| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP

Thứ Năm 14/11/2019 , 13:15 (GMT+7)

Tập đoàn Lộc Trời vừa tổ chức sự kiện trình diễn phun thuốc BVTV trên lúa bằng thiết bị bay không người lái (drone) tại xã Hưng Thịnh, huyện Tân Hưng (Long An).

Sản xuất lúa gạo bền vững

Sự hỗ trợ của drone trong canh tác cây trồng giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, không tạo cơ hội lây lan cơ học bệnh vi khuẩn cháy bìa lá lúa qua tác nhân là người đi phun thuốc và quan trọng nhất giúp bảo vệ sức khỏe người nông dân tốt hơn do không cần trực tiếp phun thuốc.

10-35-35_1_trong_vu_dong_xun_2018-2019_tong_cong_co_254_nong_dn_trong_5_vung_nguyen_lieu_duoc_thuong_theo_diem_srp
Trong vụ đông xuân 2018-2019, tổng cộng có 254 nông dân trong 5 vùng nguyên liệu được thưởng theo điểm SRP.

Đây là trong các chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP mà Lộc Trời đang thực hiện. Bắt đầu từ năm 2016, Tập đoàn Lộc Trời đã tham gia vào diễn đàn quốc tế sản xuất lúa gạo bền vững SRP (Sustainable Rice Platform).

PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: SRP là tổ chức được đồng sáng lập bởi Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) vào tháng 12/2011. Đây là một diễn đàn đa đối tác toàn cầu bao gồm các cơ quan chính phủ, các đơn vị thuộc khu vực tư nhân, viện nghiên cứu và các tổ chức phi lợi nhuận. Liên minh này thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu, sản xuất, cơ chế chính sách, buôn bán và tiêu dùng nhằm mục đích sản xuất lúa gạo bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Số thành viên tính đến cuối tháng 10 năm 2019 là 104, có hai đơn vị Việt Nam tham gia SRP là Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Lộc Trời.

Đầu năm 2016, Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức hội nghị triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP lần đầu tiên tại Việt Nam cho các vùng nguyên liệu của Tập đoàn trong vụ hè thu 2016. SRP đã xác định điểm ban đầu của các nông dân tham gia trên cơ sở các kỹ thuật canh tác lúa đang được áp dụng ở các vùng nguyên liệu. Từ tháng 3 năm 2016, Lộc Trời đã chính thức tiển khai mô hình SRP tại các vùng nguyên liệu. Tập huấn cho nông dân hiểu biết về SRP được tổ chức tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp), huyện Châu Thành (An Giang) và huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Tháng 4/2016, tập huấn cho 150 nông dân về an toàn sử dụng thuốc, quản lý nước và dinh dưỡng.

Việc đánh giá và tính điểm được tiến hành vào cuối vụ. Cơ sở để đánh giá là số liệu và thông tin được thu thập từ “Sổ nhật ký đồng ruộng” và phiếu phỏng vấn. Kiểm tra thực tế được tiến hành tại đồng ruộng và nhà nông dân. Tính toán số điểm mà nông dân đạt được tùy theo mức độ tuân thủ các tiêu chí (từ 0 đến 100 điểm).

Tùy theo số điểm tại thời điểm đánh giá, mô hình sản xuất được xem là chưa bền vững, đang hướng đến sự bền vững hay bền vững. Theo bộ tiêu chuẩn phiên bản 1 sẽ được áp dụng đến cuối năm 2019 thì mức chưa bền vững có số điểm từ 0-10. Mức đang hướng tới sản xuất bền vững có số điểm biến thiên từ 10 đến 90. Mức bền vững có số điểm từ 90 đến 100. Số điểm cần thiết tối thiểu là 67. Mốc bắt đầu bền vững là 90. Phiên bản 2 có một số thay đổi nhỏ và sẽ được áp dụng từ đầu năm 2020.

Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững SRP được ban hành vào tháng 11/2013 thông qua sự tham vấn chuyên sâu của các chuyên gia SRP và các bên có liên quan. Bộ tiêu chuẩn gồm có 8 vấn đề trong sản xuất nông nghiệp với 46 tiêu chí phụ thuộc. Tám vấn đề và các tiêu chí phụ thuộc bao gồm: Quản lý đồng ruộng, hoạt động trước gieo trồng, quản lý nước, dinh dưỡng, dịch hại, thu hoạch và sau thu hoạch, sức khỏe và an toàn lao động, quyền lao động.

Nghiên cứu số liệu thu thập về tình hình sản xuất của nông dân trong vụ hè thu 2015 dựa trên thông tin trước đó đã cho thấy nếu so với tiêu chuẩn SRP thì điểm trung bình đạt được là 64,9. Ba địa bàn thực nghiệm SRP là Châu Thành (An Giang), Tam Nông (Đồng Tháp) và Tân Hiệp (Kiên Giang). Trong vụ hè thu năm 2018, số nông dân áp dụng SRP tổng cộng là 3.737 hộ với diện tích gieo trồng 11.548,5 ha.

Để khuyến khích nông dân tuân thủ thực hiện các tiêu chí theo SRP, Tập đoàn Lộc Trời đã có chủ trương khuyến khích bằng cách thưởng thêm tiền đối với những nông dân trồng lúa có điểm SRP cao. Mức thưởng là nếu điểm SRP trên 85 thì được thưởng thêm 50 đồng/1 kg lúa; 90 điểm là 100 đồng; 95 điểm là 200 đồng và 98 điểm là 300 đồng. Chủ trương này được áp dụng kể từ vụ đông xuân 2018-2019. Tổng số tiền thưởng dành cho năm 2019 là 3 tỷ đồng.

Trồng lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, gia tăng thu nhập gia đình góp phần để đạt được tiêu chuẩn kinh tế trong chương trình nông thôn mới.

Trong vụ đông xuân 2018-2019, tổng cộng có 254 nông dân trong 5 vùng nguyên liệu được thưởng theo điểm SRP. Có 231 nông dân đạt từ 85-90 điểm, được thưởng 50 đồng/1 kg lúa tươi. Có 23 nông dân đạt từ 90-95 điểm được thưởng 100 đồng/kg. Tổng số tiền thưởng đã chi trong vụ đông xuân 2018-2019 là hơn 366 triệu đồng.
 

Hiệu quả kinh tế trồng lúa theo hướng áp dụng công nghệ cao

PGS.TS Dương Văn Chín cho biết: Từ vụ hè thu 2014, vùng nguyên liệu tại huyện Thoại Sơn (An Giang) được thí điểm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Các TBKT này có nhiều điểm tương đồng với các tiêu chí SRP. Tổng diện tích gieo trồng lũy kế qua 9 vụ trồng lúa theo hướng công nghệ cao từ năm 2014 đến năm 2017 là 1.748,5 ha. Nông dân trồng lúa theo hướng công nghệ cao là nông dân trong mô hình được so sánh với nông dân trồng lúa truyền thống bên ngoài mô hình.

Bên cạnh việc áp dụng qui trình “1 phải 5 giảm” đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức, những nông dân trong mô hình còn được tập huấn, hướng dẫn tham quan các TBKT mới theo hướng công nghê cao mà Tập đoàn Lộc Trời đã thực nghiệm thành công. Trong mỗi vụ “Sổ nhật ký đồng ruộng” của 30 nông dân ngẫu nhiên trong mô hình được so sánh với 30 nông dân ngoài mô hình.

Số liệu cho thấy nông dân trong mô hình đã giảm lượng hạt giống xuống 62,6 kg/ha, tương ứng với mức giảm là 30,6%. Thực tế nông dân trong mô hình chỉ sử dụng 141,7 kg/ha so với nông dân ngoài mô hình là 204,3 kg/ha. Toàn bộ 100% nông dân trong mô hình sử dụng giống lúa cấp xác nhận, trong khi đó chỉ có 32,3 % nông dân ngoài mô hình thực hiện điều tương tự.

10-35-35_2_trong_lu_giup_gim_chi_phi
Trồng lúa theo hương ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân giảm chi phí.

Nông dân trong mô hình đã sử dụng giảm lượng đạm so với ngoài mô hình. Nông dân trong mô hình tiết kiệm được 550.000 đồng/ha tiền phân bón đất. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón lá (PBL) và chất điều hòa sinh trưởng (ĐHST) của nông dân trong mô hình là 4,83 triệu đồng/ha, giảm 270.000 đồng/ha so với nông dân ngoài mô hình. Tỷ lệ giảm tương ứng là 5,3%. Số lần phun thuốc BVTV+ PBL+ ĐHST suốt vụ cũng giảm xuống còn 6,8 lần ở trong mô hình so với 8 lần của nông dân ngoài mô hình. Tỷ lệ giảm là 15%. Chi phí canh tác, chăm sóc như làm đất, bơm nước, dặm lúa, thu hoạch thì trong mô hình cũng giảm 590.000 đồng /ha so với ngoài mô hình.

Tập đoàn Lộc Trời mua lúa chất lượng cao canh tác theo hướng công nghệ cao với giá cao hơn lúa trồng theo tập quán phổ biến. Giá chênh lệch là 443 đồng/kg và tỷ lệ giá lúa gia tăng là 8,1%. Số liệu tương ứng bên trong mô hình và ngoài mô hình là 5.893 và 5.450 đồng/kg. Tổng thu của nông dân trong mô hình (31,99 triệu đồng/ha) cao hơn bên ngoài mô hình (29,96 triệu đồng/ha) và số chênh lệch là 2,03 triệu đồng/ha. Tỷ lệ gia tăng của tổng thu là 6,8%.

Tổng thu gia tăng kết hợp với chi phí giảm đã giúp cho lợi nhuận của nông dân trồng lúa theo hướng công nghệ cao gia tăng nhiều so với trồng lúa truyền thống. Số liệu tương ứng trong mô hình và ngoài mô hình là 14,27 và 10,88 triệu đồng/ha. Mức chênh lệch là 3,39 triệu đồng/ha và tỷ lệ gia tăng là 31,2%.

Chi phí sản xuất lúa tiết kiệm cho nên giá thành 1 kg lúa trong mô hình chỉ là 3.289 đồng/kg trong khi ngoài mô hình là 3.560 đồng/kg. Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL là khoảng 4.000.000 ha. Nếu toàn bộ nông dân trồng lúa trong vùng canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao theo mô hình này thì tổng lợi nhuận tăng thêm hàng năm tại vùng ĐBSCL là 13.560 tỷ đồng.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.