| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc, mô hình cần nhân rộng

Thứ Sáu 04/09/2020 , 15:21 (GMT+7)

Ngày 3/9, cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra các mô hình Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm mô hình lúa hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm mô hình lúa hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Trồng lúa hữu cơ lãi hơn 32 triệu/ha

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2020 đơn vị này thực hiện 7 dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm 2 dự án trong lĩnh vực  trồng trọt, bảo vệ thực vật, 4 dự án chăn nuôi, thú y và 1 dự án cơ giới hóa. Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc chủ trì 2 dự án và các đơn vị ngoài Bộ NN-PTNT chủ trì 5 dự án…

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động, ảnh hưởng, tuy nhiên các mô hình khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang thực hiện ở Vĩnh Phúc đã tạo được những hiệu quả nhất định.

Tại dự án "Xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc" của Tập đoàn Quế Lâm đã có những kết quả tốt.

Năm 2019, tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, trên quy mô 25 ha, Tập đoàn Quế Lâm và Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã sử dụng giống lúa DT39 Quế Lâm, phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học và thảo mộc, không sử dụng thuốc trừ cỏ và thuốc hóa học… Kết quả cho thấy, năng suất lúa tuy có thấp hơn không đáng kể so với lúa cấy ngoài mô hình nhưng lúa hữu cơ ít bị sâu bệnh hơn. Bình quân mỗi 1 ha áp dụng canh tác lúa hữu cơ thu được 52,56 triệu đồng, lãi 24,755 triệu đồng, mức lãi cao hơn canh tác lúa thông thường 3,683 triệu đồng.

Ngoài ra, canh tác lúa hữu cơ người nông dân còn được lợi về sức khỏe, không phải tiếp xúc với hóa chất, bảo vệ môi trường đất và nước…

Năm 2020 Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục triển khai canh tác lúa hữu cơ trên diện tích 40 ha (vụ Xuân 20 ha, vụ Mùa 20 ha) tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cũng bằng giống lúa DT39 và phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học và thảo mộc, không sử dụng thuốc trừ cỏ và hóa học…, kết quả đạt năng suất 60,63 tạ/ha (canh tác ngoài mô hình đạt 61,5 tạ/ha).  Hạch toán hiệu quả kinh tế vụ Xuân cho thấy, trung bình mỗi ha canh tác lúa hữu cơ thu 60 triệu đồng, trừ đi chi phí người nông dân còn lãi 32,4 triệu đồng/ha. Từ những kết quả đó, trong năm 2020, mô hình canh tác lúa hữu cơ đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm nhân rộng được hơn 450 ha ở nhiều tỉnh thành khác.

Về chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và chăn nuôi gà lông màu, vỗ béo bò thịt đã được phối hợp triển khai đồng bộ và hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm phối hợp Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc thực hiện tại các xã Văn Quán (huyện Lập Thạch), xã Minh Quang (huyện Tam Đảo) và thị trấn Đạo Đức (huyện Bình Xuyên)…

Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Với quy mô chăn nuôi  80 con lợn thịt, đến thời điểm này có thể khẳng định hộ ông Trần Văn Ba ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo đã thành công. Lợn sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong quá trình chăm sóc nuôi hộ đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hữu cơ có sử dụng đệm lót sinh học của Tập đoàn Quế Lâm. Tất cả quy trình kỹ thuật chăn nuôi được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo môi trường, giảm được chi phí đầu vào rất nhiều.

Cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ban đầu thực hiện trồng lúa hữu cơ, sau đến chăn nuôi, liên kết áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn, gà không sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học… Kết quả các mô hình triển khai có thể khẳng định cây trồng, vật nuôi phát triển rất tốt, đặc biệt là môi trường chăn nuôi được cải tạo rất rõ rệt, hệ thống vi sinh vật trong đất sinh sôi trở lại, chất lượng nông sản đã tạo nên sự khác biệt hẳn so với cách làm trước đây.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Vĩnh Phúc nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Vĩnh Phúc nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Trực tiếp kiểm tra 4 mô hình, cả trồng trọt và chăn nuôi ở Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả các mô hình khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai ở Vĩnh Phúc và khẳng định sự nỗ lực của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc trong công tác phối hợp chặt chẽ với các đơn vị triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo các nội dung dự án đề ra, các mô hình đều đạt kết quả tốt...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc, doanh nghiệp, người dân tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giá trị kinh tế cao gắn với nhu cầu thị trường, liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng; nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, qua đó làm thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân, tạo ra sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Một xã ở Bắc Giang có hơn 4.000 cây trám, thu 5-6 tỷ đồng/năm

Xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 4.000 cây trám đen đang ở độ tuổi cho thu hoạch, riêng ở thôn Vân Xuyên có gần 3.000 cây.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.