| Hotline: 0983.970.780

Sâu hại lúa hè thu và biện pháp phòng trị

Thứ Sáu 20/03/2015 , 09:27 (GMT+7)

Trong kỳ này, sẽ giới thiệu trước tới bạn đọc 2 loại sâu bệnh gây hại cho lúa hè thu cũng như cách phòng trị chúng. Đó là ốc bươu vàng và rầy nâu.

1. Ốc bươu vàng

Đây là dịch hại ngoại lai, nguồn gốc từ Brazil, du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1985. Ốc bươu vàng (OBV) chỉ sống trong điều kiện nước ngọt, ruộng chua, phèn; độ pH < 4 hay độ mặn > 0,6% ốc không sống được.

OBV gây hại bằng cách cắn đứt mạ từ khi sạ đến khoảng 20 ngày sau. Ruộng sạ hại nặng hơn ruộng cây. OBV có con đực, cái phân biệt, tỷ lệ đực/cái khoảng 3/7.

Vòng đời (đẻ – bắt cặp – đẻ lại) khoảng 3 tháng, tuy nhiên ốc có thể sống tới 3 năm. Trứng được đẻ trên cao, ổ trứng có màu hồng tươi, khi sắp nở có màu hồng nhạt, 1 ổ có khoảng 150 - 300 trứng, tỷ lệ nở 90 - 95%.

Trung bình 1 OBV cái có thể đẻ 500 - 1.000 trứng/tháng. OBV sống và gây hại chủ yếu trong nước, tuy nhiên ốc cũng có thể sống trên cạn, trong điều kiện bất lợi (khô hạn) ốc vùi mình xuống đất, khi có điều kiện thuận lợi (ruộng có nước) ốc trồi lên cắn phá trở lại. OBV có thể gây hại suốt ngày đêm, tuy nhiên thường gây hại chủ yếu vào chiều - tối. Thiên địch của OBV là kiến, chim, chuột, vịt, rắn, cá… và con người.

Để phòng trị OBV cần phải áp dụng tổng hợp các biện pháp, phải làm liên tục, rộng khắp và làm sớm trước khi mùa vụ bắt đầu.

Các biện pháp bao gồm đặt lưới chắn ở cống, bộng dẫn nước, vét rãnh, bắt ốc bằng tay, cắm cọc thu gom trứng, cày bừa kỹ, cày sâu, đưa nước vào ruộng sớm (trước khi sạ) nhử ốc trồi lên rồi diệt, sau khi sạ không đưa nước vào ruộng sớm, chỉ giữ ruộng đủ ẩm, sử dụng thuốc diệt ốc như DIOTO 250EC, TATOO 15B, BOSAGO 12AB… Sau thu hoạch (nếu điều kiện cho phép) thả vịt ăn ốc để hạn chế lứa sau.

Cần lưu ý nếu phòng trị bằng thuốc hoá học nên theo đúng hướng dẫn trên nhãn và có thể pha thêm ít rỉ đường để tăng tính dẫn dụ.

2. Rầy nâu

Rầy nâu gây hại bằng cách chích hút nhựa lúa, truyền bệnh virus… Rầy có thể gây hại từ giai đoạn sạ đến khi sắp thu hoạch. Ruộng bị cháy rầy thành từng chòm, nơi lúa mọc tốt, rậm rạp hay gần nơi có ánh sáng đèn vào ban đêm.

Rầy sinh sống và gây hại chủ yếu nơi gốc lúa. Rầy đẻ trứng ở bẹ và gân lá, có 5 tuổi, 2 - 3 ngày lột xác một lần, vòng đời khoảng 25 - 28 ngày, rầy trưởng thành thích ánh sáng đèn, có 2 dạng: cánh ngắn và cánh dài, ruộng đầy đủ thức ăn, rầy cánh ngắn chiếm đa số, khi ruộng hết thức ăn hay điều kiện thời tiết không thuận lợi, rầy sẽ di cư (vào ban đêm).

Ngoài thiệt hại do cháy rầy, rầy còn truyền bệnh virus vàng lùn, lùn xoắn lá và lúa cỏ. Bệnh không có thuốc trị.

Rầy non và rầy trưởng thành đều có khả năng truyền virus, rầy lột xác vẫn truyền bệnh, tuy nhiên bệnh không truyền qua trứng, thời gian ủ bệnh trong rầy khoảng 7 - 10 ngày, rầy nhiễm virus chích hút lúa chưa tới 1 giờ có thể truyền bệnh cho lúa khỏe, 1 cá thể rầy nâu có thể truyền cùng lúc cả hai bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, trên cùng một bụi lúa có thể mang cả hai bệnh VL, LXL, tuy nhiên cũng trong 1 bụi có thể có chồi bệnh, chồi không bệnh.

Thời gian ủ bệnh trên lúa tuỳ vào giống và giai đoạn bị nhiễm bệnh. Nhìn chung giai đoạn nhiễm bệnh càng sớm (khoảng 1 tháng sau khi sạ - lúa ngắn ngày), thời gian ủ bệnh sẽ càng ngắn và thiệt hại càng nặng. Cỏ lồng vực (cỏ gạo), cỏ đuôi phụng là ký chủ trung gian của bệnh, bệnh không lây qua trứng rầy, giống, đất, nước, gió, vết thương trên lúa…

Biện pháp quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa bao gồm biện pháp tổng hợp như: Hạn chế trồng giống nhiễm; Gieo sạ đồng loạt (né rầy) theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; Không sạ, cấy dầy; Vệ sinh đồng ruộng, không để lúa chét; Thả vịt ăn rầy (nếu điều kiện cho phép); Nâng mực nước trên ruộng để diệt trứng (nếu có thể); Thăm đồng thường xuyên nhất là giai đoạn đầu 1 tháng sau sạ; Chú ý trừ rầy giai đoạn mạ; Thường xuyên theo dõi thông báo sâu bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Phun thuốc đặc trị theo hướng dẫn của Cục BVTV như Butyl 10 WP, 400 SC, Bascide 50 EC, Schezgold 500WG, hoặc sairifos 585EC (dập dịch). Cần chú ý phun theo nguyên tắc "4 đúng". (Còn nữa)

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất