| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất tập trung hướng đi tất yếu: [Bài 2] Bí quyết của trang trại heo lạnh

Thứ Ba 19/04/2022 , 12:09 (GMT+7)

Mạnh dạn đổi mới và áp dụng KHCN vào nuôi heo tuần hoàn khép kín, trang trại heo lạnh đã vượt qua được đại dịch Covid-19 và thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trang trại chăn nuôi heo theo mô hình trại lạnh, tuần hoàn, khép kín của anh Huỳnh Quốc Cường tại xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh được xem là mô hình tiêu biểu tại tỉnh này trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Quang cảnh trang trại chăn nuôi heo theo mô hình trại chăn nuôi heo lạnh, tuần hoàn, khép kín của anh Huỳnh Quốc Cường tại xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Quang cảnh trang trại chăn nuôi heo theo mô hình trại chăn nuôi heo lạnh, tuần hoàn, khép kín của anh Huỳnh Quốc Cường tại xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Tại đây, chúng tôi được “mục sở thị” trong khuôn viên gần 20 ha, anh Cường dành khoảng 2 ha xây 14 dãy chuồng nuôi được thiết kế theo quy chuẩn, có hệ thống quạt hút gió công nghiệp cải tiến giúp đông ấm, hè mát. Khu nuôi được sắp xếp khoa học, heo nái sinh sản, heo con, heo thương phẩm được bài trí riêng biệt để tiện theo dõi chăm sóc. Phía ngoài các trại là những hầm biogas khổng lồ nhằm xử lý chất thải. Đáng chú ý, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, toàn bộ diện tích ngoài khu vực chăn nuôi khoảng 18 ha, anh trồng các loại cây lấy gỗ để tạo vùng đệm và đưa ra nội quy “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để hạn chế dịch bệnh.

Theo anh Cường, gia đình anh có truyền thống nghề nuôi heo, để được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh từng nếm trải không ít lần thất bại. Cụ thể vào cuối năm 2016, thị trường chứng kiến sự tuột dốc của giá thịt heo hơi trên cả nước, tiếp đó, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi heo của tỉnh nói chung và gia đình anh nói riêng.

Trại được xử lý an toàn dịch bệnh trước khi đưa heo vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Trại được xử lý an toàn dịch bệnh trước khi đưa heo vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Trong bối cảnh nhiều hộ gia đình bỏ đàn, không tái đàn nữa vì thua lỗ, nhưng với quyết tâm không chịu lùi bước trước khó khăn, anh đã tự đọc, nghiên cứu trên sách, báo và dành nhiều thời gian thăm quan các mô hình trại lạnh của các công ty chăn nuôi quy mô lớn. Nhận thấy, nuôi heo theo hình thức trại lạnh công nghiệp khép kín có vốn đầu tư lớn nhưng heo khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ nhiều, giá cả tốt được thương lái chọn mua, năm 2017, anh Cường bàn với gia đình quyết định đầu tư phát triển chăn nuôi heo theo hướng tập trung.

“Chuyển sang làm ăn lớn cũng thấy lo nhưng tôi tự tin với hướng chăn nuôi này rủi ro thấp, hiệu quả cao. Và thực tế đã chứng minh, đến nay, trang trại đang duy trì ổn định 600 heo nái và 4.000 heo thịt. Hàng tháng trại sản xuất được 1.200 con heo giống và 1.150 con heo thịt, đem lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/tháng”, anh Cường tiết lộ.

Hệ thống cho ăn tự động giúp giảm chi phí nhân công, tiết kiệm thức ăn, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống cho ăn tự động giúp giảm chi phí nhân công, tiết kiệm thức ăn, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trần Trung.

Chia sẻ thêm về bí quyết thành công của mình, anh Cường cho biết thêm, bên cạnh quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP. Trang trại còn được đầu tư áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi heo như hệ thống silô bơm cám tự động, công nghệ xử lý chất thải (phân, nước thải…) để sản xuất biogas nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, góp phần tăng lợi nhuận.

