| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa gạo bền vững

Thứ Sáu 18/05/2018 , 13:30 (GMT+7)

Vừa qua, Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL (MDI) - ĐH Cần Thơ, phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng tổ chức hội thảo tổng kết lớp SX lúa gạo theo hướng bền vững (SRP) trong vụ ĐX muộn tại xã Trinh Phú (huyện Kế Sách).

Tham quan mô hình SX lúa sạch tại xã Trinh Phú

Đây là một trong các lớp thuộc dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm trong chuỗi giá trị gạo Việt Nam” (GRAISEA) do tổ chức OXFAM tài trợ.

Các đại biểu tham dự hội thảo được tham quan ruộng SX theo tiêu chí SRP có diện tích 10.500m2 , gieo sạ giống IR50404 với mật độ 138 kg/ha, công thức phân bón 115 N - 44 P2O5 - 35 K2O, hạn chế sử dụng thuốc BVTV (trường hợp có sử dụng nông dược thì sử dụng theo danh mục thuốc được quy định và bảo đảm thời gian cách ly để không còn dư lượng), tưới nước tiết kiệm.

Kết quả hạch toán cho thấy, giá thành ruộng SX theo tiêu chí SRP là 1.907 đồng/kg, giảm được 541 đồng/kg và lợi nhuận cao hơn 9,1 triệu đồng/ha so với SX theo tập quán của nông dân.

Điểm đặc biệt của lớp học là tạo điều kiện để cả vợ chồng cùng tham gia học và trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế nói chung, SX lúa nói riêng. Mục tiêu của lớp SRP trong SX lúa, ngoài việc nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường canh tác bền vững còn là cơ hội và lợi thế giúp lúa gạo của Việt Nam khẳng định được giá trị và thương hiệu.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khải, Bộ môn Tài nguyên Cây trồng (thuộc MDI), phụ trách hướng dẫn lớp nhấn mạnh các lợi ích khi ứng dụng SRP của ruộng mô hình, đặc biệt là việc giảm được chi phí SX từ tiền đề giảm giống. Thạc sĩ Khải cũng rất tâm đắc với sự ủng hộ của các nữ học viên (nhân tố quan trọng quyết định mật độ sạ) đối với lớp học bởi việc thay đổi tập quán canh tác là rất khó nếu không được “mắt thấy, tai nghe, tay làm”.

Chia sẻ cảm nghĩ của mình về lớp SRP, chủ ruộng mô hình Phạm Văn Nửa cho rằng, đây là lớp “đi tắt, đón đầu” vì khu vực mở lớp ở vùng sâu, đông đồng bào Khmer nhưng đã tiếp cận với phương thức canh tác có tiêu chuẩn cao, sản phẩm làm ra có thể xuất khẩu sang châu Âu.

Trong khi đó, ông Lưu Văn Sa, Tổ trưởng Tổ liên kết SX cho biết, bà con trong tổ sẽ tiếp tục duy trì SX lúa theo SRP và đề nghị Sở NN-PTNT Sóc Trăng tìm đầu ra ổn định cho lúa gạo đạt tiêu chuẩn SRP để bà con an tâm duy trì và phát triển diện tích lúa canh tác theo phương thức mới này.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.