| Hotline: 0983.970.780

Sấy hồng công nghệ Nhật Bản

Thứ Năm 18/12/2014 , 10:13 (GMT+7)

Hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản không sử dụng chất bảo quản, không ướp hóa chất hay bất cứ phụ gia nào. 

Nếu như trước đây, vào những mùa chín rộ, hồng Đà Lạt không ít lần phải đổ bỏ hoặc bán với giả rẻ mạt thì ngày nay, một công nghệ sấy hồng mới vừa được anh Trần Phú Lộc, ngụ đường Ba Tháng Tư, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đưa từ Nhật Bản về áp dụng, cho ra sản phẩm khá hấp dẫn.

Tháng 11 vừa qua, anh Lộc thuê một người phiên dịch cùng sang Nhật học cách sấy hồng. Anh kể, nơi xứ người, anh trở thành một nông dân thực sự, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với những công nhân trồng, chăm sóc, thu hoạch và sấy hồng. Vừa làm, vừa học hỏi, vừa quan sát, ghi chép tỉ mỉ vào một cuốn sổ.

“Nông dân xứ mình trồng hồng lạc hậu quá, rất nhiều cái tôi thấy mình làm ngược với quy trình SX ở nước họ. Ở ta thì cứ chăm sóc sao cho cây càng cao to càng tốt và tin rằng năng suất cao.

Bên Nhật họ không để cây hồng phát triển cao, tất cả ngọn đều bỏ để cây tập trung phát triển tán, vươn rộng bề ngang. Cây hấp thụ được nhiều ánh sáng mặt trời, nhiều tán, cho nhiều quả (mỗi cây trưởng thành có thể đạt tới 400 kg quả), lúc thu hoạch cũng rất dễ dàng vì chỉ cần đứng dưới đất để hái, không phải đem sào đi khều từng quả như ở ta", anh Lộc kể.

Ông Lê Tuấn Anh, chuyên viên Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết, kỹ thuật chế biến hồng khô ở Nhật Bản hoàn toàn khác với cách làm truyền thống của Đà Lạt. Người Nhật không sử dụng lò sấy như nước ta mà hồng khô của họ sấy bằng không khí. Việc anh Lộc đưa công nghệ này về áp dụng là một hướng đi mới, nâng cao chất lượng và thương hiệu hồng Đà Lạt.

Sau khi nắm vững quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và sấy khô hồng, anh Lộc về làm thử. Một nhà sấy với tương đối đầy đủ các thiết bị máy móc đã được anh dựng lên ngay tại vườn hồng của gia đình mình.

Hồng dùng sấy khô là những quả to, căng mọng, chín vàng, được hái cả cuống, rửa sạch, đưa vào máy bóc lớp vỏ ngoài.

Tiếp đó, những trái hồng được treo lên sợi dây dù nhỏ, xếp thành từng hàng đưa ra sấy bằng ánh nắng mặt trời qua lớp không khí trong nhà kính và lưới làm mát. Ngoài ra, nhà sấy luôn luôn bật quạt để giữ nhiệt độ nóng vừa phải và khô theo hơi gió.

Hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản không sử dụng chất bảo quản, không ướp hóa chất hay bất cứ phụ gia nào. Trong quá trình sấy, gia chủ luôn theo dõi nhiệt độ trong nhà sấy để điều chỉnh, loại bỏ những trái hư hỏng. Sau gần 1 tháng thì thành phẩm chuyển sang đóng gói và đưa đi tiêu thụ.

Anh Lộc cho biết, đã sấy được một mẻ, kết quả thành công ngoài mong đợi. Hồng Đà Lạt sấy theo công nghệ Nhật Bản giữ được lượng đường trong quả, độ ngọt đậm đà, hương thơm tự nhiên, đặc biệt mềm và dẻo, đó là những lợi thế hơn hẳn so với cách sấy hồng theo kiểu truyền thống hiện nay là hồng sấy rất dai và cứng.

Để có chất lượng quả hồng tốt nhất trước khi đem sấy, anh đang lên kế hoạch sẽ cho nhà vườn ứng tiền trước và chuyển giao công nghệ trồng, cách chăm sóc, thu hoạch.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.