| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt giữ rừng vành đai biên giới, rừng đầu nguồn

Thứ Bảy 29/08/2015 , 08:51 (GMT+7)

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, có chung đường biên giới với nước bạn Lào với chiều dài 419 km, trải dài từ huyện Quế Phong đến Thanh Chương.

Rừng quý, lại ở địa bàn trọng yếu

Năm 2007, khu vực miền Tây Nghệ An đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 6 của Việt Nam. Tại khu vực này tính đa dạng sinh học rất cao, diện tích rừng nguyên sinh lớn, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt - Lào là vùng có nhiều loài gỗ quý, hiếm, giá trị kinh tế cao.

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An có xảy ra một số vụ khai thác rừng trái phép dọc biên giới trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Quế Phong.

Tình trạng chuyển đổi rừng, chuyển nhượng đất lâm nghiệp theo hình thức trao tay đã xảy ra tại một số huyện, dẫn đến nhiều diện tích đất rừng không rõ chủ quản lý, thậm chí có chủ rừng còn lợi dụng chủ trương cải tạo rừng nghèo kiệt trồng rừng mới để khai thác, chặt phá rừng trái phép...

Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND các huyện phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt để xử lý nghiêm minh.

Trong 6 tháng đầu năm 2015 lực lượng kiểm lâm Nghệ An đã bắt giữ và xử lý 468 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 946 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; tịch thu 16 cưa xăng, 2 máy tời và nhiều phương tiện sử dụng để khai thác vận chuyển lâm sản trái phép khác, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 6 tỷ đồng.

Bên cạnh việc kiểm tra phát hiện bắt giữ người, phương tiện và tang vật vi phạm các địa phương đang tích cực sử dụng các biện pháp tuyên truyền vận động, giải thích cho người dân nhằm ngăn chặn kịp thời, không để các sự việc trên tiếp diễn.

Ông Lê Cao Bính, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thời gian qua có xảy ra một số vụ việc phá rừng phức tạp.

Trước hết là diện tích rừng nguyên sinh dọc khu vực biên giới Việt - Lào có trữ lượng gỗ lớn, nhiều loài gỗ quý hiếm và giá trị kinh tế cao. Địa hình nơi đây lại chia cắt, hiểm trở, xa khu dân cư, việc tuần tra, kiểm tra của lực lượng kiểm lâm và chính quyền gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tuần tra rừng trong khu vực đường vành đai biên giới.

Thứ hai là công tác phối hợp bảo vệ rừng giữa các cơ quan chức năng như biên phòng, công an, kiểm lâm, các chủ rừng và chính quyền địa phương ở một số nơi vẫn chưa thực sự đồng bộ.

Thứ ba là nhu cầu và phong tục tập quán về sử dụng gỗ trong làm nhà, ma chay, củi đốt... của đồng bào dân tộc thiểu số gia tăng, các hộ gia đình nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo QĐ số  167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo áp lực không nhỏ lên công tác bảo vệ rừng.

Hy vọng, bằng việc triển khai quyết liệt những giải pháp tích cực nói trên, lực lượng kiểm lâm Nghệ An từ tỉnh đến cơ sở sẽ làm cho công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng nề nếp, quy củ và ổn định hơn.

Thứ tư là ý thức trách nhiệm của một số cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, chính quyền địa phương cấp xã và chủ rừng đối với rừng còn hạn chế, nhất là trong thực thi công vụ về bảo vệ rừng chưa cao, chưa nghiêm đã dẫn đến việc xảy ra một số vụ vi phạm trong thời gian vừa qua.

Triển khai quyết liệt 6 biện pháp

Vì vậy, để triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng bền vững, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm cấp huyện triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây:

1- Tiến hành xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan trong việc để rừng bị khai thác trái phép nhất là các vụ việc đã được bắt quả tang phải xử lý nghiêm theo pháp luật, không bao che hoặc xử lý nhẹ nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

mot-gc-cinh-rng-uc-chi-tru-dvmt-rng101650140
Rừng được bảo vệ tốt nhờ chi trả dịch vụ môi trường rừng

2- Điều chỉnh bổ sung hình thức và phương thức giao khoán bảo vệ rừng tại các khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng dọc biên giới, nơi rừng có trữ lượng lớn, nhiều loài quý hiếm ưu tiên cho các lực lượng các đồn Biên phòng và lực lượng dân quân tự vệ của địa phương;

3- Rà soát lại mạng lưới bảo vệ rừng của chủ rừng, Hạt Kiểm lâm nhằm đảm bảo tốt việc thực thi nhiệm vụ tuần tra rừng thường xuyên, gắn với việc chốt chặn cửa rừng, phát hiện, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về quản lý rừng;

4- Kiến nghị các cơ quan tổ chức khi tiến hành giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng đối với những diện tích chưa có chủ quản lý, tiến hành đồng thời giao rừng, thuê rừng với giao đất, cho thuê đất để đảm bảo rừng thực sự có chủ quản lý và phải chịu trách nhiệm nếu để rừng bị khai thác chặt phá;

5- Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống Quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa các lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các đồn Biên phòng trên cùng địa bàn cấp huyện, cấp xã;

6- Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng, tố giác các đối tượng, đầu nậu khai thác rừng trái phép để các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời triển khai tốt chính sách chi trả kịp thời dịch vụ môi trường rừng để người dân, có thu nhập ổn định nhằm giúp họ tích cực chăm lo công tác bảo vệ rừng ngày một tốt hơn.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.