Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, hiện nay các tỉnh khu vực Tây Nguyên luôn lo lắng về đầu ra của nông sản tuy nhiên doanh nghiệp lại bận tâm đến nguồn đầu vào.
Bà Vy cho biết, trong 1 năm trở lại đây, Công ty Chánh Thu, từ việc chỉ có thị trường Trung Quốc, đã mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật, Úc… Tín hiệu mang lại rất khả quan khi người tiêu dùng các nước đã thay đổi sự ưa chuộng sầu riêng Musang King của Malaysia sang sầu riêng Ri6 của Việt Nam.
“Chúng tôi xác định quả sầu riêng sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới nên Công ty đã đầu tư nhà máy công suất lớn với 300-500 tấn/ngày tại khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên nỗi lo lớn nhất vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào. Hi vọng trong mùa vụ tới, tỉnh Đắc Lắk có thể cung cấp được cho Chánh Thu 3.000 tấn sầu riêng, qua đó xây dựng được tư duy về nguồn cung ổn định nơi người nông dân”, bà Ngô Tường Vy kì vọng.
Ngoài ra, đại diện Công ty Chánh Thu cho biết sẽ đồng hành cùng các HTX trong tư vấn kĩ thuật, chịu trách nhiệm về vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết, tạo nguồn cung ổn định để thúc đẩy xuất khẩu.
“Chúng tôi đang phấn đấu để xây dựng thương hiệu sản phẩm sầu riêng OCOP 5 sao, từ đó quảng bá sang các thị trường khó tính nhưng vô cùng tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản….”, bà Vy cho hay.
Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cũng cho rằng quả chanh dây tại Tây Nguyên là sản phẩm rất đáng được quan tâm. Nhu cầu quả chanh dây tươi của thế giới lớn, Việt Nam cần có những đề án hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch để có thể xuất khẩu.
Phát biểu tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 sáng ngày 25/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các Sở NN-PTNT tiếp tục nắm đầu mối nông sản, và phải “nắm rất rõ” để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. “Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất”.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc lưu thông giữa vùng nguyên liệu đến các cơ sở chế biến và tiêu thụ đang gặp khó khăn. Hiện tỉnh Đắk Lắk đang có 20.000 tấn sầu riêng, 10.000 tấn bơ đến kỳ thu hoạch cần kết nối tiêu thụ sớm để được giá tốt nhất.