| Hotline: 0983.970.780

San phẳng mặt ruộng bằng tia laser

Thứ Tư 04/09/2013 , 10:29 (GMT+7)

Phương pháp này giúp nông dân trong CLB giảm chi phí bơm nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nhưng năng suất lại tăng lên từ 0,5 - 1 tấn/ha...

Việc san phẳng mặt ruộng bằng tia laser đã được một số tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL thực hiện, trong đó tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh ứng dụng, góp phần giảm chi phí đầu tư SX và tăng năng suất lúa.

Từ năm 2005, Bạc Liêu đã áp dụng san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser khoảng 100 ha. Một số thành viên Câu lạc bộ (CLB) SX lúa giống ấp Láng Giài (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) là những nông dân đầu tiên được Trung tâm Giống nông nghiệp - thủy sản tỉnh đầu tư san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser.


Máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser giúp giảm chi phí SX

CLB SX lúa giống ấp Láng Giài đã có 20 ha SX lúa được san phẳng. Ông Phạm An Lạc, Chủ nhiệm CLB SX lúa giống ấp Láng Giài cho biết: “Ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser sẽ giảm chi phí đầu tư trong SX và tăng năng suất lúa”.

Ngoài việc đầu tư san phẳng mặt ruộng bằng tia laser các thành viên trong CLB cũng tự san phẳng mặt ruộng. Vì hầu hết họ biết việc san phẳng mặt ruộng thuận lợi trong việc sạ hàng, giảm chi phí bón phân, dễ dàng ứng dụng cơ giới hóa. Hằng năm, diện tích san phẳng mặt ruộng của của CLB ngày càng tăng cao.

Không chỉ có CLB SX lúa giống ấp Láng Giài, năm 2008 CLB nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) cũng được Trung tâm Giống NN-TS đầu tư san phẳng mặt ruộng bằng tia laser.

Theo anh Thạch Minh Tú, Phó Chủ nhiệm CLB nông dân xã Hưng Hội: “CLB có 20 ha được san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Phương pháp này giúp nông dân trong CLB giảm chi phí bơm nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nhưng năng suất lại tăng lên từ 0,5 - 1 tấn/ha”.

Việc san phẳng mặt ruộng đã có từ rất lâu, trước khi phương pháp khoa học này ra đời nông dân đã tự san mặt ruộng ở những nơi mặt ruộng gò để cho mặt ruộng trũng. Nhưng hầu hết san bằng dụng cụ thô sơ và diện tích san phẳng hạn chế.

Anh Nguyễn Văn Tùng, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai cho biết: “Gia đình tôi san phẳng mặt ruộng rất lâu, gần đây san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser rất thuận lợi, tuy đầu tư cao nhưng san phẳng một lần thì phải 3 - 5 năm sau mới san phẳng lại rất tiện lợi”.

Theo ngành chức năng, lợi ích của việc san phẳng mặt ruộng sẽ giảm được lượng lúa giống, tiết kiệm nước, giảm phân bón, dễ kiểm soát cỏ do khống chế được mực nước, lúa cứng cây, ít đổ ngã… năng suất tăng từ 0,5 - 1,5 tấn/ha. Việc san phẳng mặt ruộng cũng thuận tiện cho máy gặt đập liên hợp hoạt động khi thu hoạch lúa.

Song, hiện nay việc nhân rộng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser đã gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư cùng lúc khá cao, với giá dao động từ 8 - 10 triệu đồng/ha. Nên hầu hết, nông dân tự dùng máy móc sẳn có để san phẳng từ vùng đất gò san vùng đất trũng. Tuy nhiên, việc san phẳng này không đồng điều, độ trên lệch còn khá sao so với việc san phẳng mặt ruộng bằng tia laser.

San phẳng mặt ruộng đã mang lại hiệu quả cao trong SX, góp phần đáng kể vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch. Đây cũng là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để nông dân tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SX như sạ hàng, máy cấy… đến cơ giới hóa khâu sau thu hoạch.

Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đang khuyến khích nông dân tham gia SX mô hình cánh đồng mẫu lớn. Việc san phẳng mặt ruộng là một điều kiện cần thiết khi nông dân áp dụng mô hình này. San phẳng mặt ruộng không chỉ giảm chi phí đầu tư mà còn giúp nông dân thuận tiện đưa cơ giới hóa vào các khâu SX.

Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho nông dân, mà trước hết là các CLB, tổ hợp tác… để họ giảm chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.