| Hotline: 0983.970.780

Sau sạt lở đất, bà con vùng núi nên làm gì?

Thứ Tư 18/09/2024 , 06:35 (GMT+7)

Những cây lâm nghiệp đa tác dụng vừa giúp tăng độ che phủ, chống xói mòn, rửa trôi, hạn chế lũ quét, sạt lở đất, vừa giúp bà con có thu nhập tốt.

Thật đau lòng khi chứng kiến những vụ sạt lở đất khủng khiếp ở vùng núi phía Bắc. Cảnh tan hoang và những khuôn mặt thẫn thờ của bà con nơi thảm họa khiến chúng ta hết sức đau xót. Cả nước đang hướng về những miền quê tan hoang đó. Hàng trăm đoàn xe cứu hộ, cứu trợ nối đuôi nhau kéo lên những vùng đất đau thương ấy. Ai cũng muốn góp phần vào việc hỗ trợ cho bà con…

Lũ quét, sạt lở đất đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về người và tài sản cho các tỉnh miền núi mỗi mùa mưa bão tới. Ảnh: Kiên Trung.

Lũ quét, sạt lở đất đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về người và tài sản cho các tỉnh miền núi mỗi mùa mưa bão tới. Ảnh: Kiên Trung.

Nhưng lâu dài, chúng ta phải làm gì? Để ổn định cho nhân dân trên những vùng núi non ấy, chúng ta cần có những chủ trương đúng đắn, những hướng đi có hiệu quả, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài và sung túc cho bà con các dân tộc ở đây.

Hiện nay, trên các bản vùng cao, bà con thường chỉ trông vào cây ngô, cây sắn và một số vùng có lúa lúa nương. Những cây trồng ngắn ngày này không có khả năng giữ được nước khi mưa lớn. Nước sẽ dồn xuống các khe núi. Chúng sẽ tạo thành những dòng nước lũ gây xói lở dữ dội, cuốn đi mọi thứ theo dòng chảy. Đồng thời, những lớp đất mặt khi gặp mưa lớn kéo dài đã no nước, đến một lúc nào đó sẽ bị bong ra và tràn xuống chân núi cùng với nước lũ. Chúng sẽ vùi lấp mọi nhà cửa, làng mạc, ruộng vườn nơi chúng đi qua. Chúng ta đã chứng kiến điều đó. Nếu không có biện pháp khắc phục thì hiện tượng này sẽ còn xảy ra thường xuyên. Vậy, phải làm gì?

Từ lâu, Chính phủ đã có những chủ trương phủ xanh những vùng đồi núi trên khắp đất nước. Những rừng cây rậm rạp sẽ làm giảm sức công phá của mưa từ trên trời trút xuống. Nước sẽ được giữ lại một phần dưới các tán rừng nhờ thảm thực vật dày đặc bên dưới. Hệ thống rễ cây lớn sẽ góp phần giữ nước, giữ cho cây và giữ cho lòng đất không bị trôi đi. Vì vậy, rừng có tác dụng hết sức to lớn trong việc chống sạt lở

Những quả đồi trồng ngô bị sạt lở loang lổ sau những trận mưa lớn kéo dài tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Những quả đồi trồng ngô bị sạt lở loang lổ sau những trận mưa lớn kéo dài tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Lâu nay ở ta, rừng chủ yếu được trồng keo và bạch đàn. Các loại cây này sau 5 - 7 năm là lại bị chặt trụi để đưa đi bán và sau đó lại được trồng lại. Thời gian đất trống rất dài. Gần đây, chúng ta có chủ trương trồng rừng gỗ lớn. Cây được giữ lại 7 - 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Đây là chủ trương đúng nhưng nhiều nơi bà con không mặn mà vì thời gian được thu hoạch phải chờ đợi quá lâu. Đảng và Chính phủ đã có những chính sách để hỗ trợ cho việc trồng rừng gỗ lớn.

