| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất ở ĐBSCL, những trở ngại: Liên kết trên cánh đồng lớn nhưng… chậm lớn

Thứ Hai 06/06/2022 , 09:30 (GMT+7)

Liên kết sớm được triển khai ở ĐBSCL, giải pháp thoát sản xuất quy mô nhỏ đã chứng minh kết quả. Nhưng nhìn chung tiến triển còn chậm, hợp đồng lỏng lẻo.

Liên kết sản xuất trên cánh đồng lớn để đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa đồng ruộng ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Liên kết sản xuất trên cánh đồng lớn để đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa đồng ruộng ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Giải pháp liên kết đầu tiên

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm lớn nhất cả nước, được thiên nhiên ưu đãi và có nhiều lợi thế về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Ở nơi được xem vựa lúa cả nước, nhờ đất đai phì nhiêu, đồng ruộng bạt ngàn “cò bay thẳng cánh”, với hàng trăm năm định hình nghề trồng lúa nước của hàng triệu nông dân.

Tuy nhiên, trải qua quá trình lịch sử kiến tạo và phát triển kinh tế xã hội, quy mô sản xuất nông hộ trên trên đơn vị diện tích đất đã dần thu hẹp lại. Trên tổng diện tích đất trồng lúa của cả vùng khoảng 1,5 triệu ha, diện tích bình quân nông hộ có đất trồng lúa chỉ khoảng 0,4 - 0,5 ha/hộ. Đất sản xuất lúa cắt xẻ thành ra nhiều thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ. Từ đó dẫn đến nhiều trở ngại khi triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và kết quả năng suất, chất lượng nông sản không đồng đều, hiệu quả sản xuất chưa đạt như kỳ vọng.

Từ hơn 10 năm trước, bước khởi đầu liên kết sản xuất từ cây lúa thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tháng 3/2011, Bộ NN-PTNT chính thức phát động phát triển cánh đồng lớn trong sản xuất lúa gạo theo xu hướng liên kết, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây được xem là một trong những giải pháp cốt lõi nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, đồng thời là lựa chọn phù hợp trong điều kiện nông hộ có diện tích đất canh tác nhỏ, khắc phục yếu điểm sản xuất nhỏ lẻ. Nông dân sẽ cùng vào các tổ hợp tác và hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo trên cánh đồng lớn.

Theo Cục Trồng trọt, bắt đầu từ vụ hè thu 2011 ở ĐBSCL có 2 tỉnh An Giang, Bến Tre thực hiện mô hình cánh đồng lớn khoảng 8.000ha với 6.400 hộ nông dân tham gia. Đến vụ đông xuân 2011 - 2012, ĐBSCL đã hình thành trên 19.700ha cánh đồng lớn. Cao điểm đển vụ hè thu 2014, vùng lúa ĐBSCL có trên 100 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc thực hiện hợp đồng thành công đạt từ 30% năm 2013 đến năm 2014 đã tăng lên trên 55%. Năm 2014, tổng diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL đạt khoảng 140.000ha.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, trong những năm đầu thực hiện liên kết sản xuất phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL là khá thành công. Mô hình mới không chỉ tăng số lượng, hợp đồng tiêu thụ lúa gạo mà chất lượng lúa gạo cũng tăng lên rõ rệt.

Từ thực tế mở rộng cánh đồng lớn, sản xuất lúa gạo khẳng định một hướng đi tất yếu, hiệu quả, phù hợp với định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Quá trình liên kết hợp tác mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía: Nông dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết chuỗi tiêu thụ với doanh nghiệp. Giải pháp cánh đồng lớn tạo điều kiện cho nông dân áp dụng theo quy trình sản xuất tiên tiến, đồng bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ để nông phẩm đạt chất lượng đồng nhất, đáp ứng nhu cầu đặt hàng, tiêu thụ của doanh nghiệp.

Qua một số kết quả ban đầu đạt được, nhiều địa phương ở các tỉnh, thành trong vùng triển khai kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Trong đó, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cùng với cán bộ nông nghiệp địa phương yểm trợ kỹ thuật cho hai đối tác chính là nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất.

Bộc lộ trở ngại

Sau 5 năm đầu, từ mô hình cánh đồng mẫu với quy mô 30 - 50ha đã phát triển quy mô sản xuất diện tích liên kết rộng hơn, tạo thành phong trào xây dựng cánh đồng lớn quy mô lên đến 200 - 300ha, thậm chí có nơi đến trên 500 ha/cánh đồng lớn. Sơ kết trong 5 năm đầu, tổng diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL tăng lên hơn 175.000ha.

Tuy nhiên, dù cho những năm phong trào liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn phát triển rầm rộ, nếu tính cả số doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ký kết hợp đồng riêng lẻ với các hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương, tổng diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL vẫn chưa vượt 200.000ha. Những năm sau này, các địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất nhưng tiến trình phát triển xây dựng cánh đồng lớn có dấu hiệu chậm lại, không tăng lên được nhiều hơn.

Thương lái có phương tiện linh hoạt đến tận ruộng thu mua lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Thương lái có phương tiện linh hoạt đến tận ruộng thu mua lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Một cán bộ nông nghiệp ở ĐBSCL có nhiều năm theo dõi sự phát triển cánh đồng lớn nhận xét, nguyên nhân đầu tiên là yếu tố khách quan bởi thị trường. Yếu tố giá cả tiêu thụ sản phẩm lúa gạo và lợi nhuận cũng không đảm bảo lợi ích cho hai phía chủ thể tham gia liên kết. Trong đó còn có nguyên nhân liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Điểm lại qua thực tế, các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, và TP Cần Thơ từ rất sớm tổ chức liên kết sản xuất lúa hình thành nhiều cánh đồng lớn. Quy mô mỗi cánh đồng lớn tăng tùy theo khu vực canh tác của các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các địa phương.

Đơn cử, tại tỉnh Sóc Trăng có 145.000ha đất lúa. Năm 2010 sớm “trình làng” mô hình điểm cánh đồng mẫu 40ha ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú. Sau đó đến vụ đông xuân 2012 - 2013, tỉnh Sóc Trăng mở rộng được lên 106 điểm cánh đồng lớn với 12.000ha. Nhưng 7 năm sau, diện tích cánh đồng lớn tặng chậm thấy rõ, chỉ đạt khoảng 17.000ha.

Một cán bộ Sở NN-PTNT Sóc Trăng nhận xét, điểm yếu nhất khiến cánh đồng lớn chậm mở rộng là từ khâu hợp đồng liên kết không chặt chẽ. Mặc dù có ký kết đàng hoàng nhưng điều khoản lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc về mặt pháp lý nên dần dà về sau hợp đồng xem ra giản lược dần. Có nơi chỉ cần có doanh nghiệp hợp đồng đặt hàng sản xuất giống lúa gì, diện tích bao nhiêu, dự tính mức sản lượng tiêu thụ hoặc bao tiêu rồi thỏa thuận ấn định giá thu mua hoặc thỏa thuận theo thời giá thị trường vào cuối vụ sản xuất.

Phần nhiều cách thức hợp đồng tiêu thụ lúa cuối vụ thường không ràng buộc, không đòi hỏi nhiều vào điều kiện kỹ thuật canh tác, yêu cầu thu hoạch nên một trong hai bên rất dễ viện cớ dẫn tới đổ bể, không thực hiện như cam kết ban đầu.

Mặt khác, tính liên kết sản xuất kém bền vững, còn tùy theo tình hình thị trường lúa gạo tiêu thụ mạnh - yếu, vụ lúa đông xuân hay hè thu nên số doanh nghiệp tham gia nhiều hay ít. Như trên địa bàn TP Cần Thơ tập trung trên 40 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo quy mô lớn lớn, nhưng hiện chỉ có 20 doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp buôn bán vật tư nông nghiệp) thường xuyên tham gia liên kết sản xuất, đa phần dưới dạng hợp đồng mua bán, tiêu thụ sản phẩm cuối vụ.

Vì lẽ đó, cho dù nhiều địa phương đã hình thành được hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân muốn nâng cao quy mô sản xuất lúa trên cánh đồng lớn hiện vẫn đối mặt tình trạng thụ động chờ doanh nghiệp liên kết theo thời vụ. Làm thế nào doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân tìm gặp tiếng nói chung, giữ chữ tín và cùng phân chia lợi ích hài hòa, cùng chia sẻ rủi ro, để hướng tới làm ăn lâu bền còn cần thời gian trả lời.

Ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm