| Hotline: 0983.970.780

'Số hóa' canh tác ở vùng chuyên canh lớn sầu riêng

Thứ Tư 18/01/2023 , 09:25 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Bình Phước hiện đã hình thành những vùng chuyên canh lớn trồng sầu riêng, áp dụng đồng bộ công nghệ số, tự động hóa trong canh tác để phục vụ xuất khẩu.

Mãn nhãn vườn sầu riêng công nghệ

Nhắc đến sầu riêng có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đó là sản vật của vùng miền Tây sông nước. Thế nhưng hiện nay, sầu riêng đã rất bén duyên với miền Đông đất đỏ. Hòa giữa màu xanh của những rừng cao su, điều, tiêu bạt ngàn là những miệt vườn sầu riêng xanh ngát đang đem lại thu nhập không nhỏ cho nông dân nơi đây.

070_Vinhbptv3373.00_08_48_03.Still010

Bạt ngàn sầu riêng tại Thị xã Phước Long. Ảnh: Trần Trung.

Chúng tôi đến Thị xã Phước Long, một trong "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh Bình Phước, trong không khí tất bật những ngày cuối năm, người trồng sầu riêng nơi đây có thêm niềm vui mới là sầu riêng của họ vừa được cấp mã vùng trồng (đợt II) để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Dù cuối năm bận bịu, song người dân nơi đây không quên nhiệm vụ chăm sóc vườn để đạt năng suất, chất lượng cao nhất cho vụ mùa tới.

Tuy nhiên, khác với cảnh công nhân lao động chạy đua với thời gian để tưới nước, bón phân, nhờ ứng dụng công nghệ số, cơ giới hóa vào sản xuất, chỉ cần có Smartphone trong tay là bà con vẫn có thể vừa vui đón Tết, vừa đảm nhận được các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, chính xác.

z4001263700123_86841e5f93ccdf1af28a2c0974d119bd

Anh Nguyễn Minh Hiếu đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Đến vườn sầu riêng VietGAP Gia Bảo Ecofarm của anh Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp số Bình Phước ở xã Phước Tín (Thị xã Phước Long) những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là hệ thống đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt liên tục “nhả” nước, tưới mát cho hàng ngàn cây sầu riêng, những chiếc xe cắt cỏ, xe phun xịt thuốc tự động hiện đại được nhập khẩu từ Nhật Bản đang uốn lượn quanh từng gốc để xử lý kỹ thuật ra hoa đậu trái cho vườn sầu riêng Ri6, Dona để kịp đón đầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

DSCN1817

Toàn bộ vườn cây được bón phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Ảnh: Trần Trung.

Đứng bên cạnh những gốc sầu riêng được dán tem truy xuất nguồn gốc còn mới toanh, anh Hiếu cho biết, với hi vọng đưa sản phẩm lợi thế "xuất ngoại", không chỉ tuân thủ các quy định, gia đình anh cũng như các nhà vườn nơi đây còn đầu tư hệ thống tưới và phun thuốc tự động. Đặc biệt, mới đây anh Hiếu còn đầu tư hẳn máy bay không người lái, xe phun thuốc tự động INAMCO, máy cắt cỏ tự hành… hàng tỷ đồng để làm vườn, ai nấy đều trầm trồ, thán phục.

IMG_4099

Cơ giới hóa đã giúp việc canh tác sầu riêng tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Hiếu, Thị xã Phước Long - thị xã sôi động bậc nhất Bình Phước, hầu hết người dân kinh doanh dịch vụ, lao động không rành về nông nghiệp, chưa kể họ tập trung vào các xưởng chế biến hạt điều. Với hơn 10ha sầu riêng VietGAP đang trong độ tuổi cho thu hoạch, nếu không ứng dụng công nghệ và trang thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất thì người làm vườn không thể quán xuyến nổi khối lượng công việc khổng lồ của trang trại. Tuy số tiền đầu tư khá lớn nhưng so với số tiền thuê công nhân thì cũng xấp xỉ bằng nhau. Mặt khác, nhờ công nghệ, đã giải quyết kịp thời vụ, tiết kiệm phân bón, thuốc BVTV, sản phẩm làm ra đồng đều, bắt mắt, được thị trường ưa chuộng.

2a3752dc663abe64e72b

Nhờ cơ giới hóa và công nghệ, anh Hiếu đã làm chủ được thời vụ. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện trung bình mỗi ha tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng, bù lại, tôi giải phóng được rất nhiều sức lao động, kiểm soát được nước tưới, phun thuốc cho cây. Bên cạnh đó, từ khi áp dụng mô hình kỹ thuật này, năng suất vườn sầu riêng cũng tăng lên khoảng 30%. Đặc biệt, những quả sầu riêng được sản xuất ra mẫu mã đẹp, đồng đều, chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện do được chăm bón điều độ, đúng lịch thời vụ”, anh Hiếu phấn khởi nói.

