| Hotline: 0983.970.780

Sâu tấn công dừa, chôm chôm

Thứ Tư 10/07/2013 , 09:45 (GMT+7)

Ngoài các loại sâu, bệnh thường gặp thì gần đây một loài “sâu đục trái” tấn công cây dừa làm rụng nhiều trái non.

Ngoài các loại sâu, bệnh thường gặp thì gần đây một loài “sâu đục trái” tấn công cây dừa làm rụng nhiều trái non. Còn cây chôm chôm thì bị ruồi đục trái gần chín và chín làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Hữu Đoàn, cán bộ Trạm BVTV huyện Châu Thành, Bến Tre cho biết: Người trồng dừa đang rất lo lắng trước nạn “sâu đục trái” tấn công vườn. Kết quả ghi nhận được của Trạm: Thành trùng là một loài bướm có chiều dài khoảng 15 mm, màu xám tro, trên cánh nổi những đường viền màu hồng nhạt, giữa mỗi cánh có một đốm đen, rìa cuối cánh có tua mịn và nhiều chấm đen vòng theo tua.

Bướm khi đậu xếp cánh hình tam giác. Sâu non tuổi nhỏ có màu nâu nhạt, tuổi càng lớn chuyển màu nâu đậm, đầu của sâu màu đen, bóng. Sâu non đẫy sức dài khoảng 20 - 22 mm, mỗi đốt trên lưng có những nốt gờ đen nhỏ và có những sợi lông thưa. Sâu đẫy sức chui ra ngoài trái nhả tơ gom các xác bã, phân tạo thành kén và hóa nhộng, nhộng dài khoảng 15 mm.


Sâu dục trái dừa

Sâu non đục vào trong trái dừa khi dừa còn non, vết đục thường ngay phần non dưới mầu dừa, sâu non đục sâu vào bên trong trái ăn phần xơ và gáo non của trái và chúng đùn phân ra ngoài miệng đường đục, một thời gian sau trái bị hư, rụng hàng loạt.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc, Trường Đại học Cần Thơ nhận định: Sâu đục trái dừa có tên khoa học Tirathaba sp (chưa xác định loài) thuộc họ Pyralidae (ngài sáng), bộ Lepidoptera (cánh vẩy). Biện pháp phòng ngừa trước tiên là nên vệ sinh vườn dừa thường xuyên để hạn chế nơi sâu trú ẩn và gây hại. Nên loại bỏ, tiêu hủy những trái dừa đã bị sâu hại.

Đây là loài sâu hại mới phát triển trong thời gian gần đây và đã có trong tỉnh Bến Tre, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra biện pháp phòng trừ bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc hóa học trên cây dừa.

Còn trên cây chôm chôm cũng đang bị con “ruồi đục trái” gây hại khá nghiêm trọng, làm giảm năng suất và thu nhập của nhà vườn rất lớn. Đây là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm hàng đầu ở tất cả các vùng trồng cây ăn quả ĐBSCL.

Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu: Ruồi đục trái chôm chôm có tên khoa học Bactrocera dorsalis thuộc họ Trypetidae, bộ Diptera. Ruồi trưởng thành có thân dài khoảng 6 - 7 mm, sải cánh rộng 8 - 9 mm; ngực có ba vệt vàng xếp thành hình chữ U; bụng có hai vệt đen hình chữ T; cánh trong suốt, mép cánh có sọc đen.

Con cái cuối bụng có ống đẻ trứng dài, nhọn, hình hạt gạo, dài khoảng 1 mm. Ấu trùng dạng dòi, không chân, dài khoảng 6 - 8 mm, màu vàng nhạt, miệng có móc cứng. Nhộng dài 6 - 7mm, hình trứng, màu đỏ nâu…

Vòng đời trung bình 20-30 ngày bao gồm thời gian trứng 2 - 3 ngày, ấu trùng 10 - 15 ngày, ruồi trưởng thành đẻ trứng 1 - 2 ngày sau khi vũ hóa và có thể sống trên 30 ngày, hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa.

Ruồi cái chọc sâu vào vỏ trái chôm chôm đẻ thành chùm từ 5 - 10 trứng, sau 3 ngày ruồi đẻ trứng ấn nhẹ vào vết chích nước sẽ gỉ ra. Dòi nở ra ăn thịt trái, tuổi càng lớn dòi càng đục sâu vào phía trong làm trái bị thối và rụng. Ruồi đục trái phá hại trái già gần chín, trái chín làm giảm sản lượng rất nghiêm trọng.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chi cục phó Chi cục BVTV Bến Tre thì biện pháp phòng trị trước mắt là thu hoạch kịp thời, không để trái chín quá lâu trên cây; thường xuyên thu gom những trái bị rụng đem tiêu hủy bằng cách chôn sâu dưới đất có rải vôi bột để tiêu diệt trứng và dòi non để tránh lây lan, đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế sự phát triển và lây lan của ruồi.

Khi ruồi trưởng thành phát sinh dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugennol (Vizubon-D) để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc sử dụng chế phẩm Sofri-Protein 10 DD, phun mỗi cây khoảng 20 - 50 ml bả mồi, chỉ phun thành đốm nhỏ bằng nón lá dưới tán cây, không nên phun trực tiếp trên trái. Phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7 ngày.

Thời gian phun tốt nhất là từ 8 - 10 giờ sáng, tránh phun vào những ngày mưa, chế phẩm sẽ không có tác dụng hấp dẫn và diệt ruồi. Không nên phun thuốc trừ sâu trực tiếp lên trái để diệt dòi vì thường hiệu quả không cao và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Có thể tự làm bả bẫy ruồi bằng cách dùng miếng khóm hoặc cam quýt chín có tẩm thuốc trừ sâu cho vào gáo dừa và treo trên cành cây.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm