Tháng 2 vừa qua, nhận lời mời của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã thăm và làm việc tại Siera Leone từ ngày 13-25/2.
Đoàn công tác gồm ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam và ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Cải thiện năng lực trồng lúa
Hiện nay, FAO đang có chủ trương hỗ trợ cho các nước nghèo, thiếu lương thực dưới hình thức hợp tác Nam - Nam. FAO là bên huy động nguồn và hỗ trợ tài chính, tìm nước hỗ trợ kỹ thuật và xác định nước hưởng lợi. Đồng thời, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB) có chính sách cho các nước châu Phi vay ODA để cải thiện hệ thống sản xuất lương thực, đặc biệt là lúa gạo.
Riêng với Sierra Leone, AFDB cam kết một chương trình hỗ trợ dài hạn khoảng 700 triệu USD. Hiện nay, Ngân hàng Phát triển châu Phi đã duyệt khoản vay 5 triệu USD để Sierra Leone cải thiện năng lực trồng lúa. FAO Rome giao cho FAO vùng châu Phi và FAO Sierra Leone xây dựng Văn kiện dự án và mời Việt Nam cùng tham gia.
Trong chuyến đi này, FAO Sierra Leone chính thức trao cho đoàn công tác dự thảo Hiệp định hợp tác thực hiện dự án 3 bên FAO - Sierra Leone - Việt Nam kèm theo dự thảo Văn kiện dự án và đề nghị Việt Nam cùng ký.
Khi làm với Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Abu Bakarr Karim, ông rất ấn tượng với chính sách và hệ thống canh tác nông nghiệp nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2022.
Bộ trưởng đề nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam tham gia vào dự án 3 bên “Tăng cường chuỗi giá trị lúa gạo tại Sierra Leone thông qua hợp tác Nam-Nam” của FAO.
Ngoài ra, Việt Nam xem xét, có thể huy động cả khối tư nhân, cử chuyên gia tham gia Nhóm tư vấn hỗ trợ Bộ trưởng Abu cải cách nền nông nghiệp Sierra Leone trực tuyến.
Về tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Sierra Leone Bockkarie Kalokoh trực tiếp khẳng định việc ưu tiên cung cấp tài chính cho các dự án nông nghiệp là chủ trương chung của Tổng thống Sierra Leone trong nhiệm kỳ tới nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Cơ hội tham gia vào thị trường châu Phi
Theo đánh giá của đoàn công tác, Sierra Leone có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp với hệ thống sông ngòi dày đặc, khí hậu nhiệt đới hai mùa mưa và khô. Rất giống vùng tứ giác Long Xuyên, ĐBSCL.
Về dự án cải thiện năng lực trồng lúa, đây là dự án đầu tiên Việt Nam hợp tác với hình thức Nam - Nam, có 3 bên cùng tham gia. Việc Việt Nam tham gia vào dự án này khẳng định và quảng bá rằng kỹ thuật nông nghiệp của Việt Nam có thể trở thành hàng hoá xuất khẩu sang những nước đang phát triển dưới hình thức hợp tác Nam - Nam, mở ra hướng xuất khẩu khoa học công nghệ nông nghiệp (bao gồm chuỗi từ hạ tầng thuỷ lợi, sản xuất giống, máy móc canh tác, vật tư nông nghiệp, bảo quản sau thu hoạch và chế biến, xuất khẩu...).
Thị trường châu Phi có thể coi là rất tiềm năng do công nghệ của ta phù hợp với phía bạn, giá thành rẻ, dễ ứng dụng, thời điểm này rất nhiều vốn đầu tư cho an ninh lương thực. Dự án cũng sẽ được Việt Nam giám sát chất lượng chuyên gia, kỹ thuật, quản lý dự án để đảm bảo thành công bền vững.
Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Sierra Leone rất tin tưởng Việt Nam và đề xuất giúp huy động một nhóm tư vấn có cả thành phần cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp... để tham vấn trực tuyến cho Bộ trưởng phía bạn phát triển nông nghiệp.
Điều này rất có lợi cho Việt Nam tham gia sâu vào thị trường nông nghiệp của nước châu Phi này kể cả cung cấp các dịch vụ, vật tư nông nghiệp, tác động chính sách.
Bên cạnh đó, nếu nông nghiệp thành công sẽ rất thuận lợi cho các ngành khác của Việt Nam vào thị trường bạn như dầu khí, mỏ, chế biến gỗ, xây dựng, viễn thông...