Tuy nhiên, để giữ rừng lâu dài, chúng ta cũng có thể đưa vào trồng các loại cây lâm nghiệp đa tác dụng. Những cây trồng này khoảng 3 - 5 năm là bắt đầu cho thu hoạch và điều quan trọng nhất là chúng có thể giữ tới cả trăm năm.

Xin ví dụ: Cây dẻ ăn hạt trồng ở những vùng đồi núi bạc màu của tỉnh Lạng Sơn chỉ 3 năm là bắt đầu được thu hoạch. Những cây 5 năm tuổi có thể cho thu 10 - 15kg hạt. Giá hạt dẻ hiện nay là 100.000đ/kg. Như vậy, mỗi cây có thể cho thu từ 1 - 1,5 triệu đồng. Mỗi ha trồng 400 cây. Như vậy, mỗi năm thu được 400 triệu/ha. Điều này vượt xa việc trồng keo ở miền xuôi.

Ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh ở Tây Bắc và Việt Bắc hiện đang phát triển cây mắc ca. Mắc ca là loài cây nhập nội nhưng lại rất thích hợp với nhiều vùng đồi núi ở Việt Nam. Riêng ở phía Bắc, khắp các tỉnh Tây Bắc và nhiều tỉnh ở Việt Bắc đã đưa mắc ca vào trồng, hiệu quả rất rõ ràng.

Mắc ca là cây lâm nghiệp đa dụng, vừa cho hiệu quả kinh tế khá, vừa là cây lâu năm, tán khá dày và rộng, sẽ là gợi ý tốt để hạn chế xói mòn, rửa trôi, lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: NNVN.

Mắc ca là cây lâm nghiệp đa dụng, vừa cho hiệu quả kinh tế khá, vừa là cây lâu năm, tán khá dày và rộng, sẽ là gợi ý tốt để hạn chế xói mòn, rửa trôi, lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: NNVN.

Nếu có dịp lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và một số tỉnh ở Việt Bắc, bà con sẽ được chứng kiến những rừng mắc ca rộng lớn. Chúng đang dần dần lấp đầy những vùng đồi núi lâu nay trơ trụi, toàn cỏ dại. Chỉ ít năm sau, mắc ca sẽ ken đặc và phủ kín những vùng đồi gò hoang sơ ấy. Mắc ca cho thu nhập rất cao mà chúng lại sống tới cả trăm năm. Khi có được những rừng mắc ca, sẽ có được cuộc sống yê ổn và sung túc.

Danh sách những loài cây lâm nghiệp đa tác dụng còn rất dài. Ở những khu vực quanh thôn, bản, bà con nên đưa những loài cây này vào trồng.

Ngày xưa phải tự túc, tự cấp. Bây giờ cứ có tiền là người ta đưa gạo đến tận nơi cho bà con. Vấn đề là làm gì để ra được nhiều tiền. Đưa vào trồng những cây lâm nghiệp đa tác dụng sẽ vừa giúp giữ cho vùng đất đồi núi bền chặt, vừa tăng độ che phủ, chống xói mòn, rửa trôi, hạn chế lũ quét, sạt lở đất, vừa giúp bà con có thu nhập cao. Vì vậy, hãy sớm tiếp cận với những loài cây này.

Hi vọng, chúng ta sẽ không phải chứng kiến những cơn đại hồng thủy như vừa qua nữa.

Xem thêm
Hơn 1.000 hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nhờ sáng kiến 'Chăn Hênh'

SƠN LA Qua 3 năm triển khai tại huyện Mai Sơn, trên 1.000 hộ dân được tập huấn về các kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 2] Không để ảnh hưởng tới chăn nuôi

ĐỒNG NAI Để không ảnh hưởng đến đàn gia cầm của tỉnh, Đồng Nai cần phải rà soát lại công tác phòng chống dịch, nhất là lứa chăn nuôi quan trọng nhất trong năm.

Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá

Giống sắn HN1 cho năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội.