| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP 'đánh thức' vùng đất bazan

Thứ Tư 23/11/2022 , 06:03 (GMT+7)

Với các chứng nhận OCOP, sản phẩm cà phê, mắc ca của vùng đất bazan được nâng tầm giá trị và phổ biến đến thị trường trong, ngoài nước.

Sao OCOP từ những vườn cây

Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nằm trên cao nguyên Di Linh với độ cao khoảng 1.000m so với mặt nước biển. Huyện Di Linh là vùng đất bazan màu mỡ với các tiểu vùng thời tiết, khí hậu thích hợp phát triển các loại cây công nghiệp mà đặc biệt là cây cà phê.

DSC_4878

Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, mắc ca, sầu riêng, bơ… và sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị cho các nông sản này. Ảnh: Minh Hậu.

Những năm qua, cùng với việc tập trung sản xuất, huyện Di Linh đã tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử của vùng đất bazan. Ông Vũ Hồng Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Di Linh chia sẻ, Di Linh có lợi thế phát triển cà phê, mắc ca, sầu riêng, bơ… Do vậy, sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, đánh thức tiềm năng của huyện và đưa sản phẩm đặc thù của huyện đến gần hơn với người tiêu dùng.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến hết tháng 8/2022, toàn huyện có khoảng 33 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó có 12 sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng, phân hạng với chứng nhận từ 3 đến 4 sao. Hiện nay, huyện có 2 sản phẩm cà phê, 2 sản phẩm mắc ca và một sản phẩm cây trang trí được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

DSC_4894

Huyện Di Linh hiện có 2 sản phẩm cà phê, 2 sản phẩm mắc ca và một sản phẩm cây trang trí được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

"Hiện tại, huyện Di Linh đang đề xuất tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đối với 3 sản phẩm sầu riêng, 2 sản phẩm cà phê, một sản phẩm bưởi da xanh và một sản phẩm mật ong", ông Long cho biết.

Song song với việc hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, huyện Di Linh cũng tập trung hỗ trợ về xúc tiến thương mại. Theo đó, thời gian qua huyện Di Linh đã tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm dịch vụ nông nghiệp, nông sản thực phẩm chất lượng cao, sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Năm 2019, huyện Di Linh đã hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP tham gia quảng bá tại Tuần lễ văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng; tham gia triển lãm tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng; tham gia triển lãm tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn quốc do Trung ương tổ chức tại tỉnh Nam Định.

Năm 2020, huyện Di Linh cũng hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP tham gia triển lãm tại hội nghị nông nghiệp hữu cơ tỉnh Lâm Đồng; năm 2021 huyện Di Linh phối hợp với Bưu điện huyện Di Linh khảo sát và đưa 8 sản phẩm gồm mắc ca, cà phê, sầu riêng… lên sàn giao dịch điện tử Posmart. Riêng năm 2022, huyện Di Linh hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa sản phẩm tham gia triển lãm tại hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại các sự kiện, đặc biệt lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX – Năm 2022.

DSC_4604

Sản phẩm cây tráng trí của gia đình bà Vũ Thị Thu (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Xây dựng 2 điểm trưng bày sản phẩm OCOP

Ông Vũ Hồng Long khẳng định: "Sản phẩm của các đơn vị tham gia chương trình OCOP đã được sự quan tâm của khách hàng, các nhà phân phối, siêu thị, các đại lý trong và ngoài tỉnh. Thông qua chương trình OCOP, các đơn vị đã cải thiện quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ, máy móc vào sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng nông sản. Cũng thông qua chương trình này, các chủ thể đã tích cực tạo thương hiệu sản phẩm, nghiên cứu và mở rộng thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm".

Trong giai đoạn 2022 – 2025, huyện Di Linh tiếp tục triển khai chương trình OCOP để khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn và đặc biệt nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Di Linh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm đề nghị xét công nhận thêm từ 3 sản phẩm trở lên đạt tiêu chuẩn OCOP 3 – 5 sao và phát triển được 40 sản phẩm OCOP, trong đó 25 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.

DSC_4924

Sản phẩm cà phê honey của gia đình ông Trịnh Tấn Vinh, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, huyện đẩy mạnh quảng bá và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các nông sản chủ lực, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm. Huyện Di Linh cũng phấn đấu hình thành 2 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện. "Huyện Di Linh đang hướng đến tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của các xã. Đồng thời tập trung ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ với hợp tác xã, doanh nghiệp", ông Vũ Hồng Long nói. 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất