| Hotline: 0983.970.780

Khuyến cáo vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL xuống giống dứt điểm tháng 12

Thứ Hai 22/11/2021 , 09:32 (GMT+7)

ĐBSCL Ngành chức năng khuyến cáo, các địa phương cần bố trí lịch thời vụ xuống giống tập trong các tháng 10 và 11, trễ lắm trong tháng 12 là phải dứt điểm.

Xuống giống sớm để né hạn, mặn

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vụ lúa đông xuân (ĐX) 2021-2022, toàn vùng ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha. Ngành chức năng khuyến cáo, các địa phương cần bố trí lịch thời vụ xuống giống tập trong các tháng 10 và 11, trễ lắm trong tháng 12 là phải dứt điểm. Đặc biệt là diện tích dễ bị mặn xâm nhập thuộc các tỉnh ven biển, cần xuống giống sớm trong đợt đầu.  

Do năm nay lũ mùa nước nổi khá thấp, đỉnh lũ chỉ ở quanh mức báo động 1 nên mùa khô năm 2022 được dự báo xảy ra sớm. Hạn, mặn sẽ xuất hiện sớm hơn trung bình hàng năm từ 1,5 - 2 tháng, đỉnh mặn được dự báo xuất hiện vào khoảng tháng 2 đến tháng 3/2022.

Nông dân được khuyến cáo tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, xuống giống lúa đông xuân 2021-2022 sớm, nhằm tránh thời tiết bất lợi vào cuối vụ. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân được khuyến cáo tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, xuống giống lúa đông xuân 2021-2022 sớm, nhằm tránh thời tiết bất lợi vào cuối vụ. Ảnh: Trung Chánh.

Vì vậy, các địa phương đã có kế hoạch bố trí lịch thời vụ xuống giống lúa ĐX 2021-2022 sớm nhất có thể, nhằm né hạn, mặn xâm nhập vào cuối vụ. Kiên Giang là tỉnh có diện tích gieo sạ lúa ĐX lớn nhất vùng ĐBSCL, với kế hoạch 283.646 ha. Lịch thời vụ gieo sạ được khuyến cáo tập trung làm 3 đợt chính, mỗi đợt 10 ngày vào cuối các tháng 10, 11 và 12. Trong đó, diện tích xuống giống chính sẽ tập trung trong tháng 11 và tháng 12 là dứt điểm. Tuyệt đối không gieo sạ từ tháng 1/2022  trở về sau.

Áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật

Nhằm giảm chi phí sản xuất, ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến. Sử dụng giống xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ từ 80- 100 kg/ha. Sau khi thu hoạch lúa hè thu và thu đông, cần làm đất, cải tạo mặt bằng và vệ sinh đồng ruộng, vận động nông dân gia cố bờ bao, bơm nước ra và làm đất gieo sạ vụ ĐX theo lịch khuyến cáo. 

Về cơ cấu giống lúa, đối với vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm hoặc canh tác 2 vụ lúa - 1 màu, vùng gần biển có đê bao không hoàn chỉnh, có thể bị mặn xâm nhập sớm ở cuối vụ, khuyến cáo sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85 - 95 ngày), như: OM18, OM5451, GKG1, OM2517, GKG5, GKG9, OM380…

Vùng sản xuất lúa 2 vụ/năm hoặc vùng có đê bao đảm bảo ngăn mặn cuối vụ, ngoài các giống khuyến cáo như trên, có thể sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài hơn, như: ST24, ST25, Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM6976, OM4900, OM7347, ST24, ST25 hoặc nhóm hạt tròn, lúa Nhật, như: DS1, nhóm giống nếp (như IR4625)…

Nông dân được khuyến cáo áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật, sạ thưa hoặc cấy máy để giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân được khuyến cáo áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật, sạ thưa hoặc cấy máy để giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Tại Hậu Giang, tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuống giống vụ lúa ĐX 2021-2022 sớm và đạt hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-TNT Hậu Giang cho biết, kế hoạch xuống giống lúa ĐX của tỉnh là 76.500 ha, năng suất dự kiến là 7,2 tấn/ha, sản lượng thu hoạch dứt điểm đạt gần 555.000 tấn.

Trong bối cảnh giá vật tư tăng cao, cần đầy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến để giảm chi phí, giữ giá thành không tăng quá cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Theo đó, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa thích nghi mùa vụ, giống xác nhận, sạ thưa, sạ hàng với lượng giống dưới 100 kg/ha hoặc cấy máy. Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ứng dụng IPM, công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại.

Cần xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng, né rầy để hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xảy ra. Sau khi gieo sạ nếu rầy di trú vào ruộng thì đưa nước vào ngập “chảng ba” cây lúa để hạn chế rầy nâu chích hút và đẻ trứng. Hạn chế phun thuốc trừ sâu sớm trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển cây lúa, nhất là đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh sinh vật gây hại bộc phát ở giai đoạn sau.

Đối với những vùng sản xuất lúa bị hạn, có nguy cơ bị thiếu nước ngọt để tưới, có thể sử dụng một số giống có khả năng chống chịu mặn như OM 5451, OM 6976, OM 2517, OM 4900, ST 24, Lúa lai F1... Cần tăng cường sử dụng các loại phân bón có chứa canxi, silic để giúp lúa tăng sức chống chịu với sâu, bệnh, hạn mặn và hạn chế đổ ngã. Có thể sử dụng phân bón lá, chất điều hòa sinh trưởng giúp rễ lúa phát triển để hấp thu dinh dưỡng và nước.

Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh, giá vật tư tăng cao, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã triển khai các mô hình sản xuất lúa tiên tiến theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP. Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng như trạm bơm điện, cống đập an toàn, nhà kho, lò sấy… nhằm giúp nông dân chủ động sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ sản xuất lúa, góp phần giúp gia tăng năng suất.

Thời vụ và diện tích xuống giống từng vùng ở ĐBSCL như sau:

+ Xuống giống sớm: Từ ngày 10 - 30/10/2021 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển Nam bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang); khoảng 400.000 ha chiếm khoảng 26% diện tích vụ ĐX, đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để né mặn.

+ Xuống giống đợt 1: từ ngày 1/11 đến ngày 30/11/2021 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; khoảng 700.000 ha, chiếm khoảng 46% diện tích kế hoạch.

+ Xuống giống đợt 2: từ ngày 1/12 đến ngày 31/12/2021 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; khoảng 400.000 ha, chiếm khoảng 26% diện tích kế hoạch.

+ Một số vùng xuống giống ĐX muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2022.

Bố trí thời vụ sản xuất lúa năm cực đoan cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở cho bố trí mùa vụ sản xuất.

(Cục Trồng trọt)

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm