| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP mang thu nhập tốt cho người dân vùng cao

Thứ Ba 12/12/2023 , 09:36 (GMT+7)

BẮC KẠN Các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn làm ra hàng trăm sản phẩm OCOP, tạo việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao, khu vực nông thôn.

HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) khởi đầu là tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng với 10 thành viên. Nhận thấy tại địa phương có những sản phẩm truyền thống như lạp sườn, thịt lợn treo gác bếp, quả mắc mật sấy khô, quả bí xanh thơm... nhưng chủ yếu chỉ bán nhỏ lẻ, giữa năm 2018, HTX Nhung Lũy được thành lập và đăng ký các sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Sản phẩm nước uống chế biến từ quả bí xanh thơm Ba Bể được du khách đánh giá cao. Ảnh: Ngọc Tú.  

Sản phẩm nước uống chế biến từ quả bí xanh thơm Ba Bể được du khách đánh giá cao. Ảnh: Ngọc Tú.  

Đến năm 2023, HTX Nhung Luỹ đã có 4  sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao và 2 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Hiện HTX đã có 20 thành viên chính thức, thu nhập của các thành viên đạt khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Để mở rộng quy mô, HTX đã thành lập 36 tổ hợp tác với 400 thành viên (trong đó có 164 hộ nghèo, cận nghèo) liên kết trồng nguyên liệu. Các hộ tham gia liên kết được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm tạo nguồn thu nhập ổn định.

Sau hơn 5 năm triển khai, huyện Ba Bể đã có 34 sản phẩm OCOP (trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh). Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.

Năm 2023, huyện Ba Bể có có 2 sản phẩm đủ điều kiện nâng hạng sao, 15 sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP. Trong đó nổi bật là 2 sản phẩm miến dong Yến Dương và gạo Nếp Tài của HTX Yến Dương. Riêng sản phẩm gạo Nếp Tài đã đạt sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN.

Để có vùng nguyên liệu ổn định, HTX Yến Dương đã liên kết với người dân thôn Phiêng Phàng trồng lúa Nếp Tài. Các hộ tham gia được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, kỹ thuật ủ phân, toàn bộ sản phẩm được HTX tiêu thụ. Năm nay, một kg gạo Nếp Tài bán được 30.000 đồng, mang lại nguồn thu nhập khá cho hàng chục hộ.

Chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm OCOP mang lại thu nhập khá cho người dân thôn, bản vùng cao. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm OCOP mang lại thu nhập khá cho người dân thôn, bản vùng cao. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết, trước đây bà con phải mang gạo đi bán ở chợ, giá rẻ, phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Bây giờ HTX bao tiêu hết, giá ổn định nên người dân thôn Phiêng Phàng và một số thôn lân cận đang mở rộng thêm diện tích...

Na Rì là huyện có nhiều thôn, bản vùng cao, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, huyện đã thực hiện 5 danh mục dự án hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa. Trong đó chú trọng dự án chăn nuôi gà thả đồi, lợn bản địa, dong riềng, nuôi ong, bí thơm, cây ăn quả.

Thực hiện chương trình OCOP, huyện Na Rì xác định phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện theo chuỗi giá trị do các HTX, hộ sản xuất thực hiện. Các sản phẩm có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa và điều kiện tự nhiên riêng của địa phương như miến dong, gà thả đồi, lạp sườn, hồng không hạt, rượu men lá…

Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Na Rì cho biết, huyện đã có 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao, 26 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Huyện tập trung phát triển kinh tế tập thể, hình thành các doanh nghiệp, HTX để liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hình thành vùng sản xuất tập trung trung, tạo ra hàng hóa lớn, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là thôn bản vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn.

Ngày càng có nhiều HTX, doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ cao chế biến ra những sản phẩm OCOP được thị trường ưu chuộng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ngày càng có nhiều HTX, doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ cao chế biến ra những sản phẩm OCOP được thị trường ưu chuộng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Điều tra, đánh giá hiệu quả chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho thấy, chủ thể các sản phẩm OCOP sử dụng lao động địa phương từ 5 đến trên 20 người chiếm tỷ lệ trên 95%. Các HTX có sản phẩm OCOP đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động ở khu vực vùng cao, vùng nông thôn.

Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình OCOP, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã có 184 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 165 sản phẩm 3 sao). Đang hoàn thiện 5 hồ sơ trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.