tỉnh, thậm chí ra tỉnh ngoài. “Năm ngoái, có thời điểm ốc bươu vàng được thương lái thu mua đến 8.000đ/kg, mỗi đêm vợ chồng tôi kiếm hơn 1,5 triệu đồng. Nhờ vậy mới nuôi nổi mấy đứa con ăn học, chứ chỉ trông vào mấy sào ruộng thì không thể”, ông Thanh chia sẻ.
Từ 1 – 2 hộ đi bắt ốc bươu vàng ban đầu, đến nay ở thôn Vạn Phước Đông có đến 30 – 40 hộ tham gia, có hộ đi đến 2 – 3 người. Những người bắt ốc bươu vàng “chuyên nghiệp” thường đi khảo sát địa bàn trước, nơi nào có lau lách nhiều, trứng ốc dày thì đó là “vùng đất hứa” và đêm đó triển khai kéo người nhà đến địa điểm ấy “đánh” ngay và sẽ chắc thắng.
1 trong 2 điểm thu mua ốc bươu vàng ở xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) là của bà Nguyễn Thị Nhị. Bà Nhị còn mua cả ốc của người dân các xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Tài mang vào bán. Lúc cao điểm, mỗi ngày bà mua 3 tấn ốc, ngày bình thường 2 tấn. Thu mua đủ số lượng, bà Nhị chở vào các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận bán cho các cơ sở chế biến thức ăn thủy sản và gia cầm.
Nhiều thương lái còn tổ chức thu mua lưu động. Như vợ chồng chị Hà, người ở huyện Tuy Phước, cứ chiều đến là 2 vợ chồng đánh chiếc xe tải nhỏ lên xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) thu mua ốc. Ngày nhiều vợ chồng chị Hà thu mua được hơn 1 tấn, ngày ít cũng 5 – 7 trăm ký.
Mỗi ngày vợ chồng chị Hà thu mua hơn 1 tấn ốc bươu vàng. |
Ốc bươu vàng của vợ chồng chị Hà thu mua được chở vào TX Sông Cầu cung ứng cho hoạt động nuôi thủy sản lồng bè.