| Hotline: 0983.970.780

Xoài ở Bình Định mất mùa, ế ẩm

Thứ Tư 15/05/2024 , 09:05 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, nhiều vườn xoài ở xã Cát Hanh (Phù Cát, Bình Định) không chịu ra hoa nên nông dân mất mùa trầm trọng, đã thế năm nay xoài lại rất ế ẩm.

Mất 90% năng suất

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi ghé lại vườn xoài cát Hòa Lộc rộng 4ha của lão nông Nguyễn Ngọc (sinh năm 1955). Ông Ngọc đang sở hữu 800 gốc xoài cao niên, trong đó có 300 gốc đã được hơn 25 năm tuổi và 500 gốc hơn 15 tuổi ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định). Nhìn gương mặt buồn bã của ông Ngọc khiến chúng tôi có dự cảm chẳng mấy vui vẻ. Khi vào chuyện, chúng tôi mới biết suốt cả vụ xoài năm nay ông chỉ thu hoạch được khoảng 4 - 5 tấn xoài, năng suất xoài mất đến 90% so với những năm trước khiến ông không thể vui.

“Trong 4ha xoài của tôi, chỉ có 2ha gốc xoài cao niên cho được ít hoa, đậu được 4 - 5 tấn quả, còn 2ha xoài trẻ tuổi hơn do năm trước ra hoa muộn, đến tháng 9 âm lịch mới thu hoạch xong nên không còn sức ra hoa cho vụ này, vì vậy không thu được quả nào. Những năm trước, với 4ha xoài mỗi vụ tôi thu được 40 - 50 tấn quả nhưng năm nay chỉ 4 - 5 tấn, tiền bán xoài không đủ bù chi phí”, ông Nguyễn Ngọc than thở.

Vườn xoài 800 gốc của ông Nguyễn Ngọc ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) trước đây khi đến mùa là dày đặc quả, năm nay quả rất thưa thớt. Ảnh: V.Đ.T.

Vườn xoài 800 gốc của ông Nguyễn Ngọc ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) trước đây khi đến mùa là dày đặc quả, năm nay quả rất thưa thớt. Ảnh: V.Đ.T.

Trước thực tế đáng buồn trên, chúng tôi đặt câu hỏi năm nay ông Ngọc chăm sóc xoài có gì bất thường không mà xoài không ra hoa, đậu quả? Ông Ngọc chia sẻ: Đầu tháng chạp âm lịch hằng năm, vườn xoài của ông bắt đầu ra hoa, đến khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch năm sau là bắt đầu cho thu hoạch.

Sau khi thu hoạch xong vụ xoài, khoảng tháng 5 âm lịch ông Ngọc bắt đầu cày xới đất trong vườn xoài để đất thông thoáng. Xới đất xong, những gốc xoài được ông cho “ăn” phân. Ngoài phân bò ủ hoai, những gốc xoài còn được bón phân vi sinh, phân urê, phân NPK từng loại có liều lượng nhất định.

“Vườn xoài của tôi đã cao niên nên càng về sau những gốc xoài càng được tôi chăm sóc kỹ để chúng có sức ra hoa, đậu quả. Vùng trồng xoài ở xã Cát Hanh là chân đất cát nên hút phân ghê lắm. Nếu cho cây ăn phân nhiều quá sẽ chẳng có lợi gì mà còn gây hại, sau này quả sẽ èo uột chứ không to, đẹp, bóng nên sẽ bị thương lái đánh xuống loại 2, mua với giá thấp, chủ nhà vườn thất thu. Khi xoài cho hoa, nếu chủ nhà vườn nào cố tình bón phân nhiều vào để mong quả đậu nhiều sẽ càng thất vọng vì xoài sẽ cho quả rất xấu, thương lái sẽ ngó lơ, không mua”, ông Ngọc chia sẻ.

Sau khi bón phân cho xoài, ông Ngọc bắt đầu cắt cành, tỉa nhánh. Những cành khô, cành hư, cành tược dài đều được cắt bỏ, cắt ngắn bớt để tán các cây xoài không giao nhau. Những cành cắt bỏ được ông Ngọc tấp hết vào gốc để giữ ẩm cho cây, đất không bị rốc, giúp cây hấp thụ phân bón tốt hơn. Sau khi tỉa cành, ông Ngọc bơm thuốc phòng trừ sâu bệnh, giữ bộ lá để lá nuôi cây...

Ông Nguyễn Ngọc đang lo lắng không hiểu vì sao năm nay xoài không chịu ra hoa. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc đang lo lắng không hiểu vì sao năm nay xoài không chịu ra hoa. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Ngọc, nếu để xoài ra hoa tự nhiên vào đầu tháng chạp năm trước thì khoảng mùng 6 tháng 4 âm lịch năm sau xoài sẽ cho thu hoạch quả, vụ thu hoạch kéo dài đến đầu tháng 5 âm lịch là kết thúc. Nếu chủ nhà vườn nào muốn thu hoạch sớm vào đầu tháng 3 âm lịch thì từ tháng 8 âm lịch năm trước phải sử dụng thuốc ức chế sinh trưởng để xoài ra hoa sớm.

“Vụ xoài năm nay tôi tuân thủ quy trình chăm sóc như mọi năm, đầu tháng chạp năm trước xoài bắt đầu ra hoa. Khi xoài ra hoa tôi cẩn thận sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh bơm cho vườn, nhất là phòng rệp sáp để bảo toàn cho hoa xoài không bị sâu bệnh gây hại. Ấy vậy nhưng không hiểu sao xoài ra hoa rất lác đác, không dày như mọi năm”, ông Nguyễn Ngọc nói buồn.

