| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu chính thức được cấp phép sang Trung Quốc

Thứ Hai 19/08/2024 , 15:26 (GMT+7)

Ngày 19/8, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký. Ảnh: TTXVN.

Lễ ký diễn ra nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Sự kiện được đánh giá là sẽ mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bài liên quan

Các Nghị định thư được ký kết lần này gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Sau lễ ký, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, việc ký kết 3 nghị định thư là kết quả của quá trình trao đổi, đàm phán tích cực của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

"Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vừa được ký kết sang thị trường Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam", Bộ trưởng chia sẻ.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT cam kết tiếp tục làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai các bước tiếp theo sau khi các Nghị định thư được ký kết, đảm bảo doanh nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm nói trên vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.

Bài liên quan

Trong 3 nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.

Sầu riêng đông lạnh [bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ)] là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.

Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh giúp giảm áp lực thời vụ cho người dân. Ảnh: Minh Quý.

Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh giúp giảm áp lực thời vụ cho người dân. Ảnh: Minh Quý.

Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị "tỷ đô" vào năm 2025.

Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn. Việc ký nghị định thư đánh dấu sự kết thúc quá trình đàm phán kỹ thuật giữa hai bên, mở ra cơ hội cho dừa tươi Việt Nam tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm 2024, đồng thời dự báo tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo động lực cho ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều trang trại nuôi cá sấu tại Việt Nam phấn khởi vì nghị định thư vừa ký.

Nhiều trang trại nuôi cá sấu tại Việt Nam phấn khởi vì nghị định thư vừa ký.

Cá sấu là sản phẩm cuối cùng trong danh sách ký kết chiều 19/8, thể hiện sự đa dạng hóa các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia khác trên thế giới.

Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn 30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác hầu hết đều có giá trị kinh tế cao.

Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng cán bộ cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Bộ NN-PTNT

Ngày 14/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Luật Thủ đô - Những chính sách đặc thù, vượt trội: [Bài 1] Làm rõ 4 quan điểm lớn

Luật Thủ đô tạo ra một hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai thác và phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của Thủ đô.