Trở lại thăm vườn quýt hồng đang phát triển sum suê, sắp cho thu hoạch trái của gia đình ông Nguyễn Văn Đầy ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) chúng tôi khá bất ngờ. Hơn 3 năm trước, khu vườn rộng hơn 5.000m2 này tưởng chừng không “chống” nổi với dịch bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh, 100% diện tích khu vườn đều nhiễm bệnh.
Dưới sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh và các nhà khoa học thuộc Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ), 1.300m2 trồng quýt hồng của gia đình ông Đầy được lựa chọn ứng dụng quy trình công nghệ xử lý khắc phục dịch bệnh trên.
Ông Đầy chia sẻ, khu vườn của ông nhiễm bệnh rất nặng, tưởng chừng không thể cứu. Thời điểm ấy ông đã lên kế hoạch phá vườn quýt để trồng bưởi. “Khi các nhà khoa học tiến hành đo đất, trong 500 gram đất có tới 700 – 800 con tuyến trùng, nó ăn hết bộ rễ cây, nên cây không phát triển được”, ông Đầy cho hay.
Nhờ sự hướng dẫn của các nhà khoa học, ông tiến hành xây dựng lại toàn bộ quy trình phục hồi vườn quýt hồng trong thời gian 3 năm. Để mô hình mang lại thành công, ông Đầy nhấn mạnh phải kết hợp đồng bộ nhiều kỹ thuật, khâu đầu tiên và cũng đóng vai trò quan trọng nhất là cải tạo đất.
“Ngày trước, đất cải tạo theo kiểu truyền thống, mỗi năm cứ bồi đất lên hoài nên bờ không thoáng khí. Vì vậy, phải đắp bờ từ 35 – 40cm để tạo độ xốp cho đất. Đặc biệt, bón phân hữu cơ là bước đệm giúp cho bộ rễ của cây phát triển. Mặt khác, tôi sử dụng thêm nấm Trichoderma để xử lý thối rễ”, ông Đầy cho hay.
Hiện nay, vườn quýt hồng của gia đình ông sử dụng phân hữu cơ truyền thống, phân rơm, phân bò ủ rồi bón cho cây. Đồng thời kết hợp hài hòa với sử dụng phân vô cơ với liều lượng hợp lý theo giai đoạn và tuổi cây theo công thức mỗi năm bón 3 đợt, cụ thể đợt đầu tiên bón 25 – 30kg/gốc, đợt thứ hai giảm còn khoảng 15kg/gốc và lần thứ ba còn khoảng 10kg/gốc.
Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, ông Đầy kiểm tra độ pH đất, dùng vôi quét xung quanh gốc quýt nhằm tiêu diệt mầm bệnh và cải thiện pH đất, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Từ đó, năng suất vườn quýt trong vụ thu hoạch đầu năm 2022 đạt gần như tuyệt đối, cây ra trái đều vườn, da quýt mỏng, láng, khi chín màu rất đẹp, hơn nữa trái quýt không bị sần sùi.
Từ thành công này, ông quyết tâm bảo vệ vườn quýt hồng bằng cách bao lưới khắp vườn để hạn chế ruồi vàng tấn công. Từ đây cũng góp phần hạn chế số lần phun thuốc, giảm được chi phí đầu tư.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp tỉnh đã chọn 5 vườn trồng quýt hồng và quýt đường bị nhiễm bệnh, diện tích mỗi vườn từ 1.000 – 2.000m2 để xây dựng mô hình ứng dụng quy trình khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi. Thành công của vườn quýt hồng của ông Đầy đã mở ra triển vọng khôi phục và phát triển hơn 500ha diện tích quýt hồng Lai Vung.
Năm 2018, hàng loạt diện tích trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp gặp hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh, khiến diện tích trồng ngày càng thu hẹp. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, năm 2015, diện tích trồng quýt hồng trên địa bàn huyện là hơn 1.100ha, đến năm 2019 giảm còn trên 800ha và đến năm 2021 chỉ còn 275ha. Kế hoạch trong năm 2022, đơn vị sẽ khôi phục, phát triển lên 438ha.
Năm 2021, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 – 2022 với diện tích hơn 546ha, tổng vốn thực hiện hơn 73 tỷ đồng. Mục tiêu chung của Đề án là bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long. Đồng thời, bảo tồn nguồn gen cây quýt hồng bản địa, phục vụ công tác nhân giống và duy trì sản xuất bền vững.