Xoài vừa mất mùa vừa ế ẩm

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, hiện trên địa bàn xã có hơn 120ha xoài trồng tập trung. Những năm trước, xoài là cây làm giàu cho người dân địa phương, nhiều chủ vườn xoài cao niên như ông Nguyễn Ngọc và ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Tân Hóa Nam mỗi năm thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng. Thế nhưng 3 năm gần đây, hầu hết diện tích xoài ở xã Cát Hanh đều mất mùa trầm trọng. Nếu thời điểm xoài ra hoa mà bị mưa to gió lớn làm rụng hoa gây mất mùa thì đã đành, đằng này thời tiết năm nay nắng kéo dài, nhưng không hiểu do đâu mà xoài vẫn “tịt”, không chịu ra hoa.

“Nông dân trồng xoài ở xã Cát Hanh đang boăn khoăn không biết có phải do thời gian trước đây bà con thường sử dụng hóa chất gây ức chế để xoài ra hoa trái vụ nên giờ cây xoài trở chứng?”, ông Nguyễn Văn Thanh lo lắng đặt nghi vấn.

Năm nay xoài cho được quả nào ông Nguyễn Ngọc bao quả rất kỹ, quả xoài to, đẹp nhưng vẫn ế. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay xoài cho được quả nào ông Nguyễn Ngọc bao quả rất kỹ, quả xoài to, đẹp nhưng vẫn ế. Ảnh: V.Đ.T.

Còn chủ nhà vườn Nguyễn Ngọc thì boăn khoăn: “Thực tế cho thấy, những vườn xoài trẻ tuổi trên địa bàn xã Cát Hanh năm nay mới thu hoạch lần đầu thì cho hoa nhiều. Tôi nghĩ chắc là do trong đất còn nhiều dinh dưỡng được tích tụ trong thời gian trước đây khi nhà vườn trồng các loại cây màu khác, còn những vườn xoài cao niên có lẽ do trong đất đã cạn dinh dưỡng nên giờ mất sức, không cho hoa?”.

Ông Ngọc chia sẻ thêm: Năm nay mất mùa, sản lượng xoài chẳng có bao nhiêu nhưng điều đáng buồn hơn nữa là giá không tăng, chỉ 28.000đ/kg xoài loại 1, xoài loại 2 chỉ bán được 16.000đ/kg. Đã vậy, năm nay sức mua cũng rất yếu. Mọi năm đến mùa xoài thương lái đến các nhà vườn mua bán rần rật. Thế nhưng năm nay thương lái vắng bóng, nếu có người đi mua thì cũng mua số lượng rất ít.

“Năm nay vườn xoài 800 cây của tôi chỉ thu được 4 - 5 tấn, toàn xoài loại 1 mà bán cũng không thông. Xoài của tôi được bao quả kỹ lưỡng, quả to, bóng, sạch đẹp mà mỗi ngày thương lái chỉ mua vài ba trăm ký. Trước đây mỗi ngày thương lái tập trung mua đến nỗi tôi không kịp hái, mỗi ngày phải hái từ 4 - 5 tấn mới kịp cung ứng.

Nguyên nhân xoài ế ẩm được thương lái giải thích là do sức tiêu thụ của các thị trường Đà Nẵng và TP.HCM hiện đang rất yếu vì nguồn cung xoài tại các tỉnh phía Nam cũng đang rất dồi dào. Khi xoài miền Tây thu hoạch ồ ạt đưa về thị trường TP.HCM tiêu thụ thì xoài miền Trung không thể cạnh tranh. Những thời điểm xoài miền Tây đứt hàng thì xoài miền Trung mới được tiêu thụ mạnh”, ông Nguyễn Ngọc cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc rầu rĩ vì với 800 gốc xoài trước đây mỗi vụ thu hoạch được 40 - 50 tấn nhưng năm nay chỉ thu được 4 - 5 tấn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc rầu rĩ vì với 800 gốc xoài trước đây mỗi vụ thu hoạch được 40 - 50 tấn nhưng năm nay chỉ thu được 4 - 5 tấn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, hiện trên địa bàn huyện đang có hơn 200ha xoài cát, riêng trên địa bàn xã Cát Hanh đã chiếm hơn 120ha. Giữa tháng 5/2024 này, cây xoài Phù Cát sẽ được công bố nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Phù Cát”. Địa phương xác định xoài cát là một trong 2 loại cây ăn quả chủ lực được đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa.

Do vậy, cây xoài trên đất Phù Cát được ngành chức năng định hướng để người dân đầu tư thâm canh, phát triển đồng bộ và theo quy trình canh tác đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng. Giai đoạn 2023 - 2025, Phù Cát đăng ký sản xuất thêm 110ha xoài hợp chuẩn VietGAP tập trung ở các xã Cát Hanh, Cát Hiệp và Cát Lâm, riêng năm 2023 đã thực hiện được 60ha, đồng thời đề xuất hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cho 25ha. 

Về nguyên nhân năm nay nhiều diện tích xoài ở huyện Phù Cát mất mùa, ông Lê cho rằng do năm nay thời tiết không có lạnh nên cây xoài không bị ức chế, không phân hóa được mầm hoa nên không ra hoa?

“Cùng ở xã Cát Hanh, những vườn xoài được đầu tư chăm sóc tốt và biết siết nước, biết áp dụng kỹ thuật kích hoa thì hầu hết đều ra hoa, đậu quả nhiều đến chủ nhà vườn phải tỉa bớt quả. Nếu nhà vườn nào không chăm chút, giao phó hết cho ông trời và không biết kỹ thuật ức chế để ra hoa thì cây không cho hoa, dẫn đến mất mùa”, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho hay.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.