| Hotline: 0983.970.780

Sau Tết, ngồi "ôm" mai ế

Thứ Ba 31/01/2012 , 09:24 (GMT+7)

Không chỉ các chủ vườn mà cả thương lái cũng đang “đau đầu” vì những chậu mai còn “lưu chủ”.

Những chậu mai ế được chở về nuôi đợi sang năm bán

Sau cái tết ế hàng, hầu hết lượng mai chuẩn bị phục vụ người tiêu dùng chơi xuân tại làng mai Háo Đức, xã Nhơn An (TX An Nhơn - Bình Định) đều bị tồn đọng. Không chỉ các chủ vườn mà cả thương lái cũng đang “đau đầu” vì những chậu mai còn “lưu chủ” này.

Tồn đọng mai ế

Năm nay đã là năm thứ 3 mai tết ở Nhơn An ế hàng. 2 năm trước, do mai nở hoa muộn, không bán được. Năm nay thì do suy thoái kinh tế, chẳng ai có tiền để ngó ngàng đến những chậu mai. Những năm trước đây, vào thời điểm này, sau khi bán mai tết, các nhà vườn trống hoác. Vừa ăn tết xong, người trồng mai ở Nhơn An chuẩn bị đưa những chậu mai nhỏ vào vườn chăm sóc, đợi đến tết sang năm đưa ra bán. Thế nhưng năm nay, nhà vườn nào cũng còn tồn đọng đầy ắp những chậu mai ế.

Anh Nguyễn Văn Thành ở khu phố Vĩnh Liêm, thị xã Bình Định, 1 người chuyên mua mai về “nuôi” bán Tết than thở: “Năm nay tôi chuẩn bị trong vườn 20 cây mai để bán tết, giá trị mỗi cây khoảng 7-8 triệu đồng. Mãi đến 26 tháng Chạp mới có người đến trả mua 1 chậu, nhưng chỉ trả đến 2 triệu là hết giá. Bí tiền quá tôi cũng đành bán để sắm đồ cho con ăn tết”.

Các thương lái mua mai đi bán nơi xa cũng cùng cảnh ngộ. Anh Tư Cát ở thị xã An Nhơn cho biết: “Năm nay thời tiết miền Bắc rét đậm vào những ngày cuối năm, sợ mang ra đó mai “tịt”, không ra hoa bán không được như năm ngoái nên tôi chuyển thị trường lên các tỉnh Tây Nguyên. Lo xa là vậy nhưng cũng bị lỗ chỏng gọng”. Vào 20 tháng Chạp, anh Cát chở lên Đăk Lăk hơn 100 chậu mai. 10 ngày sau vẫn không bán được chậu nào. Nhà có xe tải nên anh Cát nhanh chóng chuyển thị trường, chở mai ngược xuống Kon Tum. Thế nhưng chuyển hướng vẫn thất bại.

Tại Kon Tum mai tết cũng ế ẩm nằm la liệt. Đến ngày cuối cùng, anh Cát đành bán rẻ cho các nhà vườn ở đó mỗi chậu chỉ 200.000đ để quay về nhà ăn tết cùng gia đình. “Mai ở nhà trồng chứ không phải mua đi bán lại và có xe nhà nên tôi không phải chịu lỗ như những thương lái khác”, anh Cát tâm sự.

Cùng cảnh ngộ như anh Cát, nhưng anh Kiên phải “méo mặt” vì lỗ đậm. “Tết này tôi về Nhơn An mua 80 chậu mai. Giá mua xô tại vườn là 200.000đ/chậu. Thuê xe chở lên Kon Tum mất 4 triệu đồng thế nhưng bán mai không được. Cuối cùng phải bán đổ bán tháo cho nhà vườn chỉ 150.000đ/chậu chứ chở về không biết chứa vào đâu cho hết vì nhà không có đất vườn”.

 Nhìn cảnh anh Bốn Lợi, người cùng quê của anh Cát tất tả trong những ngày cuối năm đi thuê đất để tập kết 70 chậu mai ế mà thấy xót lòng. “Rõ ràng tui không bán được chậu nào, mai mua 400-500 ngàn 1 chậu mà người ta chỉ trả mua có 150.000đ/chậu làm sao bán”, anh Lợi than thở.

Gánh nặng nuôi mai

“Nếu như những năm trước, mỗi cái tết người trồng mai trong xã thu từ 8-10 tỷ đồng thì năm nay chỉ thu được 4 tỷ đồng. Số lượng mai tồn đọng qua tết này đang cần thay chậu có khoảng vài ba ngàn chậu chứ không ít”, ông Bùi Văn Cư - Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho biết.

Những chậu mai ế hầu hết phải được thay từ chậu số nhỏ hơn sang chậu số lớn hơn để vừa tầm vóc chúng phát triển sau này. Bởi vậy, vừa qua 3 bữa tết là các chủ vườn lập tức bám vườn. Làng mai Nhơn An trong những ngày này bừa bộn như 1 công trường. Những vườn mai tấp nập xe cải tiến kéo đất vào ra với hàng chục nhân công bứng mai thay chậu.

Ông Võ Chấp Chánh (56 tuổi) ở thôn Tân Dương bên vườn mai 5.000 chậu tâm sự: “Đây là quãng thời gian mà mọi nhân lực trong địa phương đều dồn cả ra ngoài vườn, nhà nào đơn chiếc thì thuê công ngoài, giá thuê công lao động phổ thông hiện tăng đến 100.000-150.000đ/ngày, nhiều lúc kiếm không ra công. Tôi phải vừa chăm sửa lại những nhánh bị chết vừa hướng dẫn cho anh em cách bứng mai thay đất sao cho không làm ảnh hưởng đến cây. Mai rất kén đất, muốn mai phát triển tốt, cho nhiều búp hoa vào năm sau thì đất thay phải là đất phù sa mầu mỡ, tốt nhất là đất bồi ven sông sau mùa lũ lụt”.

Từ khi Nhơn An trở thành làng mai thương phẩm thì tại đây cũng hình thành nên dịch vụ cung ứng đất. Ông Chánh cho biết thêm: “Đất trồng mai giờ cũng đã tăng đến 400.000-500.000đ/1 xe Chiến Thắng. Để thay chậu cho 2.000 gốc mai lớn phải cần đến 20 xe đất và khoảng hơn 100 triệu tiền chậu nữa”.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.