| Hotline: 0983.970.780

Đà Lạt đưa đặc sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ Sáu 18/11/2022 , 08:09 (GMT+7)

Chương trình OCOP đã giúp người dân tổ chức sản xuất khoa học, đặc biệt "biến" đặc sản địa phương thành hàng hóa chất lượng cao tham gia vào chuỗi giá trị của thị trường.

Gắn sao cho đặc sản

Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm. Đây cũng là điều kiện lý tưởng trong việc hình thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú với các sản phẩm rau, hoa, dược liệu… mà ít nơi nào có được. Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, thành phố Đà Lạt đã tập trung xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thông qua chương trình này, những sản vật của địa phương một lần nữa được nâng tầm, gia tăng về giá trị. Đặc biệt các sản phẩm tạo được sự độc đáo, dấu ấn riêng và mang bản sắc văn hóa, lịch sử của xứ sở sương mù.

DSC_4347

 Thời gian qua, thành phố Đà Lạt đã thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, thời gian qua, thành phố đã thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, chính quyền địa phương đã trực tiếp xây dựng các nội dung, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện thủ tục về sản phẩm, hỗ trợ các chủ thể tổ chức sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, đạt tiêu chuẩn về đóng gói, nhãn mác, tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Số lượng các chủ thể, sản phẩm được hỗ trợ các giải pháp như đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc, hỗ trợ bao bì, tem truy xuất là 11 đơn vị.

Ông Trần Phú Lộc, giám đốc doanh nghiệp tư nhân chế biến nông sản Shin Sang, phường 3, thành phố Đà Lạt thổ lộ, doanh nghiệp là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất sản phẩm hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản. Từ năm 2019, doanh nghiệp được chính quyền thành phố Đà Lạt hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP và thông qua đó giá trị sản phẩm được nâng cao, được quảng bá rộng rãi hơn.

ocop da lat

Đặc sản cà phê Moka của Đà Lạt do Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ DALATA sản xuất đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Ông chia sẻ: "Hiện nay sản phẩm hồng treo gió công nghệ Nhật Bản của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư mở rộng nhà xưởng chế biến, nâng cấp trang thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực sản xuất. Tiếp đến là đăng ký nâng hạng sản phẩm hồng treo gió lên 5 sao", ông Lộc nói và cho biết thêm, với OCOP, đặc sản hồng treo gió được gắn sao sẽ tăng sức cạnh tranh, tạo được niềm tin cho khách hàng. Hiện nay, sản phẩm hồng treo gió công nghệ Nhật Bản của Shin Sang có giá từ 450.000 – 500.000 đồng/kg và nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tương tự, năm 2021, ông Đỗ Văn Ẩn, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ DALATA, phường 3, thành phố Đà Lạt cũng được thành phố hỗ trợ phát triển OCOP với sản phẩm cà phê. Theo đó, các sản phẩm cà phê Arabica 3 in 1, Arabica 2 in 1, Robosta 2 in 1 và đặc biệt là đặc sản cà phê Moka đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

DSC_4291

Sản phẩm hồng treo gió công nghệ Nhật Bản của doanh nghiệp Shin Sang đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Đỗ Văn Ẩn chia sẻ: "Các sản phẩm cà phê được chứng nhận 4 sao đã giúp chúng tôi tạo được sự tin cậy của khách hàng. Hiện nay, các sản phẩm của chúng tôi mà đặc biệt là cà phê đặc sản Moka đang được tiêu thụ rộng khắp ở các tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Ninh Bình, Đà Nẵng, Phú Quốc". Cũng theo ông Ẩn, nhờ các sản phẩm cà phê được gắn sao OCOP nên việc phát triển thị trường trên các sàn thương mại điện tử cũng thuận lợi.

Sản phẩm OCOP tham gia chuỗi giá trị

Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP của 24 đơn vị. Qua đó có 57 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao. Trong đó 2 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao, 3 sản phẩm đang chờ Trung ương xét công nhận 5 sao, 37 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao.

"Các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt, ít nơi nào có được như hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, Astiso, cà phê, dâu tây, đông trùng hạ thảo…", ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt chia sẻ.

DSC_0549

Các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt, ít nơi nào có được như dâu tây, hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, Astiso, cà phê, đông trùng hạ thảo… Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Cứ, chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao giá trị sản xuất. Thông qua chương trình, người dân đã tổ chức sản xuất một cách bài bản, khoa học và đặc biệt là biết cách "biến" sản phẩm đặc thù, đặc sản của địa phương thành hàng hóa chất lượng cao để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thành phố Đà Lạt xác định, thời gian tới, OCOP là một trong những chương trình quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Do vậy, trong năm 2023 sẽ tiến hành hỗ trợ phát triển và nâng cấp sản phẩm OCOP cho 9 đơn vị với kinh phí 1,595 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,1165 tỷ đồng, các chủ thể đối ứng 478,5 triệu đồng.

Thành phố Đà Lạt sẽ phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng khảo sát, hỗ trợ xây dựng 9 điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn, đồng thời tổ chức đánh giá phân hạng ít nhất 20 sản phẩm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm. Ngoài ra thành phố cũng phối hợp với Sở KH- CN Lâm Đồng hỗ trợ đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP. Đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.  

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.