“Nhờ đầu tư các silô chứa thức ăn và băng chuyền tải thức ăn đã giúp tiết kiệm được nhân công lao động (khoảng 2 nhân công/trại) và tiết kiệm được các bao chứa thức ăn (10.000 đồng/bao). Qua đó, trang trại giảm được giá thành sản xuất, thức ăn trong hệ thống chảy đến máng ăn theo nhu cầu của heo, không gây dư thừa thức ăn.

Ngoài ra, nhờ công nghệ xử lý chất thải (phân, nước thải…) để sản xuất biogas chạy máy phát điện. Với lượng điện năng này đủ phục vụ 50% nhu cầu trong sinh hoạt và sản xuất của trại. Như vậy, qua 1 lứa nuôi heo, trang trại tiết kiệm được thêm khoảng 200 triệu đồng, đồng thời giảm thiểu tối đa việc gây ô nhiễm môi trường”, anh Cường nói.

Phát huy kết quả đạt được, anh Cường đang tiếp tục xây dựng thêm nhiều trang trại tương tự. Dự kiến cuối năm nay, trang trại quy mô gần 5.000 heo thương phẩm của anh tiếp tục được đưa vào hoạt động.

Đàn heo sinh trưởng phát triển tốt là động lực để anh tiếp tục mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi heo lạnh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đàn heo sinh trưởng phát triển tốt là động lực để anh tiếp tục mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi heo lạnh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Huỳnh Thanh Hùng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bến Cầu cho biết, là địa phương còn nhiều dư địa để phát triển ngành chăn nuôi, trang trại tuần hoàn khép kín của anh Cường là mô hình đầu tiên tại địa phương, không chỉ đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp mà còn mở ra hướng đi mới, kích thích người dân tại đây mạnh dạn làm theo.

“Từ mô hình anh Cường, huyện Bến Cầu đã hình thành một số trang trại lạnh chăn nuôi heo khép kín, qua đó xử lý được vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường, góp phần tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp và giải quyết lao động nông thôn”, ông Hùng nhấn mạnh .

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được tỉnh tập trung triển khai từ nhiều năm nay và bước đầu đã thấy được hiệu quả. Những mô hình nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh và không sử dụng hàm lượng kháng sinh rất cần được nhân rộng. Tỉnh luôn khuyến khích những hộ nuôi theo hình thức trang trại có hiệu quả.

Hiện trên địa bàn đã hình thành được 106 trang trại, 250 gia trại với tỷ lệ heo nuôi trang trại, gia trại đạt 83,8% tổng đàn heo. Trong đó, 59 trang trại (chiếm 47% tổng đàn heo) nuôi tập trung theo hình thức trang trại lạnh, khép kín và ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, 15 trang trại nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAHP hoặc an toàn dịch bệnh. Đây là những kết quả đạt được trong nỗ lực cơ cấu lại chăn nuôi của ngành nông nghiệp.

Trang trại tuần hoàn khép kín nuôi heo lạnh của anh Cường mở ra hướng đi mới, kích thích người dân tại địa phương mạnh dạn làm theo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trang trại tuần hoàn khép kín nuôi heo lạnh của anh Cường mở ra hướng đi mới, kích thích người dân tại địa phương mạnh dạn làm theo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, ngành chăn nuôi tại tỉnh hiện nay chỉ chiếm 17% trong cơ cấu nông nghiệp nhưng đóng góp rất lớn vào GDP cho toàn ngành, đặc biệt là các trang trại lạnh, khép kín, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Theo tính toán, giá trị 1 ha trồng trọt hiện nay chỉ đem lại bình quân 102 triệu/năm, trong khi đó, giá trị 1 ha trang trại chăn nuôi đem lại ít nhất từ 15 đến 20 tỷ đồng.

“Có thể nói, với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất đã tạo ra giá trị mới cho chăn nuôi, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng. Bên cạnh sự chủ động của các nông trang, địa phương đã xây dựng kế hoạch và phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi heo thịt với tổng đàn trên 40.000 con/lứa ”, ông Nguyễn Đình Xuân khẳng định.

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Nâng tầm giáo dục dinh dưỡng và thể thao học đường

TP. HCM Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và Nestlé Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai các hoạt động thể thao, giáo dục dinh dưỡng học đường giai đoạn 2025-2030.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.