| Hotline: 0983.970.780

Shopee vẫn bỏ xa các đối thủ trong cuộc đua thị phần thương mại điện tử

Thứ Tư 14/08/2024 , 11:32 (GMT+7)

Trong quý II/2024, gần 3/4 doanh thu các sàn thương mại điện tử đổ vào Shopee (71,4%); TikTok Shop đứng thứ hai với tỷ lệ 22%. Còn Lazada và Tiki thì ngày càng hụt hơi...

Công ty phân tích và tư vấn YouNet ECI vừa công bố báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử quý II/2024 với nhiều số liệu đáng chú ý về cuộc cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.

Theo đó, trong quý II/2024, 4 nền tảng thương mại điện tử lớn và phổ biến nhất tại Việt Nam là: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki mang về tổng cộng 87,37 nghìn tỷ đồng tổng giao dịch (GMV), tăng trưởng 10,4% so với quý trước đó.

Đáng chú ý, Shopee tiếp tục là nền tảng dẫn đầu với doanh thu 62,38 nghìn tỷ đồng, đạt 71,4% thị phần GMV. Shopee cũng đồng thời chiếm trên 50% thị phần cho tất cả các nhóm ngành hàng thương mại điện tử.

Kế đến, TikTok Shop tiếp tục giữ vị trí thứ 2 với 19,24 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,0% thị phần GMV. Như vậy kể từ tháng 11/2024, TikTok Shop đã vượt qua Lazada và liên tục duy trì được vị trí thứ hai thị trường về thị phần GMV.

Xếp thứ 3 và 4 lần lượt là Lazada (5,16 nghìn tỷ đồng) và Tiki (584,77 tỷ đồng) - ngày càng hụt hơi trong cuộc đua về thị phần với hai ông lớn kể trên.

Cũng theo YouNet ECI, so sánh giữa hai nền tảng, tốc độ tăng trưởng của Shopee trong quý II so với quý I vượt trội so với TikTok Shop. Nếu như tổng GMV TikTok Shop tăng trưởng 4,8% so với quý trước thì tổng GMV Shopee tăng trưởng đến 16,1% – giúp nền tảng này chiếm thêm 3,5 điểm thị phần.

Shopee bỏ xa các đối thủ trong cuộc đua thị phần mua sắm qua sàn thương mại điện tử.

Shopee bỏ xa các đối thủ trong cuộc đua thị phần mua sắm qua sàn thương mại điện tử.

Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân chính cho sự chênh lệch này nằm ở mức độ phụ thuộc vào nhóm ngành hàng Thời trang và Phụ kiện của Shopee và TikTok Shop.

Cụ thể, nếu như nhóm ngành hàng Thời trang và Phụ kiện chỉ chiếm 24% trên tổng GMV của Shopee trong quý thì nhóm ngành hàng này lại chiếm đến 37,5% trên tổng GMV của TikTok Shop trên cùng thời gian. Và khi nhu cầu cho sản phẩm Thời trang và Phụ kiện giảm trong quý II so với quý I (do quý I có Tết Nguyên Đán là cao điểm của ngành hàng) thì TikTok Shop đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn Shopee.

Điểm lại các hoạt động của Shopee và TikTok Shop trong quý II/2024, báo cáo chỉ ra trọng tâm của hai nền tảng tiếp tục đặt vào các hoạt động Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí).

Đặc biệt trong tháng 6, nếu như TikTok Shop tạo dấu ấn với các phiên livestream trăm tỷ thì Shopee cũng không kém cạnh với Chuỗi sự kiện Shopee Live – Siêu Nhạc Hội. Nhờ lực đẩy này mà GMV toàn thị trường tháng 6 đã chạm mức 33,8 nghìn tỷ đồng/tháng – cao nhất từ đầu năm tới nay.

Trong khi tổng giá trị giao dịch của nhóm ngành hàng Thời trang và Phụ kiện giảm 3% so với quý trước thì báo cáo của YouNet ECI chỉ ra tất cả các nhóm ngành hàng khác đều tăng trưởng về GMV. Trong đó, có những nhóm như Thực phẩm và Đồ uống hay Mẹ và Bé đều tăng trưởng đến hai chữ số.

Tuy vậy, tính tổng thể, cũng như quý trước, Thời trang và Phụ kiện vẫn là nhóm ngành hàng được người tiêu dùng mua nhiều nhất trên 4 nền tảng thương mại điện tử, đạt 22,679 nghìn tỷ đồng GMV. Xếp sau lần lượt là nhóm Sắc đẹp (13,4 nghìn tỷ đồng), Nhà cửa và Đời sống (10,6 nghìn tỷ đồng), Công nghệ (8 nghìn tỷ đồng) và Điện gia dụng (6 nghìn tỷ đồng).

Theo YouNet ECI

Theo YouNet ECI

Thị trường ngày càng phát triển theo hướng chắt lọc

Theo báo cáo của YouNet ECI, trong quý II, tổng số lượng nhà bán có doanh thu giảm đến 26 nghìn nhà bán so với quý trước. Tuy vậy, doanh thu trung bình của mỗi nhà bán lại tăng 9% so với quy trước. Đồng thời, giá trị trung bình mỗi sản phẩm tiêu thụ trên thương mại điện tử cũng tăng 7% so với quý trước.

Có thể thấy, thị trường thương mại điện tử đang thay đổi rất nhanh theo hướng chắt lọc, tập trung, khiến số lượng nhà bán không chuyên, uy tín thấp ngày càng giảm.

Theo ông Nguyễn Phương Lâm – Giám đốc Phân tích Thị trường của YouNet ECI, ba xu hướng chủ đạo sẽ là nguồn động lực tăng trưởng chính cho thương mại điện tử Việt Nam trong 3 đến 5 năm tới là: Thói quen mua sắm trực tuyến mỗi ngày, các mặt hàng giá trị cao và sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ của xu hướng shoppertainment.

Chuyên gia của YouNet ECI cho rằng: “Chìa khóa tăng trưởng trên thương mại điện tử giờ đây nằm ở độ thấu hiểu thị trường, thấu hiểu khách hàng và khả năng tối ưu thông minh, chuyên nghiệp hóa trên từng điểm chạm. Đã qua rồi thời điểm nhãn hàng chỉ cần mở gian hàng trên sàn là có doanh thu mà việc nắm trong tay dữ liệu thị trường, biết cách phân tích để từ đó tìm ra hướng đi mới là yêu cầu bắt buộc”.

Theo nghiên cứu của ngân hàng HSBC, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đang hỗ trợ tích cực và củng cố tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam.

HSBC cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đã có dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa; với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Họ tin rằng việc ứng dụng và nâng cao dịch vụ số sẽ đáp ứng được kỳ vọng khách hàng về sự tiện lợi và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Bà Nguyễn Hồng Thắm làm Giám đốc Agribank Chi nhánh Kiên Giang

KIÊN GIANG Ngày 20/9, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Hồng Thắm làm Giám đốc Agribank Chi nhánh Kiên Giang.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.