Làm vườn chỉ cần có Smartphone

Chưa bằng lòng với những tiến bộ kỹ thuật hiện có, anh Hiếu đang tiếp tục tiến tới đưa ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT) vào sản xuất nhằm hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Bên cạnh đó, nhằm san sẻ kinh nghiệm sản xuất sầu riêng, anh Hiếu còn là một trong thành viên sáng lập HTX Nông nghiệp số Bình Phước và giữ vai trò Phó Giám đốc HTX.

596d5c766890b0cee981

Anh Hiếu "số hóa" từng góc sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

“Với ứng dụng tiên tiến, chỉ cần lướt nhẹ những đầu ngón tay trên chiếc smartphone là công việc chăm sóc vườn tự động diễn ra. Sáng sớm, tôi đã có thể thảnh thơi ngồi ở chiếc bàn nhỏ đặt bên cửa sổ nhà nhìn ra vườn, vừa ăn sáng vừa trò chuyện với vợ con và ngắm vườn sầu riêng. Các công việc chăm sóc vườn sầu riêng nếu thực hiện bằng phương pháp thủ công sẽ mất thời gian cả ngày thì nay chỉ cần 2 - 3 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp không đồng nghĩa với việc bỏ mặc cho công nghệ ở mọi công đoạn. Việc còn lại của chúng ta sau khi giải phóng được sức lao động là để tâm đến thể trạng cây cối, dành thời gian thăm nom cây cối trong vườn để hiểu hơn về bệnh tình của cây nhằm có hướng xử lý kịp thời trong trường hợp cây bị bệnh, trái không đạt chuẩn như mong muốn”, anh Hiếu chia sẻ.

DSCN1840

Máy bay không người lái cũng được anh Hiếu sử dụng hiệu quả, giải bài toán khan hiếm nhân công lao động. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Phạm Viết Thuật, Chủ tịch UBND xã Phước Tín, địa phương có diện tích sầu riêng nhiều nhất tỉnh, gần đây, một số hộ gia đình cũng đang bắt đầu thử nghiệm cách làm nông nghiệp thông minh để tiết kiệm sức lao động, dù cho chi phí ban đầu để thiết kế kỹ thuật đầu tư cũng khá tốn kém.

“Trong thời điểm khan hiếm lao động, vật tư sản xuất nông nghiệp tăng cao, thị trường nội địa bấp bênh, sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch là con đường duy nhất để nâng cao giá trị nông sản nói chung và sầu riêng tại địa phương nói riêng.

IMG_4067

Những quả sầu riêng được sản xuất ra mẫu mã đẹp, đồng đều, chất lượng sản phẩm được cải thiện do được chăm bón điều độ, đúng lịch thời vụ. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, tại địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sầu riêng ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, Gia Bảo Ecofarm là mô hình tiên phong và đã gặt hái được những thành công nhất định. Đây là mô hình bà con nên học tập để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”, ông Thuật nhấn mạnh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, thiên nhiên khá ưu đãi với Bình Phước bởi nơi đây có vùng đất đỏ bazan vô cùng màu mỡ, đặc biệt loại đất này chứa hàm lượng lưu huỳnh cao, giúp sản phẩm sầu riêng địa phương có chất lượng cao, thời gian canh tác ngắn. Hiện Bình Phước có 3.000ha sầu riêng, mỗi ha chuyên canh sầu riêng tại địa phương mang về lợi nhuận cho nhà vườn hàng trăm triệu đồng/năm. Đây là động lực để bà con tập trung sản xuất và phát triển diện tích theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc.

DSCN1828

Bình Phước sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng được vùng chuyên canh lớn sầu riêng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Theo định hướng phát triển của tỉnh, thời gian tới sẽ nâng tổng diện tích sầu riêng lên đạt từ 8.000 – 10.000ha. Để đảm bảo việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, Bình Phước sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất, hỗ trợ về kỹ thuật để người trồng sầu riêng địa phương áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất và xây dựng được vùng chuyên canh lớn phục vụ xuất khẩu.

“Hiện địa phương đã chuẩn bị khoảng 1.500ha sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, HTX Nông nghiệp số Bình Phước là một trong những HTX có quy trình sản xuất tốt, vừa được tỉnh công nhận sản phẩm sầu riêng tươi OCOP 4 sao và địa phương cũng chọn HTX này làm đầu tàu để dẫn dắt quả sầu riêng địa phương xuất khẩu”, ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước khẳng định.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.