| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 15/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 15/06/2015

Sau thành công của Ánh Viên

Nếu được phép bình chọn hai từ ấn tượng nhất trên truyền thông các ngày qua thì kết quả không thể là gì khác ngoài Ánh Viên, cô gái vàng của bơi lội nước nhà.

Ánh Viên đã đem lại 8 tấm huy chương vàng và phá 8 kỷ lục SEA Games. Báo chí nước ngoài tung hô cô, họ gọi Ánh Viên là “cô gái thép”. Ánh Viên tỏa sáng rực rỡ trên đấu trường lớn nhất Đông Nam Á, cô là niềm tự hào của Việt Nam, thậm chí là của cả khu vực.

Nhưng trên chặng đường đã qua, sau huấn luyện viên, có một người quan trọng đóng góp vào thành công của cô. Người đã dạy cô bơi từ khi mới 3 tuổi, ông nội cô.

Không hiểu cái ngày mà ông nội dắt cô xuống sông để tập bơi, ông có nghĩ tới một ngày nào đó, đứa cháu gái bé bỏng của mình có thể làm được những điều lớn lao đến thế không. Nhưng nếu không có cái ngày đẹp trời ấy thì thể thao Việt Nam không thể có một “cô gái vàng” như bây giờ được.

Không biết nên vui hay buồn khi một tài năng lớn được phát hiện nhờ sự may mắn như thế.

Những câu chuyện may rủi này thực ra không chỉ xuất hiện trong bơi lội với Ánh Viên. Nó dễ thấy ở nhiều môn thể thao khác, như là bóng đá, như là cầu lông.

Công Phượng không biết sẽ làm nghề gì nếu không có cái ngày mà Bầu Đức hứng lên đòi mở Học viện bóng đá. Và Tiến Minh liệu có thể tung hoành trên các đấu trường thế giới hay không nếu không có sự hậu thuẫn từ gia đình anh.

Thế cuối cùng thì Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Giáo dục Đào tạo đã làm được gì trong việc phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng?

Và có bao nhiêu tài năng đã bị bỏ phí vì những sự may rủi như thế? Chúng ta liệu có thể làm gì để các tài năng như Ánh Viên không bị lọt?

Có thể thấy chương trình học các môn giáo dục thể chất cho các em hiện quá nghèo nàn. Trong các trường phổ thông, học sinh đang được học những môn nào khác ngoài đá cầu, nhảy xa, nhảy cao, chạy ngắn và thể dục nhịp điệu.

Với riêng bơi lội, câu chuyện thậm chí không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng. Nó còn là câu chuyện về sự sinh tồn, về sự sống và cái chết. Khi mỗi năm cả nước có khoảng 5.000 – 6.000 trẻ em chết vì đuối nước.

Và mỗi ngày, đuối nước cướp đi sinh mạng của gần 20 đứa trẻ. Nó cũng có nghĩa là khi bạn đang ngồi đây thì ở đâu đó ngoài kia vẫn có những đứa trẻ chới với trong làn nước kia rồi chìm dần, từng giờ một.

Những cái chết có thể đã không xảy ra nếu chúng ta làm tốt công tác dạy bơi cho trẻ trong trường học. Nó có lợi cho các em, cho nền thể thao nước nhà. Nhưng cho đến nay, sau nhiều năm triển khai, việc “xóa mù bơi” của Bộ Giáo dục Đào tạo hiện vẫn chưa có kết quả, học sinh thì chủ yếu vẫn được học bơi… trên giấy.

Cuối cùng, thì một nền thể thao mạnh không phải là một nền thể thao có nhiều vận động viên đoạt huy chương vàng. Một nền thể thao mạnh phải xuất phát từ một xã hội khỏe mạnh với nhiều người chơi thể thao.

Những người làm thể thao, làm giáo dục có lẽ nên hướng tới một nền thể thao cho mọi người, chứ không chỉ tập trung đào tạo vài vận động viên theo kiểu “gà nòi”. Vì nó không mang lại điều gì khác, ngoài những tấm huy chương.